Tất cả chuyên mục

Người tiêu dùng thờ ơ với hóa đơn điện tử là bỏ qua những quyền lợi chính đáng của mình đồng thời "tiếp tay" cho tình trạng thất thu ngân sách Nhà nước, tạo môi trường kinh doanh không lành mạnh.
Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, hóa đơn điện tử được xem là một bước tiến quan trọng trong công cuộc hiện đại hóa ngành thuế, hướng tới sự minh bạch của nền kinh tế và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy dù đã được triển khai rộng rãi song hóa đơn điện tử vẫn chưa thực sự thẩm thấu vào “huyết mạch” của đời sống-xã hội. Do, đại bộ phận người dân còn “thờ ơ” với việc lấy hóa đơn sau khi mua hàng.
Sự “vô tư” này không chỉ khiến người tiêu dùng bỏ qua những quyền lợi chính đáng của mình mà còn vô tình "tiếp tay" cho tình trạng thất thu ngân sách Nhà nước, tạo môi trường kinh doanh không lành mạnh.
"Nếu không có nhu cầu khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, phần lớn người tiêu dùng đều không có thói quen lấy hóa đơn điện tử, đặc biệt là ở các lĩnh vực bán lẻ, ăn uống và dịch vụ," một chuyên gia thuế đưa ra nhận định.
Phóng viên Báo Điện tử VietnamPus khảo sát nhanh một số người tiêu dùng và ghi nhận những chia sẻ là không có thói quen yêu cầu hóa đơn điện tử. Chị Nguyễn Mai Hương (Hà Nội) cho biết lý do không lấy hóa đơn: "Mất thời gian lắm. Như việc mua xăng, muốn lấy hóa đơn phải vào trong quầy để cung cấp thông tin, trong khi việc lấy hóa đơn là không cần thiết." Chị cho biết thêm tại một số cửa hàng ăn uống, khi được yêu cầu xuất hóa đơn, nhân viên còn thông báo sẽ phải trả thêm một khoản phí tương đương phần trăm thuế giá trị gia tăng và điều này khiến chị cảm thấy tốn kém.
Cụ thể, chị Hương làm ở khối văn phòng và thường xuyên đặt nhà hàng cũng như đảm nhiệm thanh toán tiền mỗi khi cơ quan tổ chức liên hoan ở bên ngoài. Chị cho hay các cửa hàng thường sẽ cấp hóa đơn nếu mình yêu cầu. Trong đó, có 3 loại nhà hàng, một là chủ động tính thuế giá trị gia tăng vào trong giá bán và khi có yêu cầu cấp hóa đơn chỉ cần cung cấp mã số thuế, họ phát hành. Trường hợp thứ hai, cửa hàng cho biết không tính thuế vào giá bán hàng, nếu khách hàng yêu cầu hóa đơn điện tử thì sẽ phải nộp thêm khoản thuế giá trị gia tăng. Trường hợp thứ ba là quán hàng thông tin luôn là cơ sở không có hóa đơn giá trị gia tăng.
Những chia sẻ của chị Hương phản ánh một thực tế là nhiều người tiêu dùng vẫn chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của việc lấy hóa đơn điện tử hoặc cảm thấy bất tiện, tốn kém khi thực hiện. Do đó, nhiều người vẫn giữ thói quen "mua nhanh, trả gọn," thờ ơ với việc lấy hóa đơn, theo đó đã vô tình bỏ qua những quyền lợi chính đáng của mình đồng thời góp phần gây ra những rủi ro trong quản lý thuế.
Ngoài ra, chị Phạm Thị Tuyết, một kế toán trưởng tại một cơ quan tâm tư: “Mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử với giá vài trăm nghìn thì không cần quan tâm đến hóa đơn làm gì. Nếu là thức ăn, tôi thật sự là chưa để ý lắm về chất lượng nguồn gốc của sản phẩm mua về." Bên cạnh đó, chị Tuyết thừa nhận thường chỉ lưu bảng kê chuyển tiền mà không đòi hỏi hóa đơn. Chị cũng thành thật chia sẻ thường lấy hóa đơn khi mua các sản phẩm giá trị lớn, nhưng lại bỏ qua các sản phẩm tiêu dùng (như ăn uống, mỹ phẩm…) mặc dù biết là có thể gặp phải rủi ro và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
"Một số công ty bán lẻ có đơn mua hàng song người mua hàng phải cung cấp mã số thuế họ mới cung cấp hóa đơn điện tử. Theo đó, các đơn hàng này thực chất là không đủ căn cứ pháp lý khi xảy ra sản phẩm có xảy ra vấn đề. Tính dễ dãi của người tiêu dùng dẫn đến việc chấp nhận mua hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng," chị Tuyết thừa nhận.
