Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 27/11/2024 06:42 (GMT +7)
Thiết bị test nhanh độc chất trong thực phẩm – Có phải “cây đũa thần”
Thứ 2, 30/11/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Trước tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là nhiều loại hoa quả, thịt gia súc, gia cầm và hải sản có lượng tồn dư hóa chất nguy hại rất cao đã khiến nhiều người tiêu dùng không ngần ngại bỏ ra khoản tiền khá lớn để mua các thiết bị, sản phẩm test nhanh phát hiện hóa chất trong thực phẩm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế, thực phẩm và đại diện cơ quan chức năng đều khuyến cáo người tiêu dùng không nên quá lạm dụng hay tin rằng các thiết bị test nhanh này là sản phẩm “thần kỳ” có thể phát hiện, ngăn chặn được các mối nguy hại trong thực phẩm.
Đủ chủng loại
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại khu vực phố Phương Mai (Hà Nội) mặc dù là nơi chuyên kinh doanh trang thiết bị y tế nhưng không ít cửa hàng ở đây có bán khá nhiều thiết bị kiểm tra, đo lường phát hiện nhanh hóa chất, kháng sinh, nấm mốc trong thực phẩm.
Một thiết bị đo nitrat trong hoa quả
Từ các loại đơn giản như giấy quỳ tím dùng để đo độ pH, nhận biết tính acid, kiềm trong thực phẩm cho tới các bộ kit test nhanh thực phẩm hay thiết bị cầm tay, để bàn có tác dụng kiểm tra nhiều chỉ số về an toàn thực phẩm. Đáng chú ý, các sản phẩm này đều có xuất xứ đa dạng, không chỉ có sản phẩm của Việt Nam mà của Trung Quốc, Nga, Thái Lan… cũng tràn ngập.
Không chỉ vậy, tại nhiều trang mua bán trên Internet cũng xuất hiện khá nhiều thông tin rao bán, quảng cáo thiết bị đo test nhanh hóa chất trong thực phẩm. Trong đó phổ biến nhất là hai loại máy phát hiện dư lượng nitrat có trong rau, củ, quả, thịt tươi… với tên gọi là Soeks Nuc và Ecotester được thiết kế như một chiếc điện thoại di động và có giá bán khoảng 5 triệu đồng/chiếc. Mặc dù là thiết bị có xuất từ Nga nhưng cả hai loại máy đo nitrat trong thực phẩm đều được cài tiếng Việt và có dữ liệu chỉ số hàm lượng nitrat chuẩn của hơn 60 loại thực phẩm theo quy định cho phép của WHO. Cách sử dụng thiết bị đo nitrat này cũng khá đơn giản, chỉ cần chọn ngẫu nhiên một loại thực phẩm, sau đó cắm ngập đầu thanh kim loại vào thực phẩm cần đo. Trong vòng 20 giây, chỉ số nồng độ nitrat sẽ hiển thị và ngay lập tức, máy sẽ đối chiếu với mức nitrat quy định và đưa ra khuyến cáo phù hợp cho người tiêu dùng.
Cùng với các thiết bị đánh giá, kiểm tra an toàn thực phẩm kể trên thì ngoài thị trường còn có một số bộ sản phẩm test nhanh thực phẩm của Viện Kỹ thuật hóa sinh và tài liệu nghiệp vụ được bán với giá 500.000 – 700.000 đồng/bộ tùy loại. Sản phẩm này gồm nhiều loại, mỗi loại có khả năng phát hiện một độc tố trong thực phẩm như: que test kiểm tra nhanh formol dùng để kiểm tra nhanh formaldehyd trong một số loại thực phẩm, hải sản, bánh phở, bún; test kiểm tra nhanh phẩm màu trong bánh kẹo; test kiểm tra nhanh thuốc trừ sâu trong rau, quả.
Không nên lạm dụng
Chị Minh Thu (ở Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi vừa mua một chiếc máy đo nitrat trong rau, củ, quả, thịt tươi. Mặc dù rất đắt nhưng xem ra sản phẩm này khá hữu ích khi chiếc máy đã giúp tôi và mọi người trong nhà có thể nhận biết được loại hoa quả nào có hàm lượng nitrat cao, không an toàn cho sức khỏe. Tuy nhiên, nói vậy thôi nhưng thực sự tôi cũng không rõ các chỉ số đo lường mà máy đưa ra chính xác tới đâu so với tiêu chuẩn và máy có phát hiện thêm được các loại hóa chất nguy hại nào khác không trong thực phẩm…”.
Trong khi đó, một số chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm và y tế cho rằng, hầu hết sản phẩm thiết bị test nhanh thực phẩm đang được bán trên thị trường đã “đánh” trúng vào tâm lý của người dân lo ngại trước tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, người tiêu dùng không nên lạm dụng hay tin tưởng quá nhiều vào các sản phẩm, thiết bị này có thể phát hiện nhanh chóng, chính xác và ngăn chặn được các mối nguy hại trong thực phẩm.
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học – Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, đối với máy đo dư lượng nitrat trong thực phẩm và hoa quả do Nga sản xuất là thiết bị hiện đại. Cho dù nitrat tồn dư trong thực phẩm là mối nguy hại lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng thực tế trong thực phẩm hay rau củ quả còn có nhiều độc tố nguy hiểm hơn nitrat rất nhiều nhưng máy này không thể phát hiện và không đo được ngoài nitrat nên còn hạn chế.
Còn PGS-TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, hóa chất bảo vệ thực vật gây hại đến sức khỏe con người có trên 2.000 loại, cùng với đó là nhiều tác nhân nguy hại khác có trong thực phẩm. Trong khi các sản phẩm test nhanh thực phẩm cho phép sai số rất cao nên rất khó để khẳng định thực phẩm có nguy hiểm, ô nhiễm hay không khi dùng các sản phẩm này.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, trên thị trường hiện có nhiều sản phẩm kiểm tra nhanh hàm lượng hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm nhưng Cục An toàn thực phẩm chỉ mới cấp phép cho một số ít sản phẩm dựa trên các kết quả kiểm định khoa học và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trong đó có sản phẩm máy kiểm tra hàm lượng nitrat trong hoa quả và một bộ sản phẩm test kiểm tra vi sinh vật, một bộ test kiểm tra hàn the trong giò chả và bộ kiểm tra chất histamine trong thủy sản. Tuy nhiên bất cứ thiết bị hay sản phẩm test nhanh nào về hóa chất trong thực phẩm cũng đều có sai số nhất định nên người dân khi sử dụng cần phải rất thận trọng và nên sử dụng các những sản phẩm đã được cấp đăng ký lưu hành, hơn nữa cũng không nên lạm dụng hay tin rằng thiết bị có thể phát hiện được tất cả chất gây hại cho sức khỏe có trong thực phẩm.
MINH KHANG -SGGPO
Ý kiến ()