Chỉ ra vườn điều xác xơ vì bị bọ xít muỗi tàn phá, bà Lê Thị Kim Lan, ở thị trấn Mađagui, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng chua chát kể, 1 tháng trước gia đình còn có chút hy vọng vớt vát được vài chục kg hạt điều trong vụ này, nhưng giờ thì đã bị mất trắng hoàn toàn. Cả vườn điều rộng hơn 3ha là nguồn thu nhập chính của gia đình đã chính thức bị bọ xít muỗi và bệnh thán thư xóa sổ.
“Vườn điều đã được gia đình đầu tư chăm sóc rất cẩn thận và bài bản, vườn được dọn dẹp rất sạch sẽ để tránh sâu bệnh phát sinh. Không biết do thiên tai vì lý do nào khác mà bệnh đã nhanh chóng phát ra khiến vườn điều chết hết”, bà Lan chua chát nói.
Không chỉ riêng vườn điều của bà Lê Thị Kim Lan, toàn bộ hơn 27.800ha điều trên địa bàn 3 huyện phía Nam của tỉnh Lâm Đồng là Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên đều rơi vào tình cảnh tương tự.
Ông Lại Thế Hưng, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho biết, nguyên nhân do thời tiết ở khu vực này diễn biến bất lợi, ẩm độ không khí cao khiến bọ xít muỗi sinh sản và hoạt động mạnh. Bệnh thán thư bùng phát và lây lân trên diện rộng đã làm hầu hết diện tích cây điều bị nhiễm bệnh, gây cháy đọt non, cháy khô đen chùm hoa, chùm quả, nhiều diện tích còn bị cháy cả lá, trơ cành và cây chết đứng.
Hiện tỷ lệ thiệt hại đã lên đến hơn 90% sản lượng, tương đương với hơn 17.000 tấn hạt điều thô nguyên liệu đã bị mất, với giá 50.000 đồng/kg như hiện nay, ước tính thiệt hại kinh tế khoảng 850 tỷ đồng.
Cũng theo ông Lại Thế Hưng, không chỉ với cây điều mà bọ xít muỗi và bệnh thán thư còn đe dọa nghiêm trọng các loại cây trồng khác, như sầu riêng, bơ, chôm chôm và ca cao. Ngành nông nghiệp địa phương đang tích cực triển khai các giải pháp để phòng chống dịch.
Đến thời điểm này hầu hết các vườn điều đều bị bọ xít muỗi gây hại rất nặng, gần như là bị mất trắng như huyện Đạ Huoai. Bọ xít muỗi cũng đã gây hại trên các loại cây trồng khác như trong khu vực 3 huyện phía Nam như cây sầu riêng có diện tích bị gây hại hơn 2.300ha thiệt hại từ trung bình đến nặng, một số cây trồng khác như cây bơ, cây chè, chôm chôm, thậm chí cây rừng, cây tràm cũng đều bị bọ xít muỗi gây hại.
“Đây là thời điểm dịch bọ xít muỗi gây hại khá bất thường so với những năm trước, vì vậy việc phòng chống bọ xít muỗi là rất cần thiết và chi cục đang tập trung công tác phòng chống dịch”, ông Hưng cho biết./.
Ý kiến ()