Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 22/11/2024 21:31 (GMT +7)
Thu hoạch lục bình gắn với bảo vệ nguồn lợi
Thứ 7, 27/04/2024 | 10:42:00 [GMT +7] A A
Vài năm trở lại đây, nhiều bà con vùng nông thôn có thêm thu nhập từ việc cắt và phơi lục bình. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu thu mua lục bình khô làm nguyên liệu cho các mặt hàng thủ công, hiện vẫn còn nhiều bấp bênh trong giá cả thị trường, cũng như vấn nạn về ô nhiễm môi trường vẫn luôn là khuyến cáo của chính quyền địa phương trong việc khai thác tự nhiên và nuôi trồng lục bình.
Mỗi ngày tranh thủ từ lúc rạng sáng, những lao động lớn tuổi ở xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa lại bắt đầu công việc cắt lục bình quen thuộc. Trên chiếc ghe nhỏ cập bờ sông, vợ chồng ông Lê Văn Hùng mỗi người một tay cắt từng bẹ lục bình.
Vào mùa nắng nóng, cũng là lúc lục bình dễ thu hoạch, dễ trồng và được giá. Sau gần 1 tuần phơi, 10kg lục bình tươi sẽ được 1kg lục bình khô, có giá dao động từ 10.000 đồng đến hơn 20.000 đồng/1kg tùy vào từng thường điểm. Trung bình một tháng, mỗi hộ thu nhập từ 5.000.000 đến 6.000.000 đồng, dù thu nhập không quá cao nhưng vẫn đủ để các gia đình ở nông thôn trang trải cuộc sống hàng ngày.
Nghề cắt - phơi lục bình có thể làm quanh năm mang; do lục bình sinh sôi, nảy nở trong tự nhiên lẫn nuôi trồng đều rất nhanh. Tuy nhiên, công việc này lại phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Do đó, người nuôi trồng lục bình dưới dạng làm nguyên liệu cho các sản phẩm thủ công, cũng cần lưu ý tránh “đua nhau” trồng lục bình trên sông; nhất là khi giá cả lục bình khô luôn thay đổi liên tục, phụ thuộc rất nhiều vào thương lái, chưa có tính ổn định lâu dài. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của lục bình sẽ ảnh hưởng đến hệ thống kênh rạch, lưu thông dòng nước, gia tăng ô nhiễm môi trường nếu số lượng lục bình dày đặc.
Ông Lê Minh Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyên Mộc Hóa cho biết thêm: Phía Hội nông dân cũng như chính quyền địa phương, không khuyến cáo cho bà con trồng lục bình. Chỉ vận động bà con trồng những nơi nào sông rộng. Tuyên truyền cho bà con không được bỏ phế thái lục bình sau thu hoạch ra sông để không gây ô nhiễm môi trường.
Để loài cây lục bình vừa hữu ích về mặt vật chất lẫn môi trường, người dân cần khai thác và nuôi trồng hiệu quả, có như vậy mới không ảnh hưởng đến hệ thống lưu thông kênh rạch và môi trường./.
Anh Thư – Trường Hải
Ý kiến ()