Thứ Hai, 25/11/2024 09:30 (GMT +7)

Thói xu nịnh tạo ra những “giá trị ảo” trong xã hội

Thứ 7, 12/01/2019 | 10:33:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Những lời xu nịnh tạo ra những “giá trị ảo” trong xã hội và làm biến mất sự công bằng khi cấp trên thích xử dụng những người “hay nịnh”.

Bàn về thói xu nịnh trong các cơ quan, công sở, TS Ngô Vương Anh, nhà nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh cho rằng, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng coi việc “Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình mà chán ghét những người chính trực” là một “căn bệnh”. Nay, tư tưởng đó lại được kế thừa khi chúng ta nêu vấn đề chấn chỉnh đạo đức công vụ trong Đề án văn hóa công vụ vừa được Chính phủ phê duyệt, trong đó yêu cầu cấp dưới không được “nịnh bợ” cấp trên. Tuy nhiên, theo TS Vương Anh, thật khó làm rõ những biểu hiện cụ thể của việc “nịnh bợ lấy lòng cấp trên vì động cơ không trong sáng”.

thoi xu ninh tao ra nhung "gia tri ao" trong xa hoi  hinh 1
TS Ngô Vương Anh

Tệ xu nịnh tạo ra những “giá trị ảo” trong xã hội

Theo TS Ngô Vương Anh, là người thường, ai cũng thích được khen. Những lời khen chính đáng và thỏa đáng luôn là nguồn động lực gây hứng khởi, phấn chấn, để người được khen phấn đấu tốt hơn. Và người được khen cảm thấy tự hào vì mình được đánh giá đúng những năng lực, thành tích. Nhưng với cấp trên, chỉ cần quá giới hạn một chút, chỉ xa rời tiêu chí công minh, đúng mực một chút, lời khen đã biến thành lời “xu nịnh”. Những lời xu nịnh dễ nghe nhưng cũng dễ làm cho người nghe thỏa mãn, được ru ngủ. Những lời xu nịnh tạo ra những “giá trị ảo” trong xã hội và làm biến mất sự công bằng khi cấp trên thích xử dụng những người “hay nịnh”.

Đối với Đề án Văn hóa công vụ vừa được Chính phủ phê duyệt, trong đó có quy định “Cán bộ không nịnh bợ, lấy lòng cấp trên vì động cơ không trong sáng”, TS Ngô Vương Anh cho rằng, quy định này thể hiện sự nhìn nhận nghiêm túc nhằm chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc trong đạo đức công vụ, trong thái độ ứng xử của các cán bộ công quyền. Ở vai trò người điều hành, Chính phủ đã nhìn thấy những bất cập có thể làm hư hỏng bộ máy – trong đó tệ xu nịnh bào mòn năng lực tự phê phán, tự hoàn thiện của cấp trên, tạo ra những lợi ích không chính đáng (do nịnh mà có) cho cấp dưới. Điều này cần được chấn chỉnh.

Thật khó để nhận diện hành vi nịnh bợ

Tuy vậy, TS Ngô Vương Anh cũng chỉ ra một thực tế, thật khó làm rõ những biểu hiện cụ thể của việc “nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng”. Đó đều là những biểu hiện thuộc về nội tâm, có khi thể hiện ra ngoài, cũng có thể ngấm ngầm ở trong, khó có thể xác định khiến cho việc xử lý gặp nhiều khó khăn.

Khi một hành vi được xác định là sai trái, cần lên án và đã được đưa vào thành quy định để xử lý thì cần cụ thể và phải được “lượng hóa”, chỉ rõ các mức giới hạn, vượt ngưỡng đó có thể bị xử lý kỷ luật. Bên cạnh đó, hành vi sai trái cũng cần phải “đong đếm” được thì mới có thể có các chế tài xử lý cụ thể, không thể phán đoán kết tội và xử lý chỉ dựa trên cảm tính.

Muốn việc quản lý, xử lý hiệu quả, TS Vương Anh nhấn mạnh, cần phải có những “bộ công cụ” giúp cho người tổ chức thực hiện nhận diện được cụ thể các hành vi nịnh bợ. Bên cạnh đó, từ phía ngược lại, cũng phải có thêm cơ chế xử lý với những cán bộ lãnh đạo thích được nịnh. Phải xử lý công bằng cả hai phía và khi hạn chế được “nguồn cầu” cũng sẽ sẽ hạn chế được “nguồn cung” để đấy lùi “căn bệnh” xu nịnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh: “1 trong 8 điều xấu phải tránh là hay nghe lời xu nịnh”

Nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh, TS Ngô Vương Anh rất tâm đắc với những quan điểm của Người khi đề cập đến căn bệnh xu nịnh

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần đề cập và chấn chỉnh “căn bệnh” xu nịnh trong các mối quan hệ công tác và xã hội của cán bộ, đảng viên và trong cả quần chúng nhân dân nói chung. Từ năm 1947, khi kêu gọi toàn dân xây dựng “Đời sống mới”, Người đã căn dặn “Người hơn mình, thì chớ nịnh hót”. Với cán bộ, Người nhiều lần nhắc nhở về căn bệnh “Ưa người ta nịnh mình” hay bệnh “Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực”.

Khi viết về những phẩm chất cần có của một “người tướng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, 1 trong 8 điều xấu phải tránh là “Hay nghe lời xu nịnh” … Chủ tịch Hồ Chí Minh không liệt kê, định dạng cụ thể những biểu hiện của xu nịnh (điều này sẽ không bao giờ đủ) mà điều quan trọng hơn, Người nêu ra cách chống căn bệnh này từ mỗi người là nâng cao năng lực và tự trọng. Người (đủ) tài thường không xu nịnh, người có bản lĩnh và tự trọng cũng không thích nghe nịnh. Khi năng lực và tự trọng của cán bộ được nâng cao sẽ tạo ra “sức đề kháng” để chống lại “căn bệnh” xu nịnh.

Trong bối cảnh Trung ương vừa ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, TS Ngô Vương Anh cho rằng, việc chống lại những biểu hiện mưu lợi không trong sáng bằng những hành vi lấy lòng, nịnh bợ cũng nằm trong những điều cần gương mẫu thực hiện. Đặc biệt, với các cán bộ lãnh đạo cấp cao, cần phòng chống những biểu hiện ưa nịnh, tạo lập “nhóm lợi ích” từ những “cánh hẩu”, những kẻ nịnh bợ “ăn nói thuận tai”./.

Theo PV/VOV.VN

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu