Chính phủ Thái Lan sẽ đẩy mạnh chương trình trang trại lớn trồng lúa trong năm 2017. Chương trình này sẽ cắt giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả và cải thiện tính cạnh tranh của mặt hàng gạo Thái Lan trên thị trường quốc tế.
Chính phủ Thái Lan đã đặt mục tiêu xây dựng 1.000 nông trại trồng lúa quy mô lớn vào năm 2017.
Hồi tháng 9/2016, Bộ Thương mại, Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã của Thái Lan đã ký biên bản hợp tác triển khai chương trình này.
Bà Chutima Bunyapraphasara, tân Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan, cho biết chương trình trang trại lớn trồng lúa sẽ được phát triển theo 3 mô hình trang trại dựa trên vị trí địa lý và nhu cầu của những người nông dân tham gia chương trình.
Cụ thể, 3 mô hình trang trại bao gồm mô hình 2.0 được xây dựng trên mô hình truyền thống kết hợp cùng cách thức quản lý trang trại và marketing hiệu quả; mô hình 3.0 tập trung sử dụng công nghệ cơ bản và trồng chủ yếu gạo với chất lượng tốt hơn nhằm làm nguồn đầu vào nguyên liệu của nhiều ngành công nghiệp sản xuất với giá trị gia tăng cao; mô hình 4.0 ứng dụng công nghệ cao như định vị toàn cầu GPS, cải thiện chất lượng đất trồng, sử dụng máy bay không người lái được điều khiển từ xa để phun thuốc trừ sâu và phân bón nhằm giảm chi phí sản xuất. Riêng với mô hình 4.0, Chính phủ Thái Lan có thể kêu gọi các nhà đầu tư phù hợp.
Mô hình chương trình trang trại lớn trồng lúa gạo đã được hoàn thiện vào năm ngoái kêu gọi người nông dân cùng đóng góp đất trồng để tăng diện tích gieo trồng lúa. Người nông dân sẽ được cung cấp các khoản vay ưu đãi tối đa lên đến 5 triệu baht với mức lãi suất 0,01% từ Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã Nông nghiệp (BAAC). Tổng kinh phí hỗ trợ người nông dân đạt mức 3,25 tỷ baht (87 triệu USD) đã được Nội các Thái Lan thông qua vào tháng 8/2016.
Về phía Bộ Thương mại Thái Lan, cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm bán gạo và tìm người mua. Ngoài ra, khi tham dự chương trình, người nông dân sẽ được hỗ trợ máy móc và trang thiết bị nông nghiệp nhằm giảm chi phí sản xuất và nâng cao hiệu suất.
Tham gia chương trình, người nông dân có thể đàm phán để tiếp cận thị trường và nguồn tài chính phù hợp mà điển hình là các khoản tiền vay ưu đãi. Phương thức quản lý thông qua hình thức tập hợp và liên kết cũng góp phần đảm bảo hiệu quả kinh doanh từ gieo hạt, trồng đến phân phối.
Trong năm 2016, chương trình đã triển khai được tổng diện tích gieo trồng đạt 940.000 rai (1 rai bằng 1.600m2). Tổng cộng đã có 63.000 người nông dân tham gia chương trình.
Năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan dự kiến sẽ kêu gọi thêm được 9.142 người nông dân tham gia chương trình giúp triển khai thêm diện tích gieo trồng 110.000 rai./.
Ý kiến ()