Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 28/11/2024 20:38 (GMT +7)
Thành phố Tân An: Trường mẫu giáo Nhơn Thạnh Trung “Lấy trẻ làm trung tâm”
Thứ 2, 06/05/2024 | 14:02:54 [GMT +7] A A
Thời gian qua, việc triển khai chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm tại các trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn thành phố Tân An đã đạt được nhiều kết quả tốt. Qua đó hướng tới mục tiêu đảm bảo tất cả trẻ đều được tạo cơ hội học tập và vui chơi bằng nhiều cách khác nhau, phù hợp với nhu cầu, khả năng của trẻ cũng như kích thích sự chú ý, tư duy và cảm xúc của trẻ, thúc đẩy trẻ tham gia các hoạt động và trải nghiệm….. Trường Mẫu giáo Nhơn Thạnh Trung là một trong những trường thực hiện tốt chuyên đề này. Đây cũng là tiền đề giúp trường được công nhận chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2.
Việc thực hiện chuyên đề xây dựng môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo quan điểm “Lấy trẻ làm trung tâm”, thời gian qua, trường Mẫu giáo Nhơn Thạnh Trung xem công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ sức khoẻ trẻ luôn giữ vị trí hàng đầu.
Trong đó, vệ sinh an toàn thực phẩm vốn là một khâu quan trọng. Bởi thực phẩm có an toàn và được chế biến đúng quy trình sẽ đảm bảo cho trẻ phát triển cân đối, hài hoà. Nhà bếp có đầy đủ các bảng biểu, trang thiết bị dụng cụ chế biến sống và chín đúng quy định. Giờ ăn của trẻ được các cô tận tình chăm sóc chu đáo, tạo không khí vui tươi, thoải mái trong bữa ăn, động viên trẻ ăn hết suất, ăn theo nhu cầu cơ thể trẻ nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện, tăng cường sức khoẻ, sức đề kháng cho trẻ.
Xác định hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ mầm non, các cô giáo trường mẫu giáo Nhơn Thạnh Trung đã tổ chức các hoạt động giáo dục một cách linh hoạt, dựa vào nhu cầu, khả năng và sự thích thú của trẻ. Trẻ được tham gia các hoạt động theo sở thích, sẽ phát huy hết khả năng một cách tự nhiên, đúng với phương châm “Học mà chơi, chơi mà học”.
Theo đó, để phát triển toàn diện các phẩm chất, năng lực của trẻ, các hoạt động học, chơi cũng được thiết kế lại theo hướng chuyển từ giáo dục áp đặt sang giáo dục định hướng. Từ thiết kế bài dạy đến tổ chức các hoạt động học và chơi, giáo viên chủ yếu đóng vai trò là người hướng dẫn, tổ chức, giám sát và giúp đỡ; trẻ được thực hành, trải nghiệm để phát triển cá nhân. Những đổi mới trong tổ chức các hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm đã giúp trẻ sớm hình thành các kỹ năng cần thiết như kỹ năng tự phục vụ, tự bảo vệ, kỹ năng giao tiếp xã hội như chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi…
Các khu vực sân trường được quy hoạch hợp lý theo hướng tận dụng các không gian để cho trẻ hoạt động phù hợp, linh hoạt, phong phú, đa dạng. Các khu vui chơi bên ngoài lớp mang tính mở, tạo điều kiện cho trẻ dễ dàng lựa chọn đồ dung, đồ chơi để thực hành, trải nghiệm, tạo sân chơi có cây xanh, bóng mát, vườn hoa, vườn rau, cây cảnh… được bố trí phù hợp với khuôn viên, diện tích hiện có của trường.
Trường có khu vực dành cho hoạt động tập thể và bố trí các khu vui chơi ngoài trời như khu phát triển vận động, khu thể thao, vườn cổ tích, góc dân gian…. Hầu hết các bé đều rất thích thú tham gia vào các trò chơi vận động trên khuôn viên của trường.
Bên cạnh đó, việc xây dựng môi trường lớp học được bố trí sắp xếp không gian hợp lý, hình ảnh và các đồ dùng, đồ chơi quen thuộc, gần gũi với cuộc sống hằng ngày của trẻ, thể hiện được đặc thù riêng của địa phương, phù hợp với không gian, diện tích của lớp học. Các tranh, ảnh, bảng biểu treo ngang tầm mắt trẻ, màu sắc hài hoà, cân đối. Các góc có ranh giới rõ rang, có lối đi cho trẻ di chuyển dễ dàng, thuận tiện khi liên kết giữa các góc chơi. Giáo viên sắp xếp các góc chơi thuận tiện, phù hợp theo yêu cầu hoạt động của trẻ, dễ dàng quan sát được trẻ.
Ngoài ra giáo viên nhà trường có nhiều sáng tạo trong việc xây dựng, tổ chức các hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm tại lớp đạt hiệu quả như sắp xếp, thay đổi môi trường hợp lý, kích thích hứng thú của trẻ, đáp ứng mục tiêu giáo dục. Tổ chức cho trẻ vui chơi, học tập theo nhóm nhỏ và theo nhu cầu, sở thích của từng trẻ; luôn tạo cho trẻ cơ hội trao đổi, trải nghiệm, chia sẻ ý kiến, giúp đỡ lẫn nhau. Tập thể giáo viên luôn tạo không khí giao tiếp tích cực, vui tươi, tạo mối quan hệ gần gũi, tốt đẹp, ấm áp, thân thiện, đoàn kết./.
Phương Đài
Ý kiến ()