Thứ Sáu, 29/11/2024 15:29 (GMT +7)

Tháo gỡ khó khăn trong kinh doanh vận tải khách tuyến cố định, hợp đồng

Thứ 2, 04/11/2019 | 14:43:00 [GMT +7] A  A

Hàng loạt vấn đề “nóng” liên quan đến quản lý hoạt động kinh doanh vận tải như: tình trạng xe dù, bến cóc, xe chạy sai luồng tuyến, xe hợp đồng, xe Limousine; quy hoạch tuyến vận tải… đã được các doanh nghiệp vận tải nêu ra tại hội thảo “Quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, hợp đồng – Vấn đề và giải pháp” do Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức sáng 4/11, tại Hà Nội.

Các phương tiện vận tải hành khách tại bến xe tỉnh Sơn La. Ảnh minh họa: Hữu Quyết/TTXVN

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ, kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô gồm 5 hình thức là kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định; kinh doanh vận tải khách bằng xe buýt theo tuyến cố định; kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi; kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng và kinh doanh vận tải khách du lịch.

Tuy nhiên, vấn dề quản lý giữa xe taxi với xe hợp đồng thì lâu nay có nhiều tranh luận trong quá trình xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Quyền cho hay, vấn đề mâu thuẫn trong quản lý giữa xe hợp đồng với xe tuyến cũng cố định đã được nhiều doanh nghiệp kiến nghị cần có biện pháp giải quyết, đảm bảo công bằng trong kinh doanh vận tải tuyến cố định và kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng. Đặc biệt là chống thất thu thuế và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Quyền, mâu thuẫn trong hoạt động kinh doanh vận tải có nguyên nhân do khoa học công nghệ phát triển, công nghệ kết nối giữa người có nhu cầu đi lại với nhà cung cấp dịch vụ vận tải rất tiện lợi; trong khi các quy định về điều kiện kinh doanh của loại hình kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định rất chặt chẽ thì điều kiện kiện kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng lại quá lỏng lẻo….

Tại hội thảo, đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải khách tuyến cố định cho rằng, tình trạng “xe dù, bến cóc” tồn tại nhiều năm nay và ai cũng biết, lực lượng chức năng cũng đã tăng cường kiểm tra, xử lý, nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để mà ngược lại ngày càng phát triển. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự lộng hành của xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình vận tải khách liên tỉnh, nhưng chủ yếu vẫn là vấn đề cơ chế, chính sách còn nhiều lỗ hổng.

Quy định đối với xe khách tuyến cố định thì quá chặt, trong khi đối với xe hợp đồng thì quá lỏng đã gây ra sự bất hợp lý, khó khăn cho hoạt động xe khách tuyến cố định, chưa kể do cơ chế chính sách nên việc xử lý vi phạm của loại xe hợp đồng trá hình này cũng rất khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Chi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Quảng Ninh chia sẻ, trong khi Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương đang tìm các giải pháp để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông thì “xe dù, bến cóc” ngày càng nhiều sẽ làm số lượng phương tiện loại 16 chỗ, 9 chỗ tăng đột biến kéo theo phá vỡ quy hoạch về mạng lưới giao thông, gây áp lực cho hạ tầng giao thông hiện có và dẫn đế nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.

Còn ông Khúc Hữu Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng nhận xét, chưa bao giờ vận tải tuyến cố định lại sống dở chết dở như hiện nay. Các doanh nghiệp vận tải bỏ bến vì không có khách, phương tiện giao khoán cho các cá nhân tự thu chi để đảm bảo tồn tại của doanh nghiệp, thay vì việc chạy theo biểu đồ các doanh nghiệp đưa xe ra chạy “dù” nhằm tranh thủ bắt khách của các doanh nghiệp khác dẫn đến sự hỗn loạn trong hoạt động vận tải.

“Ngoài ra, đội ngũ xe Limousine núp bóng dưới dạng xe hợp đồng mọc lên nhanh chóng làm cho hoạt động vận tải nói chung và tại Hà Nội nói riêng trở lên hỗn loạn không thể kiểm soát”, ông Khúc Hữu Thanh Hải nêu ý kiến.

Ông Lê Xuân Long, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Thanh Hóa nhìn nhận, trên thực tế tại các địa phương, xe hợp đồng lại hoạt động dưới dạng vận tải hành khách theo tuyến cố định. Nhiều đơn vị vận tải hành khách theo hợp đồng thực hiện đặt chỗ qua tổng đài, sau đó đón trả khách tại những điểm quy định làm phá vỡ trật tự vận tải và an toàn trật tự giao thông dẫn đến nhiều đơn vị vận tải tuyến cố định và bến xe khách có nguy cơ phá sản.

Vì vậy, ông Lê Xuân Long đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP để tăng cường quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô; đồng thời tăng cường kiểm tra thu hồi giấy phép với những phương tiện vi phạm điều kiện kinh doanh. Đặc biệt, ông Long đề nghị đưa tất cả những xe Limousine loại 16 chỗ cải tạo thành xe 10 chỗ hoặc 12 chỗ hiện nay đang hoạt động trá hình vào các bến xe khách hoạt động theo tuyến cố định để lập lại trật tự vận tải và giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố.

Giải đáp các đề xuất, kiến nghị của đại diện các doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa xe hợp đồng và xe khách tuyến cố định là do điều kiện kinh doanh, quản lý xe hợp đồng còn lỏng lẻo. Do đó cần phải sửa đổi các quy phạm pháp luật theo hướng thắt chặt hơn đối với loại hình này. Riêng xe khách tuyến cố định quản lý quá chặt cũng cần phải sớm hủy bỏ những quy định bất hợp lý.

Theo Quang Toàn (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu