Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 27/11/2024 10:41 (GMT +7)
Thiếu quy hoạch tổng thể các di tích
Thứ 6, 04/12/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Hình minh họa
Tại Hà Nội đã phát hiện 2 vụ việc xây dựng không phép trong di tích được xếp hạng cấp quốc gia là chùa Trăm Gian và di tích danh thắng chùa Hương. Mặc dù các đơn vị quản lý đều nhận định đây là những công trình được xây mới trong khu vực bảo vệ khoanh vùng số 1, xâm hại di tích, vi phạm Luật Di sản văn hóa, song việc xử lý các công trình này vẫn khiến các nhà quản lý lúng túng. PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL về vấn đề này.
* Phóng viên: Hương Nghiêm pháp đường là một công trình lớn bị phát hiện xây dựng không phép ngay trong khu vực bảo vệ lõi của di tích danh thắng chùa Hương, tới thời điểm này các cơ quan quản lý đã có hướng xử lý chưa, thưa ông?
* Ông TRẦN ĐÌNH THÀNH: Theo báo cáo của Sở VH-TT Hà Nội về công trình xây dựng trong khu vực chùa Thiên Trù – di tích danh thắng Hương Sơn, Sở thừa nhận công trình quy mô lớn này đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng tại thời điểm kiểm tra (10-11-2015) chưa có hồ sơ xin phép xây dựng được cấp có thẩm quyền cho phép. Hiện phía Sở VH-TT cũng cho biết đã đề nghị UBND TP Hà Nội giao Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Ban Tôn giáo TP Hà Nội phối hợp với Sở VH-TT, UBND huyện Mỹ Đức tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra, sau đó đề xuất các biện pháp xử lý.
* Cách giải quyết xưa nay đối với bất kỳ công trình xây dựng không phép hoặc sai phép nào trong di tích thường là dừng thi công để hoàn thiện hồ sơ, sau đó để cho tồn tại. Liệu đối với công trình Hương Nghiêm pháp đường, khi mà Cục Di sản văn hóa và Sở VH-TT Hà Nội đều xác định là đã có sai phạm, không phù hợp với kiến trúc truyền thống thì giải pháp đưa có phải sẽ là phạt rồi cho tồn tại?
* Đây là công trình phục vụ nấu nướng của nhà chùa, đón tiếp khách hành hương đến với di tích. Tâm nguyện của người xây là tốt, dùng để nấu ăn, tiếp khách, thì cũng không thể tùy tiện đập bỏ vì người ta đã đầu tư công sức, tâm huyết, đồng thời đây cũng là công trình phục vụ sinh hoạt cần thiết thường ngày của di tích. Nếu vị trí phù hợp, không ảnh hưởng tới di tích thì có thể chỉnh sửa, cải tạo cho phù hợp với dáng dấp truyền thống, với di tích. Phạt cho tồn tại là trên khía cạnh như vậy chứ không phải cứ phạt xong rồi sẽ được tồn tại. Còn nếu ở vị trí ảnh hưởng tới di tích thì sẽ nhất quyết phải phá dỡ chứ không thể áp dụng hình thức phạt cho tồn tại.Trong trường hợp này, nếu phát hiện ra sai ngay từ đầu, các cơ quan quản lý nhà nước có ý kiến, đình chỉ ngay từ đầu không để xây thì không có hậu quả như vậy. Ở đây, các cơ quan quản lý ở địa phương đã không phát hiện, ngăn chặn, điều chỉnh.
*Lâu nay người ta thường để mọi việc thành sự đã rồi, khi công trình đã xây xong thì chấp nhận chịu phạt vì có tâm lý là cơ quan quản lý hầu như chưa từng phá bỏ, tháo dỡ công trình nào chưa phép, không phép được xây trong di tích?
* Trước kia, đúng là việc xử lý sai phạm trong di tích đôi khi cũng có nương nhẹ, nhưng cái cơ bản nhất chúng ta không có được là quy hoạch tổng thể đối với mỗi di tích. Thực tế có địa phương chỉ có mỗi chùa, không có chỗ ăn, ở cho sư… từ bức xúc này nên họ mới xây thêm các công trình mới. Đó là những tồn tại lịch sử. Do đó có trường hợp tạm thời cho tồn tại một số công trình cấp thiết phục vụ cho di tích, về sau khi có dự án tổng thể thì sẽ dỡ bỏ những công trình ấy, nếu hiện trạng xây lên chưa ảnh hưởng tới di tích. Muốn một công trình tồn tại hay không phải có sự xem xét, đánh giá của các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, xem ảnh hưởng của công trình tới cảnh quan, môi trường, di tích gốc… Rồi từ đó mới ra phương án giữ hay không giữ.
* Với sai phạm này có ảnh hưởng gì tới quy trình xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt của chùa Hương?
* Chắc chắn là sẽ ảnh hưởng. Nếu các nhà chuyên gia trong cuộc khảo sát sắp tới khẳng định công trình sai phạm này ảnh hưởng tới di tích thì nó sẽ ảnh hưởng tới việc xếp hạng. Chúng tôi sẽ xin ý kiến hội đồng về việc có xem xét hồ sơ này hay không trong đợt tới.
VĨNH XUÂN (thực hiện)
Ý kiến ()