Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 28/11/2024 07:24 (GMT +7)
Tết Việt, nét xưa còn mãi
Thứ 5, 15/02/2018 | 20:48:00 [GMT +7] A A
Tết Nguyên đán của người Việt đã có từ ngàn xưa, trở thành phong tục truyền thống tốt đẹp, giàu bản sắc của dân tộc ta.
Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, ngày Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc vẫn được lớp lớp thế hệ người Việt Nam gìn giữ, kế thừa, phát huy. Những nét đẹp của ngày Tết Nguyên đán có lẽ sẽ mãi trường tồn cùng dân tộc Việt Nam.
Thoáng hương mùi già trong giá rét…
Ở miền Bắc, mùa đông năm nay lạnh rét kéo dài, cứ đợt này lạnh này hết lại đợt kia tăng cường, mãi chưa thấy dứt. Nhưng rét thì mặc rét, những ngày cuối năm này, không khí mua sắm Tết thật nhộn nhịp, từ các siêu thị lớn cho tới các khu chợ truyền thống, ngoài đường phố, thậm chí cả ở chợ cóc chỉ có dịp cuối năm.
Người dân mua lá mùi già vào ngày cuối cùng của năm. Ảnh: Minh Đức/TTXVN |
Đâu đó trong những khu chợ đông đúc giữa thành phố hiện đại, vẫn có những người mang mùi già đi bán, thật ngạc nhiên là người mua mùi già dịp Tết cũng không ít. Chỉ cần đi lướt qua gánh hàng mùi già đã thấy thoang thoảng hương thơm. Mùa đông rét mướt như thế này, chỉ thấy hương mùi già thoang thoảng đã khiến mỗi người ta không khỏi hoài cổ, nhớ nhung về những thứ gì đó đã rất xa xôi, cổ kính.
Theo phong tục truyền thống, nhất là ở các tỉnh thành miền Bắc thường nấu nước mùi già chiều cuối năm, cả nhà dùng làm nước tắm, được gọi là “tắm tất niên” để rũ bỏ mọi nỗi buồn, vận đen đủi của năm cũ, chào đón một năm mới với nhiều niềm vui, hạnh phúc và may mắn. Sang mùng 1 Tết, nhiều nhà còn dùng nước mùi già để rửa mặt…
Chắc chắn sẽ có nhiều người, nhất là những người trẻ tuổi thắc mắc là tại sao phải tắm, rửa mặt bằng nước lá mùi già mà không phải thứ lá nào khác? Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho biết: Cũng không ai rõ tục lệ dùng nước câu mùi già để tắm gội xuất hiện từ thời điểm nào. Chỉ biết rằng, ông cha ta dùng nước này để xua tan những điều không may mắn của năm cũ. Lá mùi với mùi thơm nhẹ nhàng sẽ giúp cho chủ nhân và gia đình đón được vận may trong thời khắc giao thừa.
Ông Phạm Văn Lượng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) – một người nghiên cứu y học cổ truyền cho biết: Tắm cây mùi già không chỉ có tác dụng cho người thơm tho. Mùi thơm của nước cây mùi già tốt cho hệ hô hấp, phòng một số bệnh truyền nhiễm. Trên cây mùi già, hạt mùi là một vị thuốc quý.
Hạt mùi có tên khác là hồ tuy, là vị thuốc thần dược trong Đông y và Tây y. Hạt mùi có vị cay, tính ôn, tắm cây mùi già có thể chống cảm cúm, tiêu nhiệt độc trong cơ thể. Đặc biệt người đang bị cảm cúm dùng lá mùi già để xông sẽ giúp bệnh nhanh khỏi. Tuy nhiên, ông Phạm Văn Lượng cũng khuyến cáo: Người dân không nên tắm nước lá mùi già quá đặc mà nên pha loãng với nước; mặt khác, trước khi dùng cần rửa thật sạch lá, đun nước sôi mới tắm để tránh nhiễm khuẩn…
Nhiều người, nhất là các bà mẹ trẻ ngày nay thường “ngại” mua mùi già về đun nấu bởi lách cách nhiều thứ. Thế nên, công nghệ sản xuất hiện đại ngày này cho phép chiết suất tinh dầu thơm của các loại cây, trong đó có cả tinh dầu mùi già. Với những người đa cảm, đã trải qua thời ấu thơ đón Tết trong hương mùi già, chỉ cần một giọt tinh dầu đã có thể thấy hương Tết xưa ngập tràn, những người con xa xứ có thể ứa nước mắt nhớ thương Tết quê mẹ…
Tri ân, nhớ về cội nguồn
Ông Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chia sẻ: Tết Nguyên đán đã trở thành giá trị văn hóa mang tính ý thức hệ của người Việt Nam. Có thể thấy, đặc trưng lớn nhất, rõ nét nhất trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam đó là Tết của gia đình, Tết của sự sum vầy, đoàn viên.
Ngày Tết cũng là ngày mọi gia đình tri ân, nhớ tới tổ tiên. Mọi người dân cũng tới nghĩa trang liệt sỹ sửa sang các phần mộ, cắm hoa tươi, thắp hương tưởng nhớ những người anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc để có mùa Xuân tươi thắm mãi cho dân tộc.
