Tập đoàn Thép Tata của Ấn Độ đã nhất trí chuyển giao hoạt động sản xuất thép dài của họ tại Vương quốc Anh cho Tập đoàn đầu tư Greybull Capital với mức phí “tượng trưng,” trong một thỏa thuận được hai bên cho rằng sẽ cứu 4.400 việc làm tại Anh.
Theo tờ The Guardian (Người bảo vệ) ngày 11/4, sau các cuộc thương lượng kéo dài với Tập đoàn Tata, Tập đoàn Greybull Capital sẽ mua lại một nhà máy luyện thép ở Scunthorpe, hai nhà máy ở Teesside, một nhà xưởng ở Workington, một công ty tư vấn thiết kế ở York và các cơ sở liên kết phân phối, cùng một nhà máy của Tata đặt ở miền Bắc nước Pháp.
Greybull sẽ trả một mức phí không đáng kể cho giao dịch này bởi vì họ sẽ gánh vác các nghĩa vụ phải thanh toán của Tập đoàn Tata đối với các cơ sở này cũng như đầu tư vốn để chúng tiếp tục hoạt động.
Giám đốc Bộ phận Các sản phẩm thép dài của Tập đoàn Tata Bimlendra Jha cho biết thỏa thuận vừa đạt được là kết quả tốt nhất cho tập đoàn sau những nỗ lực không ngừng nghỉ để đảm bảo sự tồn tại của các doanh nghiệp cũng như khiến chúng trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua.
Tập đoàn Greybull trước đó đã đầu tư vào hãng hàng không Monarch và hãng bán lẻ Comet.
Hiện ngành công nghiệp thép ở Xứ sở sương mù đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng nghiêm trọng từ quyết định của Tập đoàn Thép Tata bán toàn bộ doanh nghiệp tại Anh sau gần một thập kỷ hoạt động.
Các nhà sản xuất thép tại Anh phải trả chi phí năng lượng và thuế môi trường cao hàng đầu thế giới, nhưng chính phủ cho rằng vấn đề cốt lõi đe dọa ngành thép nước này chính là sự sụt giá thép trên thị trường toàn cầu, xuất phát từ sản lượng thép dư thừa lớn của Trung Quốc.
Chính phủ Anh đang gấp rút tìm đối tác có thể mua lại các nhà máy của Tata. Tại Anh, Tata tuyển dụng 15.000 công nhân thép và nếu tính cả lực lượng lao động liên quan thì số việc làm có thể bị tác động bởi việc Tata đóng cửa nhà máy có thể lên tới 40.000.
Các nhà sản xuất thép tại Anh phải trả chi phí năng lượng và thuế xanh cao hàng đầu thế giới, nhưng chính phủ cho rằng vấn đề cốt lõi đe dọa ngành thép nước này chính là sự sụt giá thép trên thị trường toàn cầu, xuất phát từ sản lượng thép dư thừa lớn của Trung Quốc./.
Ý kiến ()