Mặc dù xuất sắc đạt 30,5 điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2016 với số điểm lần lượt là Ngữ văn 9; Lịch sử 8,5; Địa lý 9,5 và 3,5 điểm ưu tiên nhưng thí sinh Nguyễn Như Quỳnh (trú tại xã Minh Khai, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) vẫn không đủ điều kiện đỗ vào trường Học viện An ninh nhân dân. Nguyên nhân là do thí sinh có lý lịch chính trị không tốt.
Trong lúc tuyệt vọng nhất, ông Nguyễn Văn Thuận (bố của thí sinh Nguyễn Như Quỳnh) đã viết bức tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ công an Tô Lâm với niềm mong mỏi con gái mình được xem xét vào trường Học viện An ninh nhân dân như mơ ước.
Em Nguyễn Như Quỳnh là thí sinh đạt 30,5 điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2016 nhưng vẫn không đỗ vào Học viện An ninh nhân dân do vướng mắc về lý lịch (ảnh: VTC) |
Trao đổi với phóng viên VOV.VN qua điện thoại, ông Nguyễn Đăng Sáu, Trưởng phòng Công tác tuyển sinh, Cục Đào tạo (Bộ Công an) cho biết, thí sinh muốn dự tuyển vào các trường đại học khối ngành công an đều phải qua quá trình sơ tuyển. Trong công tác sơ tuyển có sự thẩm tra tiêu chuẩn chính trị của bản thân thí sinh và gia đình.
Bộ Công an đã quy định rõ, những trường hợp nào có thân nhân vi phạm tiêu chuẩn chính trị thì không được dự tuyển vào các trường công an. Việc thẩm tra lý lịch chính trị về bản thân, thân nhân thí sinh dự tuyển vào các trường công an đều được giao cho công an địa phương. Thí sinh nào không qua vòng sơ tuyển mà chỉ nộp phiếu đăng ký xét tuyển vào các trường công an thì coi như là không hợp lệ.
Nếu thí sinh dự sơ tuyển đủ điều kiện về sức khỏe, lý lịch… thì công an địa phương sẽ cấp một giấy chứng nhận đạt điều kiện sơ tuyển và được lưu lại trong hồ sơ. Hồ sơ xác nhận này sẽ là căn cứ để thí sinh có được dự tuyển vào các trường đại học khối ngành công an hay không.
Ông Nguyễn Đăng Sáu khẳng định, trước khi xét tuyển vào các trường đại học khối ngành công an, Bộ Công an đều có hướng dẫn và công khai các tiêu chuẩn tuyển sinh vào các trường công an. Tất cả các văn bản này đều được gửi tới công an các địa phương cũng như đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Vì vậy, trước khi có ý định vào học các trường công an, thí sinh cần phải cân nhắc, xem xét, đọc kỹ các quy định, tiêu chuẩn của ngành công an đưa ra trước khi đăng ký sơ tuyển, dự tuyển.
“Ngành công an có đặc thù riêng, thí sinh vào học phải đảm bảo các tiêu chuẩn về lý lịch, chứ không phải cứ học giỏi là vào được. Quy định đã nêu rõ, nếu thí sinh có lý lịch không trong sáng, rõ ràng hay có vấn đề gì thì các trường công an sẽ không tuyển người đó”- ông Nguyễn Đăng Sáu nhấn mạnh.
Trong bức thư gửi lên Bộ trưởng Bộ Công an, bố của thi sính Nguyễn Như Quỳnh có viết: “Trong hồ sơ lý lịch của cháu đã khai đầy đủ, trung thực về bố và mẹ, qua vòng sơ tuyển của công an huyện đã dủ điều kiện được dự thi. Chính vì thế mà sau khi biết điểm được hai ngày, nhận được thông báo cháu không đủ điều kiện để vào học trường an ninh, cả gia đình tôi đều sốc và suy sụp tinh thần. Nhìn cháu Quỳnh khóc lóc, ủ rũ, không ăn uống gì, người cha như tôi thật không biết mình còn nên sống không…”.
Trả lời báo Điện tử VOV.VN về việc trong hồ sơ lý lịch của thí sinh đã khai đầy đủ, trung thực về bố và mẹ, qua vòng sơ tuyển của công an huyện đã dủ điều kiện được dự thi nhưng lại không được dự tuyển vào trường công an, Đại tá Nguyễn Văn Ly, Cục trưởng Cục Đào tạo (Bộ Công an) cho biết, trường hợp như vậy phải kiểm tra lại.
Thí sinh Nguyễn Như Quỳnh và người nhà có thể gửi đơn thư lên Tổng cục 3, Cục Đào tạo (Bộ Công an) để được cơ quan chức năng trao đổi lại với công an địa phương xem đúng là đã xác nhận thí sinh đã đủ điều kiện qua vòng sơ tuyển hay chưa cũng như để được tư vấn thêm đối với việc vào học các trường công an.
Được biết, thí sinh Nguyễn Như Quỳnh cũng đã gửi thư lên Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm với mong muốn tạo điều kiện cho em được vào học trường Học viện An ninh nhân dân theo nguyện vọng đã đăng ký. Trong thư, Như Quỳnh cũng kể về án tích của bố mình.
Đó là, năm 1993, bố của thí sinh Nguyễn Như Quỳnh là ông Nguyễn Văn Thuận mới 25 tuổi, chưa lập gia đình và đang sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Một hôm, có một người đàn ông mang đến khẩu súng C.K.C gạ bán cho ông Thuận.
Vì tuổi còn trẻ, nhận thức pháp luật hạn chế nên ông Nguyễn Văn Thuận đã mua súng về với mục đích trông vườn cây ăn quả mà không biết mình đang tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép.
Trong suốt thời gian mua về, khẩu súng không được sử dụng. Năm 1994, ông Nguyễn Văn Thuận bị tạm giữ để điều tra vì công an phát hiện ra khẩu súng đó là do người đàn ông bán súng cho ông Thuận ăn cắp của quân đội.
Sau đó, Tòa án Bộ tư lệnh quân khu I xử ông Nguyễn Văn Thuận 12 tháng án treo. Năm 1995, ông Nguyễn Văn Thuận đã được xóa án tích. Sau đó, ông mới lập gia đình và sinh ra Nguyễn Như Quỳnh.
Suốt quãng thời gian từ đó đến nay, ông Nguyễn Văn Thuận luôn làm ăn chăm chỉ và chấp hành đúng mọi chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định của địa phương nơi cư trú./.
Ý kiến ()