Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 29/11/2024 21:50 (GMT +7)
Thiếu nhân lực quản lý đô thị khiến quy hoạch xây dựng bị buông lỏng
Thứ 7, 28/09/2019 | 08:48:00 [GMT +7] A A
Hiện nay, cả nước có trên 830 đô thị, với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 38,6%, góp phần giúp nông thôn Việt Nam ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh chóng đang dẫn tới những hệ lụy về chất lượng nước, không khí, giao thông, thu nhập và khoảng cách thành thị – nông thôn…
Thực tế, nhiều khu đô thị mới tại hầu hết các địa phương đã và đang hình thành, phát triển nhanh chóng mặt, cơ sở hạ tầng kỹ thuật được nâng cao, hệ thống dịch vụ phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Trung bình, mỗi năm có hơn 1 triệu người dân gia nhập dân cư đô thị. Song, điều này cũng khiến chất lượng cuộc sống của người dân đối mặt với nhiều thách thức.
Công tác quản lý đô thị hạn chế là nguyên nhân khiến nhiều công trình bỏ hoang như thế này.
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, thực hiện Quyết định 1961/QĐ-TTg ngày 25/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án 1961 giai đoạn 2016 – 2019 về việc “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp”, qua thực tiễn 10 năm triển khai, có thể thấy, nguyên nhân của thực tế trên xuất phát từ việc thiếu hụt nguồn nhân lực đã qua đào tạo phục vụ công tác quản lý quy hoạch đô thị và chất lượng nguồn nhân lực tham gia quản lý đô thị còn hạn chế.
Cụ thể, tại nhiều địa phương, bộ máy quản lý của chính quyền đô thị các cấp hoạt động kém hiệu quả, mặc dù đã qua nhiều lần kiện toàn, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, nhưng việc buông lỏng công tác quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng vẫn xảy ra.
Theo yêu cầu quản lý xây dựng và đô thị theo định hướng phát triển đô thị đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, đòi hỏi đội ngũ công chức lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp phải tinh thông nghiệp vụ, có năng lực quản lý xây dựng và đô thị, nhằm đưa đô thị Việt Nam phát triển thành các đô thị tiên tiến, văn minh, phục vụ tốt đời sống nhân dân. Mặc dù Đề án 1961 đã đáp ứng được tính cấp thiết và khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nhưng kết quả đào tạo và kiện toàn nguồn nhân lực phục vụ công tác quản lý đô thị đến nay chưa đáp ứng yêu cầu phát triển quốc gia.
Tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án 1961 ngày 27/9 tại Hà Nội do Bộ Xây dựng tổ chức, báo cáo của Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC – đơn vị chủ trì thực hiện Đề án 1961) cho biết: Đến nay, Học viện đã tổ chức được hơn 400 khóa đào tạo bồi dưỡng; bổ sung, cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý xây dựng và phát triển đô thị cho hơn 10.000 lượt cán bộ công chức lãnh đạo đương nhiệm, công chức đô thị các cấp trên cả nước.
Các khóa đào tạo đã tập trung vào bồi dưỡng nguồn nhân lực về: Phát triển đô thị xanh, thông minh và ứng phó biến đổi khí hậu; quản lý quy hoạch kiến trúc; quản lý hạ tầng kỹ thuật và môi trường đô thị; quản lý đất đai, nhà ở và thị trường bất động sản; quản lý trật tự xây dựng…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Học viện, kết quả các khóa đào tạo tại 63 tỉnh, thành phố vẫn chưa đồng bộ, nhất là chưa có sự phối hợp giữa Sở Xây dựng và Sở Nội vụ, nên khâu bổ sung nguồn nhân lực sau đào tạo vào thực tế quản lý đô thị, quy hoạch hạn chế, chậm so với mục tiêu của các địa phương.
Đề án 1961 sẽ kết thúc vào năm 2020, để tiếp tục hoàn thiện và kiện toàn kịp thời nguồn nhân lực quản lý đô thị cho các địa phương, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương khẩn trương thực hiện có kết quả các mục tiêu Đề án 1961 đề ra từ đầu, đảm bảo đến hết năm 2020, công tác đào tạo, bồi dưỡng có 100% công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp được đào tạo bồi dưỡng về Quản lý xây dựng và phát triển đô thị.
Bên cạnh đó, các địa phương hoàn thiện nội dung chương trình đào tạo bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về Quản lý xây dựng và phát triển đô thị, nhất là các kỹ năng giải quyết tình huống thực hiện phù hợp chức trách, nhiệm vụ của từng chức danh.
Ngoài ra, các địa phương ban hành quy chế đào tạo bồi dưỡng, nghiên cứu bổ sung yêu cầu về kiến thức, kỹ năng Quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, đô thị chuyên môn các cấp vào tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ ngạch công chức ngành xây dựng để Bộ Nội vụ ban hành theo quy định của pháp luật.
Ý kiến ()