Thứ Sáu, 29/11/2024 21:48 (GMT +7)

Tháo gỡ tắc nghẽn vốn tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên

Thứ 4, 25/10/2017 | 10:00:00 [GMT +7] A  A

Thời gian gần đây, báo chí đề cập đến khả năng “nghẽn vốn” của tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên (Thành phố Hồ Chí Minh).

Tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đang xây lắp hệ thống đường ray. Ảnh: Lê Anh

Trao đổi bên lề Quốc hội, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, tuyến metro này chậm sẽ ảnh hưởng tới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, nguồn vốn ODA vào quốc gia, chứ không riêng Thành phố Hồ Chí Minh. Vấn đề này không phải không tháo gỡ được. Cần soát xét lại các điểm nghẽn để tháo gỡ.

“Tôi nghĩ rằng, trên cơ sở Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh phát triển, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để tháo gỡ tắc nghẽn vốn của metro tuyến Bến Thành – Suối Tiên”, đại biểu Khuê nói.

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh bước đầu tạm ứng gần 1.000 tỷ đồng cho dự án này. Những mét đường ray đầu tiên đã bắt đầu đặt thử, đảm bảo lộ trình không bị tắc nghẽn. Ông Khuê cho hay Thành phố sẽ tích cực kiến nghị với Trung ương, có thể bằng những nguồn vốn khác, điều tiết từ dự án chưa đạt được lộ trình để dành cho dự án này hoặc từ nguồn trái phiếu đô thị, cân đối vốn…

Làm rõ thêm, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, vấn đề lớn nhất mà dự án đang vướng là Bộ Giao thông Vận tải và Thành phố Hồ Chí Minh phải xem lại phê duyệt điều chỉnh dự án. Thành phố đã phê duyệt rồi nhưng ai là người có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh này. Bên cạnh đó, phải thống nhất được cơ chế cấp phát và vay lại, nghĩa là Chính phủ cấp bao nhiêu và Thành phố cấp bao nhiêu cho số vốn 30.000 tỷ đồng tăng thêm của dự án.

Dự án metro tuyến Bến Thành – Suối Tiên ban đầu có tổng vốn là 17.000 tỷ đồng, nhưng sau điều chỉnh lên 47.000 tỷ đồng. Theo quy định, dự án vượt trên 35.000 tỷ đồng phải báo cáo Quốc hội. Thống nhất được những vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới có thể đưa dự án vào kế hoạch giải ngân vốn trung hạn và bố trí vốn giải ngân.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần phải có cơ chế riêng, đặc thù cho dự án, chứ không theo Nghị định cấp phát cho vay lại mới của Bộ Tài chính. Nhận trách nhiệm của Bộ trong việc thiếu đôn đốc các bên, song Bộ trưởng cho rằng cả Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Giao thông Vận tải đều có trách nhiệm liên quan.

“Thực tế, hiện đang có việc hiểu chưa đúng quan điểm chỉ đạo trước đây của lãnh đạo cấp có thẩm quyền đối với dự án này. Văn bản Chính phủ ký trước đây là đồng ý cho phép điều chỉnh dự án, chứ không phải phê duyệt điều chỉnh đó”, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng do cách hiểu chưa đúng nên Thành phố Hồ Chí Minh nghĩ đã được phê duyệt tăng thêm vốn. Bộ Giao thông Vận tải thiếu trách nhiệm theo dõi, giám sát. Báo cáo công trình trọng điểm hàng năm Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn đưa dự án vào nhưng thực tế chưa ai phê duyệt.

Theo Bộ trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần rà soát lại để đưa ra hướng giải quyết cho dự án trong thời gian tới, tinh thần là rất khẩn trương, nhưng còn phụ thuộc vào phía các bộ, ngành liên quan. Dự án metro Bến Thành – Suối Tiên hiện chưa được đưa vào kế hoạch giải ngân vốn trung hạn vì chưa được phê chuẩn, chưa thể có cơ chế thỏa thuận cấp phát và vay lại. Trung ương chưa biết bố trí vốn theo số nào và ai là người có thẩm quyền.

“Nguồn vốn thì có, phía Nhật Bản đã chuyển nhưng cân đối ngân sách, kế hoạch thì phải xử lý”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói về con số 30.000 tỷ đồng phát sinh. Ông cho biết, các bộ, ngành sẽ ngồi lại với nhau, làm cho rõ, có giải pháp xử lý để công trình hiệu quả, không ảnh hưởng đến tiến độ và đến nhà tài trợ.

Trước đó, vào sáng 24/10, phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Phạm Phú Quốc (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, Thành phố ra quyết định đầu tư dự án metro Bến Thành – Suối Tiên theo hai lần ủy quyền của Thủ tướng (năm 2007 và 2011) và theo Quyết định của Quốc hội. Sở dĩ tổng vốn của dự án tăng lên là do tăng tổng lượng đầu tư, đoạn đường dài hơn và tỷ giá VNĐ với ngoại tệ từ năm 2007 đến năm 2011 khác đi. Thời điểm năm 2007, công nghệ tính toán đáp ứng cho năm 2020 nhưng đến năm 2011 quyết định đầu tư đáp ứng công nghệ đến năm 2040, phải thay đổi công nghệ và đầu tư thêm nhiều trạm bảo trì, bảo hành các toa tàu và nhà ga. Khối lượng đầu tư tăng thì vốn đầu tư tăng lên là bình thường. Dự án có đến 2 doanh nghiệp kiểm toán độc lập nổi tiếng của Singapore thẩm định và JICA – đơn vị chủ đầu tư đã công nhận. Vấn đề còn lại hiện nay, theo đại biểu, là Chính phủ và Quốc hội sớm thông qua để dự án không bị tắc nghẽn.

Theo phân tích của đại biểu Quốc, khi đặt vấn đề vốn vay từ Chính phủ thì đụng trần nợ công, vốn vay của chính quyền địa phương thì đụng trần huy động. Đa phần vốn vay để trả nợ gốc nên vốn khả dụng khi đi vay mới rất ít dành cho đầu tư phát triển.

“Thành phố đang tính hướng xin phép sử dụng những định chế trực thuộc thành phố để vay song hành ngân sách. Cơ chế này là lối thoát khả thi nhất, đó là những định chế công, tự vay, tự trả do Thành phố bảo lãnh và ngân sách về mặt tương lai sẽ đảm bảo được chuyện chi trả, miễn sao có được nguồn hấp thụ vốn này và mục tiêu cao cả của việc vay này là đầu tư vào hạ tầng để phục vụ dân sinh chứ không đầu tư lan man. Đây là hướng đi hiệu quả cho sử dụng nguồn vốn ODA”, đại biểu Phạm Phú Quốc nói.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu