Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 21/11/2024 17:02 (GMT +7)
Thái Lan và Campuchia sẽ sớm nối lại đàm phán về tranh chấp trên biển
Thứ 7, 09/11/2024 | 15:12:20 [GMT +7] A A
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra ngày 8/11 cho biết Campuchia đã được thông báo về việc nối lại các cuộc đàm phán liên quan đến các khu vực tranh chấp trên biển theo Bản ghi nhớ (MoU) năm 2001, sau khi Ủy ban kỹ thuật chung (JTC) được thành lập vào giữa tháng này.
Thông điệp này đã được bà Paetongtarn gửi tới Thủ tướng Campuchia Hun Manet nhân dịp hai nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 8, từ ngày 5-8/11, tại Côn Minh, Trung Quốc.
Theo Thủ tướng Thái Lan, việc thành lập JTC dự kiến sẽ được hoàn tất sau khi bà kết thúc chuyến công du tới Peru để tham dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2024 diễn ra từ ngày 10-16/11.
Bà Paetongtarn khẳng định: "Đến lúc đó, JTC sẽ tiếp tục đàm phán theo MoU"; đồng thời lưu ý thêm rằng MoU được ký vào năm 2001 đóng vai trò là khuôn khổ chính để đàm phán về Khu vực yêu sách chồng lấn (OCA).
Thái Lan và Campuchia đều tuyên bố chủ quyền đối với một khu vực rộng khoảng 26.000 km2 ở Vịnh Thái Lan. Khu vực này được cho là giàu tài nguyên năng lượng hóa thạch. Campuchia đã đưa ra yêu sách ban đầu vào năm 1972, nhưng Thái Lan sau đó đã bác bỏ yêu sách của quốc gia láng giềng này.
Hai nước đã ký MoU vào năm 2001, khi cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra đang nắm quyền, để hướng tới việc cùng khai thác chung tại các khu vực chồng lấn và phân định biên giới trên biển.
Tuy nhiên, sau đó việc thực hiện MoU bị đình trệ cho đến nay vì vấp phải sự phản đối của một bộ phận người dân Thái Lan khi cho rằng MoU có thể khiến Thái Lan mất chủ quyền đối với một số khu vực.
Huy Tiến (TTXVN)
Ý kiến ()