Thứ Sáu, 29/11/2024 17:23 (GMT +7)

Thị trường giao đồ ăn trực tuyến: Ai nhanh người đó thắng

Thứ 4, 23/10/2019 | 14:44:00 [GMT +7] A  A

Thị trường giao đồ ăn nhanh trực tuyến tại Việt Nam tuy còn mới mẻ song khá sôi động, nhất là ngày càng có nhiều doanh nghiệp “nhảy” vào lĩnh vực này. Dự kiến năm 2020, quy mô tăng trưởng thị trường này sẽ đạt khoảng giá trị 38 triệu USD và duy trì mức tăng trưởng bình quân 11% trong 5 năm tới.

“Đua” giành thị phần

Ứng dụng đặt thức ăn trực tuyến đang ngày càng được nhiều người sử dụng khi thói quen ăn uống thay đổi trong nhịp sống hối hả và hiện đại.

Là đơn vị đi “tiên phong” và bắt đầu thử nghiệm việc giao đồ ăn từ năm 2014, Now có được sự thành công và tăng trưởng nhanh nhờ dịch vụ giao hàng mới mẻ và độc quyền tại thời điểm đó, cùng với kênh truyền thông tốt là Foody.vn. Bên cạnh đó, dịch vụ với mức phí hợp lý và khoảng 20.000 cửa hàng cung cấp đồ ăn, nước uống tham gia với nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mãi hấp dẫn đã nhanh chóng thu hút được người dùng. Giữa năm 2017, CEO của Foody từng chia sẻ Now có gần 10.000 đơn hàng mỗi ngày.

Tuy nhiên, bài toán giao hàng của Now đã gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì đội ngũ vận tải chỉ để giao món ăn cùng cách vận hàng còn khá nặng về thủ công. Bởi có hơn một nửa số cửa hàng không dùng FoodyPOS (phần mềm quản lý bán hàng dành cho các cửa hàng dịch vụ ăn uống được Foody phát triển) nên khi có đơn hàng, tổng đài viên sẽ gọi xuống cửa hàng để đặt món trước giúp shipper và vấn đề rắc rối thường xuyên xảy ra khi hết món.

Theo đó, mục tiêu “đặt đồ ăn, giao hàng từ 25 phút” của Now đã dần bị những người anh em đến sau như Grab và Goviet soán ngôi. Chưa kể, khi thị trường giao đồ ăn ngày càng phát triển cũng là lúc các “ông lớn” nhảy vào cuộc chiến “đốt tiền” cho khuyến mãi, điều này đã làm cho Now bị thua lỗ trong nhiều năm liền. Báo cáo tài chính của Foody cho thấy, chi phí bán hàng trong năm 2018 là 441 tỷ đồng và ghi nhận khoản lỗ hơn 430 tỷ đồng, gần 4 lần so với mức lỗ năm 2017 và hơn 10 lần so với năm 2016.

Với GrabFood, mặc dù chính thức gia nhập thị trường giao thức ăn nhanh từ tháng 6/2018 nhưng chỉ trong một thời gian rất ngắn đã biến thành đối thủ đáng gờm. Mới đây đầu tháng 10, Grab cũng cho ra mắt mô hình GrabKitchen sau một tháng thử nghiệm tại quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), quy tụ 12 thương hiệu nhà hàng, quán ăn được yêu thích trên nền tảng GrabFood. Theo ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam, thông qua mô hình này, Grab muốn các đối tác nhà hàng có thể tiếp cận với lượng dữ liệu người dùng mới bằng nền tảng trực tuyến, đặc biệt là ở những khu vực “đắc địa” với nhu cầu cao về từng món ăn cụ thể.

Theo khảo sát của Kantar TNS, GrabFood đang là ứng dụng gọi món phổ biến nhất tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chiếm khoảng 68% đơn hàng. Theo sau là những ứng dụng của GoViet, Now và một số ứng dụng khác. Có thể thấy, trong nửa đầu năm 2019, GrabFood đạt tổng giá trị giao dịch tăng 400%, ghi nhận số lượng đơn hàng xử lí trung bình hàng ngày lên đến 300.000 đơn hàng. Sự thành công này của GrabFood phải kể đến lượng đối tác vận chuyển lên đến hơn 175.000 người và kinh nghiệm có được từ mảng giao đồ ăn ở thị trường Thái Lan và Indonesia.

Cạnh tranh với Grab phải kể đến Goviet. Bằng những chiến dịch khuyến mãi mạnh mẽ cho người dùng cũng như những chính sách ưu đãi với đối tác vận chuyển, đồng thời thường xuyên ưu đãi miễn phí giao hàng trong bán kính 5 km nên Goviet đã bước đầu thành công trong việc chiếm giữ thị phần về mảng này.

