Tỉnh Bình Thuận vẫn đang phải hứng chịu những ngày nắng nóng gay gắt. Dòng nước mặt trên các lưu vực sông, suối đã cạn kiệt. Nguồn nước ngầm tụt thấp. Nước tích trữ trong các hồ chứa chỉ còn khoảng 35 triệu mét khối, được ưu tiên phục vụ sinh hoạt và nước uống cho gia súc, gia cầm. Tình trạng thiếu nước tưới đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất thanh long – loại cây trồng phổ biến và có giá trị kinh tế cao ở Bình Thuận.
Suốt mấy tháng qua, gia đình ông Trần Văn Chí ở xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc tìm cách cứu vườn thanh long hơn 600 trụ của mình nhưng vô vọng. Nước trữ trong ao đã cạn sạch, mạch nước nhỉ ở suối cũng không còn; giếng khoan sâu hơn 80 mét cũng không có nước. Hết cách, ông Chí bất lực buồn bã ngồi nhìn vườn thanh long chết héo dưới nắng gắt.
“Nắng hạn làm thanh long bị khô trong khi đó nguồn nước tưới không có khiến thanh long héo tóp lại chết lần. Tính ra 600 trụ thanh long gia đình mất trắng hơn 100 triệu đồng đầu tư”, ông Chí buồn bã chia sẻ.
Theo Sở NN&PTNT Bình Thuận, toàn tỉnh hiện có hơn 3.000 ha thanh long đang bị khô héo do thiếu nước tưới. 3 huyện có diện tích thanh long bị chết héo nhiều nhất là: Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và Hàm Tân. Diện tích thanh long bị thiệt hại vẫn đang tiếp tục tăng thêm do nắng hạn kéo dài. Tình trạng thiếu nước cũng khiến việc sản xuất thanh long nghịch vụ ở Bình Thuận kém hiệu quả. Nhiều nhà vườn không thể chong đèn sản xuất nghịch vụ.
“Vụ mùa tới nhiều gia đình sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Thanh long thiếu nước khiến dây bị khô, không có tàu non ra sẽ không thể có trái vụ mùa sẽ không có trái, mất nguồn thu nhập cho các gia đình”, anh Minh cho biết.
Ông Phạm Hữu Thủ, Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết, thời gian qua, nông dân trong tỉnh đã tìm mọi cách để cứu diện tích thanh long hiện có. Nhiều nhà vườn đã đầu tư sồ tiền lớn để khoan giếng, nhưng nguồn nước ngầm thì ngày càng tụt giảm mạnh do nắng hạn… Ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo nông dân không nên chong đèn thanh long nghịch vụ do nguy cơ chết héo rất lớn và ảnh hưởng lâu dài.
“Để tăng cường giữ ẩm cho đất, phòng nông nghiệp đã đề nghị bà con nên tập trung các nguồn sẵn có về tất cả các vật liệu giữ ẩm cho đất như là rơm ủ gốc thanh long. Cần thiết, có thể tỉa cành để giảm bốc hơi nước cho đất”, ông Thủ khuyến cáo.
Tình hình nắng hạn còn kéo dài. Vùng sản xuất thanh long trọng điểm của Bình Thuận chắc chắn tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Nguồn nước ít ỏi còn lại cần được sử dụng hợp lý, tiết kiệm để duy trì hơn 26.000 ha thanh long của các địa phương trong tỉnh./.
Ý kiến ()