Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 30/11/2024 04:37 (GMT +7)
Thiếu năng lực dịch vụ, doanh nghiệp khó vào chuỗi giá trị toàn cầu
Thứ 4, 29/11/2017 | 15:16:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Nhiều cơ hội và thách thức mà doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa đang gặp phải trong lĩnh vực xuất khẩu dịch vụ.
Chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, điều này khiến DNNVV của Việt Nam ít có khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của khối FDI qua chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng suất.
Nhận định được đưa ra tại Hội thảo APEC về nâng cao năng lực xuất khẩu dịch vụ cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do Bộ Công Thương tổ chức sáng 29/11 tại Hà Nội.
Tại Hội thảo, các diễn giả đã tập trung thảo luận về cơ hội và thách thức mà doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa đang gặp phải trong lĩnh vực xuất khẩu dịch vụ. Đồng thời trao đổi, định hướng chính sách nhằm tăng cường năng lực xuất khẩu dịch vụ cho các loại hình doanh nghiệp này.
Ông Sergio Arzeni, Chủ tịch Ủy ban doanh nghiệp nhỏ và vừa dịch vụ xuất khẩu APEC trao đổi tại Diễn đàn. |
Cụ thể, những thuận lợi mà khối doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong khu vực APEC là có cơ hội gia tăng xuất khẩu các ngành hàng mà Việt Nam có thế mạnh như hàng dệt may, giày dép, các sản phẩm và thiết bị điện tử, thủy sản; được hưởng các ưu đãi về thuế quan và có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị xuất khẩu ở các ngành hàng này.
Cùng với đó là các cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ như vận tải, thương mại điện tử, chăm sóc sức khỏe, du lịch, logistics, sự tự do di chuyển lao động có tay nghề qua biên giới các nước thành viên.
Tuy nhiên thời gian vừa qua, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa Việt Nam gặp nhiều khó khăn do nền tài chính mỏng, công nghệ còn yếu, nguồn nhân lực về cơ bản còn bất cập. Việc tiếp cận vốn, tài trợ thương mại còn hạn chế do chưa có đủ nguồn lực tài chính để tham gia chuỗi cung ưng toàn cầu; thiếu lao động có kỹ năng; Thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp: Liên kết chuỗi giá trị yếu, quá trình sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam ít gắn kết vào chuỗi giá trị.
Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), Chủ tịch điều hành APEC tại Việt Nam, thời gian qua, Việt Nam đã tổ chức nhiều sự kiện nhằm hỗ trợ DNNVV. Đặc biệt, vấn đề này cũng được các nền kinh tế thành viên tập trung bàn thảo trong Hội nghị cấp cao APEC 2017 vừa qua. Cùng với đó, Chương trình hỗ trợ thúc đẩy phát triển cho khối DNNVV cũng là mục tiêu hành động trong năm 2017.
Tuy nhiên, ông Thái cũng cho rằng, hiện nay vẫn chưa có nhiều chương trình cụ thể hỗ trợ cho khối doanh nghiệp này, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu dịch vụ. Vẫn còn rất ít doanh nghiệp nhận thức được loại hình dịch vụ mà doanh nghiệp có thế mạnh tại thị trường trong nước cũng như quốc tế.
Chính vì vậy, trong bối cảnh Việt Nam đã và đang là điểm sáng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do… cần tạo điều kiện cho các DNNVV có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó có việc cung cấp xuất khẩu dịch vụ.
Tại hội thảo, ông Sergio Arzeni, Chủ tịch Ủy ban doanh nghiệp nhỏ và vừa dịch vụ xuất khẩu APEC cho rằng, kinh tế trong khu vực APEC đang phát triển rất khả quan và được nhận định sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay và các năm tới.
Tuy nhiên, ông Sergio Arzeni cho rằng, để đạt được điều này các nền kinh tế APEC cần có cam kết chung từ các nhà hoạch định chính sách trong việc nắm bắt, tận dụng cơ hội của các doanh nghiệp, trong đó coi việc nỗ lực nâng cao khả năng đổi mới sáng tạo, bảo vệ quyền lợi và gắn kết doanh nghiệp./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN
Ý kiến ()