Chị Phạm Thanh Hồng, thủ quỹ của một doanh nghiệp và thường xuyên đặt hàng online giúp đồng nghiệp, đã chia sẻ khi mua hàng trên mạng, các cửa hàng sẽ yêu cầu phải quay video khi mở ra, song khi người tiêu dùng quên thì phải chịu rủi ro. Hay, mua các thực phẩm chức năng là hàng xách tay thì không bao giờ có hóa đơn, hàng thật và hàng giả trà trộn cũng không biết.
Chị Hồng cho biết: “Người bán thường chụp đơn mua hàng ở nước ngoài, nhưng người mua không thể kiểm soát được hàng của mình có phải trong lô hàng đó hay không và hiển nhiên là chấp nhận rủi ro. Theo tôi, thực phẩm chức năng mua của người quen và tin tưởng người ta xách theo kiểu đảm bảo. Việc không lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ cho cá nhân là phổ biến (từ khi có thuế giá trị gia tăng đến nay), người làm kế toán cũng chưa bao giờ có thói quen này," chị Hồng nói thêm.
Theo các chuyên gia, sự “vô tâm” của người tiêu dùng với hóa đơn điện tử đã gây ra những hệ lụy không nhỏ cho nền kinh tế và xã hội. Điều đầu tiên là thất thu ngân sách. Bởi, việc làm này đã giúp doanh nghiệp dễ dàng che giấu doanh thu, trốn thuế, khiến Nhà nước mất đi nguồn thu quan trọng để đầu tư vào các công trình công cộng, an sinh xã hội.
Đáng tiếc hơn là người tiêu dùng khi mua hàng hóa và dịch vụ song không có hóa đơn, sẽ gặp khó khăn trong việc khiếu nại, bảo hành sản phẩm, dịch vụ khi gặp sự cố. Bên cạnh đó, họ cũng mất đi cơ hội tham gia các chương trình khuyến mãi, tích điểm, đổi quà dành cho khách hàng có hóa đơn.
Đối với xã hội, việc người tiêu dùng “thản nhiên” mua hàng không cần hóa đơn đã góp phần tạo nên một môi trường kinh doanh không lành mạnh. Do, các doanh nghiệp trốn thuế có lợi thế cạnh tranh không công bằng so với các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, điều này gây ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường.
Thêm vào đó, việc làm này “tắc trách” này cũng gây ra các hạn chế về phát triển kinh tế số. Cụ thể là việc thiếu dữ liệu về hành vi tiêu dùng, do người dân không lấy hóa đơn sẽ làm cản trở quá trình ứng dụng công nghệ, phân tích thị trường, đưa ra các quyết sách quản lý kinh tế hiệu quả.
Bà Lê Thị Yến, Giám đốc Công ty Tư vấn thuế Hà Nội, khẳng định hóa đơn điện tử là “tấm khiên” chống hàng giả, tấm chắn chống thất thu thuế. Theo bà: “Lấy hóa đơn điện tử - Vì hàng hóa thật, vì doanh nghiệp thật, vì một Việt Nam công bằng và văn minh."
Cụ thể, bà Yến phân tích trong thời đại công nghệ số và thương mại hiện đại, hóa đơn điện tử có mã xác thực của Cơ quan Thuế không chỉ là công cụ kế toán mà còn là lá chắn mạnh mẽ bảo vệ người tiêu dùng và xã hội trước nạn hàng giả, hàng nhái, hàng lậu và tình trạng trốn thuế, thậm chí là cả tham nhũng. Theo bà, hóa đơn luôn ghi rõ nơi cung cấp, loại hàng hóa, dịch vụ, điều này sẽ giúp người tiêu dùng biết mình đang mua gì, từ đâu, của ai.
Mặt khác, hóa đơn điện tử cũng góp phần tăng trách nhiệm giải trình, bà Yến nhấn mạnh khi doanh nghiệp biết khách hàng có yêu cầu hóa đơn, họ sẽ buộc phải kinh doanh minh bạch hơn, giảm nguy cơ bán hàng lậu, hàng kém chất lượng. Hơn nữa, hóa đơn là có căn cứ pháp lý nếu cần khiếu nại, bảo hành, hoàn trả hoặc xử lý tranh chấp sau bán hàng.