“Miếng bánh ngon” nhiều sức hút

Theo ước tính của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam có giá trị quy mô 33 triệu USD trong năm 2018, dự kiến sẽ đạt quy mô khoảng 38 triệu USD vào năm 2020 và duy trì mức tăng trưởng bình quân 11% trong 5 năm tới.

Một nhà hàng đang thực hiện các đơn hàng được đặt qua ứng dụng.

Còn theo Công ty nghiên cứu thị trường Kantar TNS, doanh thu thị trường giao thức ăn trực tuyến Việt Nam năm 2018 là 148 triệu USD và có tốc độ tăng trưởng trung bình 28,5%/ năm. Dự kiến năm 2019, doanh số thị trường này sẽ lên tới 207 triệu USD và năm 2023 ước tính có thể lên tới 449 triệu USD. Tuy nhiên, so với những nước trong khu vực châu Á như India hay Japan, quy mô thị trường giao đồ ăn Việt Nam vẫn còn rất bé, chỉ chiếm 0,2% thị phần trong thị trường giao đồ ăn trên thế giới.

Chính vì quy mô thị trường tại Việt Nam rất bé nên lĩnh vực giao thức ăn nhanh được xem là một thị trường “vàng” nhiều sức hút đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bởi hiện nay, nhịp sống tất bật và sự phát triển của làn sóng đô thị hiện đại đã dẫn đến những thay đổi đáng kể trong thói quen ăn uống của nhiều người dân, hướng đến giải pháp giao hàng tận nơi, đặc biệt là thế hệ Millennial (sinh năm 1980 – 2000). Mặt khác, việc sử dụng các ứng dụng trên smartphone ngày càng phổ biến, cùng với đó người dùng có thể trả tiền trên MobilBanking, ví điện tử nên rất thuận tiện cho người mua lẫn người bán, đặc biệt cả cho người giao hàng.

Có thể thấy trong năm 2019, thị trường giao đồ ăn nhanh tại Việt Nam chứng kiến thêm nhiều nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này. Cụ thể đầu năm 2019, Beamin đến từ Hàn Quốc chính thức gia nhập vào thị trường Việt Nam sau khi đã mua lại thành công ứng dụng đặt đồ ăn Vietnammm. Đây được xem là làn gió mới vì đã làm cuộc chiến giao hàng nhanh thêm sôi động. Tuy là lính mới, nhưng Beamin được nhận định là một cái tên không hề tầm thường khi hội tụ sức mạnh tài chính, công nghệ và bề dày kinh nghiệm 9 năm “chinh chiến” tại Hàn Quốc.

Quán ăn “Sinh tố dừa sáp” – một trong những đơn vị ẩm thực ứng dụng phần mềm giao hàng nhanh.

Mặc dù thừa hưởng hoàn toàn từ Hàn Quốc, Baemin vẫn tạo ra những nét riêng cho thị trường Việt từ màu sắc thương hiệu đến biểu tượng “mèo mập”. Để thu hút người dùng ban đầu, Baemin đã mạnh tay giảm đến 70% cho đơn hàng đầu tiên và những chính sách đãi ngộ dành cho các đối tác vận chuyển mới trong thời gian dài sắp tới đây. Tuy nhiên, theo nhiều phản hồi của khách hàng khi đặt món trên Baemin phải chờ đợi khá lâu, do dịch vụ vừa mới triển khai tại các khu vực nội thành TP Hồ Chí Minh và còn hạn chế về số lượng tài xế.

Hay mới đây nhất là Zalo, ứng dụng này đã âm thầm đưa ZaloFood vào hoạt động với nhiều nhà hàng, món ăn cùng nhiều khuyến mãi lên đến 40%. Còn Now, trước cuộc chiến giành thị phần đã liên kết với Shopee để tăng đơn hàng khi có thêm lượng người mua hàng trên trang thương mại điện tử này, đặc biệt là khi cả hai cùng dùng chung ví điện tử AirPay.

Theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, việc mở rộng thị trường giao thức ăn nhanh tại Việt Nam không chỉ đem lại thuận lợi cho người tiêu dùng mà còn tạo cơ hội cho nhiều nhà hàng, quán ăn nhỏ, thậm chí là các gia đình có sở trường nấu ăn mà không có điều kiện mở mặt bằng, tạo nên thị trường thức ăn phong phú, hấp dẫn thực khách không chỉ địa phương mà cả khách du lịch trong và ngoài nước. Ngoài ra, đơn vị giao hàng nào nhanh nhất, nhiều khuyến mãi nhất và nhiều thực đơn phong phú nhất ắt sẽ thắng trong cuộc đua giành thị phần này.

Bài và ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu