Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 26/11/2024 18:22 (GMT +7)
Thiếu tự tin bước ra thế giới
Thứ 3, 21/02/2017 | 15:31:00 [GMT +7] A A
Không phải ngẫu nhiên, tay vợt số 1 Nguyễn Tiến Minh than thở rằng cầu lông Việt Nam ít được cọ xát quốc tế nên mới thua thiệt rất xa so với các đồng nghiệp Nhật Bản, Thái Lan ở giải đồng đội nam nữ châu Á vừa khép lại. Tình trạng này trên thực tế không chỉ tồn tại ở cầu lông, mà ở nhiều môn thể thao được coi là trọng điểm khác…
Ngay như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, người đem về cho thể thao Việt Nam tấm HCV đầu tiên trong lịch sử các lần dự tranh Olympic cũng từng vất vưởng với kế hoạch tập huấn nước ngoài, thi đấu phải mượn súng đồng nghiệp, thiếu trang thiết bị trầm trọng khi trở về nước tập luyện… thì việc tay vợt Nguyễn Tiến Minh than thở rằng cầu lông Việt Nam quá thiếu các dịp đi nước ngoài tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn xem ra cũng là điều dễ hiểu.
Điền kinh sở hữu nhiều tài năng nhưng vẫn luôn thiếu cơ hội tập huấn và thi đấu quốc tế
Lâu nay, bài ca muôn thuở của ngành TDTT vẫn là “thiếu tiền” nên rất hạn chế cơ hội cho các đội tuyển được xếp vào nhóm trọng điểm đi tập huấn, thi đấu dài hoặc ngắn ngày ở nước ngoài. Điền kinh, bóng bàn, bơi lội, cử tạ, TDDC, taekwondo, judo… từng rơi vào hoàn cảnh tương tự nhau, tức là năm thì được xuất ngoại (vì có nguồn kinh phí dư dả), năm thì đóng cửa tập trong nước vì ngân sách tập trung giải quyết vấn đề khác quan trọng của ngành TDTT.
Có một giai đoạn, những người làm điền kinh Việt Nam từng khẳng định nếu như các tài năng Bùi thị Nhung, Nguyễn Duy Bằng, Vũ Thị Hương, Vũ Văn Huyện, Trương Thanh Hằng, Nguyễn Đình Cương… được đưa đến luyện nghề ở Mỹ hay Đức, họ thậm chí đã vươn đến đẳng cấp thế giới. Thiếu thốn cơ hội và chủ yếu dựa vào thực lực nhưng những ngôi sao một thời ấy đã tạo dựng nên tên tuổi cho điền kinh Việt Nam trong hơn 1 thập niên trở lại đây.
Thể thao Việt Nam, nói như cựu Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 Nguyễn Hồng Minh, đâu có thiếu người tài, vì thời nào cũng xuất hiện những gương mặt xuất chúng ở nhóm môn cơ bản Olympic như điền kinh, bơi lội, bắn súng, cử tạ, TDDC, bóng chuyền, bóng bàn, võ thuật… Tiếc rằng, cơ chế đầu tư chưa thông thoáng, khả năng tận dụng nguồn lực xã hội còn yếu và đặc biệt tư duy của chính những nhà quản lý bộ môn, của ngành TDTT còn tự ti, nên mới dẫn đến tình trạng sở hữu nhiều VĐV giàu tiềm năng nhưng phát triển không đạt đến đỉnh cao như mong đợi.
Có lẽ, thành công của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, của kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên hay 2 VĐV Trần Hiếu Ngân (tekwondo) và Hoàng Anh Tuấn (cử tạ) trong lịch sử thể thao nước nhà vẫn được xem là hiếm hoi. Thế nên, những kế hoạch trước đây từng chuẩn bị cho các đấu trường lớn như Asian Games, Olympic đều mau chóng phá sản. Thể thao Việt Nam chỉ có thể “hù dọa” bạn bè Đông Nam Á ở “hội làng” SEA Games, nhưng lại thua sút rất xa khi mở cửa cánh bước ra thế giới rộng lớn và đầy thách thức.
Trở lại với vấn đề mà tay vợt Nguyễn Tiến Minh vừa giãi bày sau giải cầu lông châu Á 2017, rõ ràng thiếu cơ hội tập huấn cũng như thi đấu ở nước ngoài là thực tế mà hầu hết các môn thể thao đều gặp, bao năm qua vẫn không tìm được biện pháp giải quyết. Một phần vì nguồn kinh phí dành cho ngành TDTT chẳng nhiều nhặng gì, công tác vận động xã hội hóa thể thao rất yếu, chưa kể đến việc hầu hết những môn được cho là tạo được sức hút như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn vẫn chưa xây dựng cho mình được một hệ thống đào tạo VĐV bài bản, mang tính xuyên suốt. Thành thử, khi nhìn vào sự lỏng lẻo trong cơ chế quản lý, triển vọng thành tích không lớn, những nhà đầu tư ngoài ngành thường ngoảnh mặt làm ngơ, hoặc nếu có đầu tư cũng chỉ mang tính chất trợ giúp “chút chút gọi là”, rồi thôi.
Theo SGGP
Ý kiến ()