Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 24/11/2024 12:56 (GMT +7)
Thạnh Hóa tổng kết Mô hình “Xây dựng vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu”
Thứ 6, 14/04/2023 | 14:15:07 [GMT +7] A A
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thạnh Hóa và Ủy ban Nhân dân xã Thạnh Phước tổ chức tổng kết Mô hình “Xây dựng vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu”.
Mô hình này đã được triển khai trong vụ Đông Xuân 2022 - 2023 với qui mô 100 hecta của 14 hộ xã viên Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất thương mại Nông nghiệp 4.0 ấp Đình, xã Thạnh Phước. Trong đó có 74 hecta sử dụng giống OM18 xác nhận và 26 hecta sử dụng giống IR 4625 xác nhận để gieo sạ bằng máy sạ thường và sạ cụm.
Lượng giống gieo sạ trung bình 95kg/hecta. Các diện tích trong mô hình được Nhà nước hỗ trợ 70% chi phí lúa giống nhưng giá hỗ trợ không vượt quá 15.500 đồng/kg; đồng thời hỗ trợ 50% chi phí thuê dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái 6 lần/vụ nhưng không vượt quá 1,2 triệu đồng/hecta/vụ.
Nông dân được hướng dẫn áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM quy trình canh tác “1 phải - 5 giảm”, “1 phải - 6 giảm” và thực hiện thời gian cách ly trước thu hoạch đảm bảo chất lượng sản phẩm; giảm lượng phân đạm bằng cách sử dụng phân thế hệ mới ure Black; rút nước giữa vụ, tưới nước tiết kiệm “ngập khô sen kẽ”. Diện tích lúa trong mô hình được liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời bao tiêu đầu ra. Qua thực hiện các quy trình canh tác theo mô hình, ruộng lúa phát triển tốt, hạn chế được một số loại sâu bệnh gây hại như muỗi hành, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bện đạo ôn, lem lép hạt… chỉ xuất hiện gây hại với mức độ thấp. Thiên địch xuất hiện nhiều trên đồng ruộng. Đến khi thu hoạch, năng suất trung bình 8,5 tấn/hecta, cao hơn so với ngoài mô hình 150kg/hecta. Giá lúa trong mô hình được Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời bao tiêu cũng cao hơn so với ngoài mô hình.
Nhờ áp dụng các quy trình canh tác được hướng dẫn đã giúp nông dân giảm được chi phí vật tư đầu vào, nhất là giảm lượng giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật và số lần phun thuốc, giảm lượng nước tưới cho cây lúa, từ đó cũng góp phần bảo vệ sức khỏe của người nông dân và giảm những tác động gây ô nhiễm môi trường, năng suất và chất lượng sản phẩm đầu ra được nâng lên, lợi nhuận tăng thêm gần 3 triệu đồng/hecta so với ruộng lúa ngoài mô hình.
Đây là mô hình mang lại hiệu quả, lợi ích về nhiều mặt sẽ được duy trì, nhân rộng trong thời gian tới. Các cơ qua chuyên môn cũng khuyến cáo nông dân tiếp tục giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80 kg/hecta để hạ thấp hơn nữa chi phí đầu vào cũng như tăng hiệu quả và lợi nhuận trong sản xuất./.
Ngọc Như
Ý kiến ()