Giải pháp để hóa đơn điện tử trở thành một phần của văn hóa tiêu dùng, bà Lê Thị Yến cho rằng cần phải có sự chung tay của cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Thứ nhất là tuyên truyền sâu rộng với việc đưa thông điệp "Lấy hóa đơn là quyền lợi và trách nhiệm" vào đời sống hằng ngày, từ trường học, cộng đồng đến xã hội. Kế đến, Cơ quan Thuế nên tích hợp tạo ra sự tiện lợi cho các cửa hàng, quán ăn, siêu thị…, như kết nối hóa đơn điện tử với app thanh toán và gửi hóa đơn tự động qua Zalo/email/SMS ngay sau giao dịch.
Một khuyến khích thiết thực được bà Yến nhắc đến là quyền lợi tham gia chương trình quay số trúng thưởng từ hóa đơn điện tử do ngành Thuế tổ chức, vừa có cơ hội nhận quà đồng thời góp phần vì cộng đồng. Tuy nhiên, bà cũng khẳng định việc xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp vi phạm không xuất hóa đơn đồng thời công khai để cảnh báo và làm gương răn đe.
Ngoài ra, bà Ngô Thị Lụa, Giám đốc một công ty dịch vụ kế toán và đại lý thuế, cho rằng người tiêu dùng lấy hóa đơn có nhiều lợi thế. Ví dụ, cá nhân khi mua một chiếc tivi với yêu cầu hóa đơn đơn tử, sau này không dùng đến có thể bán lại cho tổ chức, doanh nghiệp. Các công ty mua lại những chiếc hàng hóa đó sẽ có hóa đơn để chứng minh nguồn gốc và được tính vào chi phí hợp lý.
Bà Lụa cho rằng việc người tiêu dùng yêu cầu người bán hàng xuất hóa đơn thì họ sẽ phải có chứng từ hàng hóa đầu vào, nhờ đó có thể yên tâm hàng hóa là có thật và biết nguồn gốc người bán lấy từ đâu. Theo bà Lụa, nếu một cửa hàng từ chối xuất hóa đơn, điều này chứng tỏ cửa hàng không chứng minh được xuất xứ nguồn gốc hàng hóa.
Tiến sỹ, chuyên gia về thuế Nguyễn Ngọc Tú cũng nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong việc tạo ra các cơ chế khuyến khích, thay đổi thói quen của người dân.
"Người tiêu dùng cho rằng không lấy hóa đơn làm gì, thậm chí đi nhà hàng lấy hóa đơn phải mất tỷ lệ phần trăm thuế giá trị gia tăng. Điều này là lợi bất cập hại," ông Tú nói.
Theo ông Tú, việc cộng thêm thuế giá trị gia tăng khi khách yêu cầu hóa đơn là hành vi sai phạm cần lên án. Quy định hiện hành đối với doanh nghiệp áp dụng phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng, giá bán phải được niêm yết là giá đã bao gồm thuế giá trị gia tăng hoặc phải ghi rõ là giá chưa bao gồm thuế. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp có trách nhiệm xuất hóa đơn giá trị gia tăng đầy đủ, kể cả khi khách hàng không yêu cầu. Vì vậy, tình huống cộng thêm thuế giá trị gia tăng khi khách lấy hóa đơn là biểu hiện của hành vi gian lận thuế (bao gồm trốn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân), bởi phần doanh thu thêm này không được ghi nhận trong sổ sách kế toán và làm giảm thu nhập chịu thuế.
Chia sẻ về phương thức chuyển từ tư duy "quản lý" sang "phục vụ," ông Lê Ngọc Huy - Trưởng phòng Phòng Thuế cá nhân, Hộ kinh doanh và thu khác, Chi cục Thuế Khu vực I-Cục Thuế, cho biết thêm ngành đang triển khai nhiều hội nghị để trao đổi về các chính sách, tuyên truyền, truyền thông các nội dung, các gương tiêu biểu cũng như các phản ánh những hành vi sai phạm pháp luật về thuế. Ông Huy nhấn mạnh hóa đơn là yếu tố khẳng định chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.
Ngoài ra, bà Phạm Tuyết, Giám đốc công ty Tư vấn Giải Pháp Kế toán Việt Nam cũng cho hay doanh nghiệp “quên” xuất hóa đơn điện tử khi bán hàng/cung cấp dịch vụ khi Cơ quan Thuế phát hiện ra sẽ xử phạt. Mức phạt nếu không ảnh hưởng đến tiền thuế trong kỳ là khoảng 4 triệu đồng/tờ, nếu có ảnh hưởng đến số thuế phải nộp là khoảng 6-8 triệu đồng/tờ. Bà lưu ý doanh nghiệp/hộ kinh doanh cần nắm vững các quy định về hóa đơn điện tử để tránh sai sót./.
Theo Vietnam+
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/tho-o-voi-hoa-don-dien-tu-tu-danh-mat-quyen-loi-va-lam-that-thu-thue-post1035347.vnp
Ý kiến ()