Bà Bùi Thị Kiên (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) – một người dân quê Thanh Hà, Hải Dương đã sống ở Thủ đô Hà Nội 30 năm qua. Bà cho biết, dù làm dâu, sống ở Hà Nội đã ngót nghét 30 năm nhưng chưa khi nào bà quên những thói quen đón Tết khi còn ở quê. Dù có bận bịu đến mấy đến ngày 24 Tết bà đã tất bật mua lá dong, gạo nếp, đỗ xanh… để chuẩn bị nồi bánh chưng Tết đủ 30 chiếc cả mặn, cả ngọt để biếu họ hàng, nhà dùng. Ngày 30 Tết, cha mẹ con cháu gia đình bà dù có đi xa, ở gần cũng tề tựu đông đủ để ăn bữa cơm tất niên, động viên nhau cùng cố gắng trong năm mới.
Cuộc sống ngày hiện đại, nhưng nếp xưa đón Tết các cụ truyền lại gần như mọi người dân trên khắp mọi miền đất nước đều cố gắng thực hiện mỗi dịp đón Tết Nguyên đán. Trong đó, không thể thiếu các hoạt động như sửa sang, thăm viếng, dọn dẹp sạch sẽ các phần mộ của gia tộc; làm mâm cơm cúng mời gia tiên về ăn Tết, dâng lên tổ tiên những món ăn ngon lành nhất vào cả 3 ngày Tết…
Những cặp bánh tét đã chín được vớt ra. Ảnh: Phương Vy/TTXVN |
Để chuẩn bị đón Tết, ngay sau ngày 23 tháng Chạp tiễn ông táo chầu trời là các gia đình bắt tay dọn dẹp bàn thờ, mua đồ bày mâm ngũ quả, mua hoa tươi, cây cảnh về trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị đồ ăn thức uống cho 3 ngày Tết, trong đó có gói bánh chưng, mổ lợn, gói giò…
Ngày nay, mọi đồ dùng dịp Tết ngập tràn, không thiếu món nào từ quần áo, giầy dép, bánh kẹo, mứt, hoa quả, cho đến cả những đồ ăn chín như nem, xôi, gà, bánh chưng, thậm chí cả hoa cắm Tết…
Công nghệ phát triển cho phép mọi người chỉ cần nhấp cú chuột hoặc bấm nút trên điện thoại thông minh đặt hàng là có người đưa hàng (ship) đến tận nơi, vô cùng tiện lợi, nhất là với các chị em bận rộn công việc đến ngày cuối cùng của năm. Thế nên dù có bận rộn đến mấy, hầu hết các gia đình vẫn đủ đầy mọi thứ đón Tết, tri ân công đức tổ tiên nhờ bàn tay vun vén đảm đang của các thành viên trong gia đình, nhất là người phụ nữ.
Tết ấm tình đồng bàoMỗi dịp Tết đến Xuân về trên khắp các mọi miền Tổ quốc diễn ra nhiều chương trình chung tay vì người nghèo, người dân vùng thiên tai bão lũ, đồng bào vùng sâu vùng xa, nạn nhân chất độc da cam, công nhân… Đây là những hành động giúp mọi người đều được đón Tết cổ truyền đầm đám, thể hiện tinh thần tinh thần đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam.
“Tết sum vầy” là hoạt động của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chăm lo Tết cho công nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên khắp mọi miền Tổ quốc từ 4 năm qua. Bằng nhiều hình thức thiết thực, chương trình đã giúp hàng triệu công nhân xa nhà được đón Tết, vui xuân đầm ấm bên gia đình, bạn bè.
Dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, qua chương trình “Tết sum vầy”, cả nước có gần 2,6 triệu đoàn viên và người lao động hoàn cảnh khó khăn được các cấp công đoàn chăm lo, hỗ trợ tiền mặt, tặng quà với tổng trị giá hơn 1.277 tỉ đồng, để có một cái tết sum vầy, ấm áp.
Ngay từ năm 1999, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”. Đến nay, chương trình đã giúp đỡ hàng chục triệu lượt người nghèo, nạn nhân chất độc da cam vui Tết, đón Xuân, góp phần nhân lên truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc ta.
Trong 5 năm gần đây, toàn Hội đã vận động và trao tặng gần 10 triệu suất quà Tết với tổng trị giá đạt trên 3.464 tỷ đồng. Phong trào đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam chứng nhận đạt kỷ lục Việt Nam về số lượng quà Tết trao tặng cho người nghèo nhiều nhất năm 2015.
Xuân Mậu Tuất 2018, Hội dự kiến vận động ít nhất 2 triệu suất quà Tết để trao tặng các gia đình nghèo, gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão lũ, gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng kêu gọi người dân cả nước chung tay ủng hộ, giúp đỡ để ủng hộ người nghèo thông qua tin nhắn cú pháp TET gửi tới 1409. Mỗi tin nhắn sẽ đóng góp 20.000 đồng vào quỹ…
Mỗi dịp Tết, tâm thức của người Việt Nam, kể cả những người xa quê hương đều có khát vọng sum họp gia đình, cùng với cộng đồng cầu mong cho cuộc sống an khang thịnh vượng. Tết mãi là nét đẹp truyền thống mà dù đi đâu về đâu người Việt đều ghi nhớ và hướng về gia đình, mong muốn đoàn viên, sum họp. Đó là giá trị tinh thần thiêng liêng, gắn kết người Việt Nam với nhau.
Ý kiến ()