VOV.VN – Cần xác định vị thế của từng ngành hàng nông sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu để ưu tiên nguồn lực phát triển.
Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (ipsard) cho biết, năm 2017, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục đứng trước những khó khăn thách thức được dự báo vẫn chưa giảm hơn so với năm 2016.
Về phía cầu, xuất khẩu nông sản phải đối mặt với các rào cản thương mại ngày càng phức tạp và khắt khe, cạnh tranh gay gắt với các nước đang đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu nông sản trên các thị trường xuất khẩu, giá cả nhiều mặt hàng nông sản vẫn chưa phục hồi, trong khi các thị trường phát triển dần bão hòa và tăng bảo hộ.
|
Nhiều thách thức cho ngành thủy sản Việt Nam trong cả ngắn và dài hạn. (Ảnh minh họa: KT) |
Về phía cung, tình trạng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển được dự báo tiếp tục ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, năng lực sản xuất dư thừa của một số ngành hàng như chăn nuôi khiến những ngành này gặp nhiều rủi ro từ thị trường xuất khẩu.
Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế nội địa, thay đổi nhân khẩu học và đô thị hóa đang chuyển dịch bản chất cân bằng cung – cầu hàng hóa nông sản và thực phẩm nội địa từ lượng sang chất, đặt ra rủi ro chênh lệch cơ cấu cung – cơ cấu cầu, thay vì lượng cung – lượng cầu.
Với bối cảnh vĩ mô và thị trường trên, ipsard cho rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam cần xác định lại động lực chính thúc đẩy bằng việc tăng năng suất, chất lượng. Trong đó xác định vị thế của từng ngành hàng nông sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu để ưu tiên nguồn lực phát triển đồng thời xác định lại cơ cấu thị trường cho từng ngành hàng nông sản.
Cụ thể, đối với ngành hàng lúa gạo, trong bối cảnh xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay bị cạnh tranh gay gắt từ các nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, để ngành hàng lúa gạo phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và phát triển bền vững cần xác định lại cơ cấu thị trường; các vùng chuyên canh; cơ cấu giống; cơ cấu mùa vụ; nghiên cứu phát triển chế biến tinh, chế biến sâu, tận dụng phế phụ phẩm, đa dạng hóa sản phẩm từ lúa gạo.
Đối với ngành thủy sản, do chính sách bảo hộ trên toàn cầu, biến đổi khí hậu, năng lực quản lý chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu sẽ đặt ra các thách thức cho ngành thủy sản Việt Nam trong cả ngắn và dài hạn.
Vì vậy, ngành thủy sản đòi hỏi sự thay đổi toàn bộ các tác nhân trong ngành, từ các nhà làm chính sách, doanh nghiệp, nông dân và cộng đồng nghiên cứu, có tư duy bao trùm và vượt trên quy mô ngành nông nghiệp sản xuất thô.
Riêng với ngành rau quả, ipsard nhận định, mặc dù thành tích xuất khẩu liên tục tăng mạnh qua từng năm, đặc biệt là các nhà xuất khẩu Việt Nam đã mở cửa thành công một số thị trường phát triển, giá cao, qua đó tăng cơ hội đa dạng hóa và giảm thiểu rủi ro thị trường.
Tuy vậy, ngành rau quả Việt Nam vẫn còn phân tán, chưa được tổ chức hiệu quả và còn non nớt trên các thị trường quốc tế, xét đến sự gia tăng chính sách bảo hộ trong nền kinh tế thế giới, các rào cản phi thuế trong thương mại rau quả và đặc tính thời hạn sử dụng ngắn của rau quả hàng hóa thô.
Mặt khác, sự đầu tư mạnh mẽ của khu vực tư nhân, đặc biệt là đầu tư công nghệ cao, và nhu cầu lớn, đa dạng của thị trường nội địa là một thuận lợi đáng kể của ngành rau quả so với các tiểu ngành nông nghiệp khác hiện nay.
Do đó, trong thời gian tới, ngành rau quả cần đưa ra các giải pháp để mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, xây dựng chất lượng và thương hiệu cho ngành hàng rau quả với tư cách là ngành hàng chiến lược quốc gia trong tương lai./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN
Ý kiến ()