Thứ Hai, 23/09/2024 16:21 (GMT +7)

Thành phố Tân An nông dân nuôi lươn không bùn thành công

Thứ 6, 21/10/2022 | 10:58:15 [GMT +7] A  A

Chỉ với diện tích 63 m2, nhưng với cách nuôi khoa học, cùng với tư duy khám phá nên sau một năm, gia đình ông Nguyễn Văn Út – khu phố Quyết Thắng 2 – phường Khánh Hậu, TP. Tân An thu lãi hàng trăm triệu đồng từ bán lươn thương phẩm. Đây là một trong những mô hình nuôi lươn không bùn thành công đầu tiên ở phường Khánh Hậu – TP. Tân An.

Mô hình nuôi lươn không bùn của ông Nguyễn Văn Út phường Khánh Hậu, TP. Tân An

Năm 2020, ông đã bắt tay vào xây dựng 6 bể xi măng, mỗi bể có diện tích 10,5 m2, được lát gạch xung quanh và dưới đáy bể nhằm tạo độ trơn, giúp vật nuôi không bị tổn thương, trầy xước khi di chuyển.

Sau khi hoàn thành việc xử lý sát khuẩn bể, ông đã chọn mua 2.500 con giống lươn bán nhân tạo, với đủ các loại kích cỡ từ 500 - 2.000 con/kg ở Vĩnh Long về thả nuôi. Nhờ cách chăm sóc khoa học, đúng quy trình nên ông gặp nhiều thuận lợi ngay từ những bước đầu tiên trong quá trình thả nuôi con giống.

Theo ông Út, để lươn sinh trưởng, phát triển tốt, trước tiên khi làm bể nuôi phải đảm bảo yếu tố thoáng mát, phải chú trọng đảm bảo yếu tố thoáng mát vào mùa Hè, che chắn tạo độ ấm vào mùa Đông. Lươn khá mẫn cảm với môi trường nước trong bể, vì vậy hàng ngày phải thay nước sạch sau khi cho ăn; trên mặt nước nhất định phải rải nhiều sợi nilon làm giá thể để lươn trú ngụ. Cũng theo ông, vệ sinh và nước là 2 yếu tố vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh trưởng và phát triển của lươn.

Đồng thời, lươn khá mẫn cảm với môi trường nước trong bể nuôi, vì vậy mỗi ngày ông tiến hành thay nước 2 lần theo đúng khung giờ buổi sáng và chiều. Nguồn nước được lấy từ kênh mương nên trước khi cho vào bể nuôi ông thường đưa nước vào bể chứa qua hệ thống lọc có chứa than, cát, đá để lọc các thành phần tạp chất như phèn sắt... Sau 30 phút thay nước, khi lươn đã ổn định thì mới cho vật nuôi ăn thức ăn để tránh bị sốc. Do vậy, ông cũng mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại và hệ thống tưới nước tuần hoàn, xử lý nguồn nước sạch cho lươn, với kinh phí khoảng 200 triệu đồng.

Mô hình nuôi lươn không bùn phù hợp với phát triển nông nghiệp đô thị của TP. Tân An

Khoảng 11 tháng nuôi, lươn thương phẩm đủ tuổi, thịt dai, ngon, giàu chất dinh dưỡng, mỗi con đạt trọng lượng từ 3 – 400 gam, thì có thể xuất bán, với giá hiện nay từ 120 đến 150 ngàn đồng/1kg. Để hạn chế sản phẩm có nhiều cùng một thời điểm, ông Út  đã chọn cách nuôi luân phiên cuốn chiếu, mỗi bể khi thu hoạch thường cách nhau khoảng 2 tháng. Ông cho biết thêm với số lượng lươn đang nuôi, ông phân loại để xuất bán ra thị trường. Vụ nuôi hiện tại, ông vừa cho xuất bán khoảng 200 kg lươn thịt, với giá bán lươn thịt đang là 150 ngàn đồng/kg. Số lượng lươn còn lại, ông cũng sẽ xuất bán khi lươn đạt đủ trọng lượng theo yêu cầu.

Tận dụng phụ phẩm từ phân và nước xả hàng ngày, ông Út trồng rau nhút, trồng dừa Mã Lai, nuôi ếch và các loại cá. Theo ông Út, tổng thu nhập từ tất cả cây trồng, vật nuôi trong mô hình khép kín rộng khoảng 2 công đất xung quanh nhà, lợi nhuận hàng năm ông thu về hàng trăm triệu đồng.

Từ ưu điểm vượt trội với mô hình nuôi lươn không bùn và nhu cầu tiêu thụ lươn lớn, ông Út dự định sẽ mở rộng quy mô, tăng số bể nuôi trong tương lai. Ngoài ra ông còn tiếp tục tìm hiểu, học hỏi để hướng tới nuôi lươn sinh sản, tự chủ về con giống và bán cho các hộ có nhu cầu. Ông cho biết mình sẽ sẵn sàng chia sẻ cách xây dựng bể, kinh nghiệm, kỹ thuật, cách phòng trị bệnh, cho những người dân có nhu cầu nuôi lươn, để phát triển kinh tế gia đình và góp phần đa dạng hóa mô hình chăn nuôi tại địa phương. Đây là mô hình mới, mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp đô thị của thành phố Tân An./.

Phương Đài – Ngọc Nhanh

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu