“Chưa biết điểm thi thì hồi hộp chờ đợi. Biết điểm thi rồi, từ sáng hôm qua đến giờ cả nhà em lại ngồi tính toán chọn trường để đăng ký xét tuyển đại học,” em Nguyễn Thị Mai (Thái Bình) chia sẻ.
Mai cho biết em dự thi được 22 điểm khối A. “Em cũng đang băn khoăn không biết nên chọn trường nào. Em thích Đại học Kinh tế quốc dân nhưng chỉ sợ với mức điểm này sẽ khó đỗ vào trường nên cả nhà đang khuyên em chuyển hướng sang Đại học Thương mại.”
Tuy nhiên, theo cô học trò này, em vẫn muốn thử sức vào Đại học Kinh tế quốc dân. “Đề thi năm nay khó hơn năm ngoái. Em nghe nói điểm thi nhìn chung cũng thấp hơn nên vẫn hy vọng, cân nhắc từ giờ đến hôm nộp hồ sơ,” Mai cho biết.
Để có thêm căn cứ cho sự lựa chọn của mình, Mai theo dõi sát sao các thông tin về phổ điểm thi, điểm chuẩn dự kiến của các trường trên các mặt báo.
Liên tục cập nhật, nghe ngóng thông tin về điểm thi từ tất cả các cụm thi cũng là chủ đề chính của gia đình chị Nguyễn Thảo Phương (Hoàng Mai, Hà Nội).
Chị Phương cho biết, con trai chị năm nay dự thi được 24,5 điểm. Điểm không thấp so với mặt bằng chung nhưng mơ ước của con lại là Đại học Ngoại thương, vốn luôn có điểm chuẩn cao ngất ngưởng, nên cả gia đình cũng đang đứng ngồi không yên.
“Nếu chỉ để vào các trường tốp giữa thì hoàn toàn yên tâm, nhưng Đại học Ngoại thương thì lại là cả vấn đề phải cân nhắc, mà con lại chỉ thích trường đó. Năm nay điểm xuất sắc, cao chót vót chắc không nhiều thí sinh đạt được nhưng ngưỡng điểm ở mức giỏi như con mình thì lại không ít, nên cả nhà vẫn chưa biết nên tính thế nào,” chị Phương nói.
Có mức điểm thấp hơn nhưng em Đinh Thị Ngà (Nam Định) đã sớm chốt được trường đăng ký: “Em thi khối A đạt 20,75 điểm và dự định nộp vào khoa Kế toán của Đại học Công nghiệp Hà Nội.”
Theo nữ sinh Nam Định, em yêu thích nghề kế toán và cũng đã chọn Đại học Công nghiệp Hà Nội từ trước khi dự thi trung học phổ thông quốc gia.
“Trường có phân hiệu ở Hà Nam nên nếu đỗ, em sẽ học năm thứ nhất ở ngay Phủ Lý, Hà Nam, sẽ gần nhà hơn, tiện đi lại và tiết kiệm chi phí hơn,” Ngà chia sẻ.
Cô học trò Nam Định cũng tỏ ra khá tự tin với nghề kế toán. “Em có nghe nói nghề này bây giờ xin việc khó, nhưng khu công nghiệp Bình Lục của Hà Nam đang mở rất nhiều công ty tư nhân nên em nghĩ khi ra trường cũng có nhiều cơ hội việc làm,” Ngà phân tích.
Cũng theo Ngà, điểm chuẩn của ngành Kế toán, Đại học Công nghiệp Hà Nội, năm 2015 là 20,25 điểm. “So với điểm chuẩn năm ngoái thì điểm của em cao hơn một chút, trong khi điểm thi đại học năm nay được nhận định là thấp hơn năm ngoái, nên em cũng yên tâm phần nào. Em định sẽ ‘mạo hiểm’ nộp thêm một nguyện vọng nữa vào Đại học Thương mại,” Ngà vui vẻ nói.
Với những thí sinh ở phân khúc điểm thấp hơn, việc chọn trường càng căng thẳng. Em N.T.T thí sinh thi tại cụm thi truờng Đại học Y – Dược Thái Bình cho biết em thi 5 môn, nhưng điểm môn nào cũng thấp: Toán: 5,5 điểm, Văn 7 điểm, Lý 5,6, điểm; Hóa 3,6 điểm; Tiếng Anh 2,25 điểm.
“Dù xác định trước bài làm không tốt nhưng sau khi biết điểm em cảm thấy rất thất vọng. Với mức điểm này, tổ hợp cao nhất của em là Toán – Văn – Lý với 18,1 điểm, khối A chỉ 14,7 điểm, em cũng chưa biết nên chọn tổ hợp môn nào, trường nào để đăng ký xét tuyển đại học,” T. buồn bã.
Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng một vào các trường đại học, cao đẳng của thí sinh sẽ bắt đầu từ ngày 1/8./.
Ý kiến ()