Thứ Sáu, 29/11/2024 23:39 (GMT +7)

Thu hút FDI giai đoạn mới – Đón dòng vốn FDI ‘xanh’

Thứ 4, 18/09/2019 | 14:52:00 [GMT +7] A  A

Để phù hợp với nhu cầu phát triển, TP Hồ Chí Minh đã và đang tiếp tục thay đổi trong việc chọn lọc nguồn vốn FDI theo hướng tăng hàm lượng chất xám, khoa học công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Sản xuất linh kiện cơ khí tại Công ty Misumi Việt Nam – Khu chế xuất Linh Trung, Thủ Đức – TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Tác động lan tỏa của vốn FDI

Tính đến tháng 8/2019, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 8.772 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là 45,94 tỷ USD. Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 lĩnh vực tại thành phố; trong đó, các nhóm ngành dẫn đầu thu hút vốn FDI là công nghiệp chế biến chế tạo; hoạt động kinh doanh bất động sản; giáo dục và đào tạo; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác; xây dựng; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; thông tin và truyền thông; vận tải kho bãi.

Phân tích những đóng góp của nguồn vốn FDI đối với thành phố, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết, trong năm 2018, doanh nghiệp FDI đã đóng góp khoảng 2 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng GRDP 8,3%. Nếu không có đầu tư nước ngoài, quy mô GRDP của thành phố giảm đi 18% và thuế sản phẩm giảm 31%.

Tính bình quân một doanh nghiệp nước ngoài đóng góp 5 tỷ đồng cho ngân sách. Không những thế, các doanh nghiệp FDI còn đóng góp trong lĩnh vực xuất khẩu, bình quân khoảng 20 tỷ USD/năm, chiếm 58% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố; giải quyết việc làm cho khoảng 670.000 lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp…

Duy trì vị trí đầu tư hàng đầu tại TP Hồ Chí Minh thời gian qua, thể hiện quy mô vốn bình quân của dự án ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 9 triệu USD, cao hơn quy mô bình quân một dự án FDI tại thành phố là 6 triệu USD.

Việc dòng vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thể hiện nhà đầu tư đã tận dụng thế mạnh của thành phố là chi phí năng lượng thấp so các thành phố khác trong khu vực, nguồn lao động dồi dào, có tay nghề, kỹ năng làm việc hiệu quả.

Sự góp mặt của các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo đã tạo nhu cầu lớn về công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ và trình độ quản lý cao; đồng thời gắn kết việc phát triển hệ thống cảng và các khu công nghiệp, tạo sự đa dạng về sản phẩm công nghiệp.

Đầu tư FDI từng bước tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác; trong đó, có việc khơi dậy các nguồn đầu tư trong nước, tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, cải thiện năng lực sản xuất của ngành công nghiệp thành phố.

Theo ghi nhận của UBND TP Hồ Chí Minh, giai đoạn từ năm 2006 đến nay, trong công nghiệp chế biến, chế tạo, làn sóng FDI có khuynh hướng tập trung vào các ngành nghề hàm lượng chất xám cao như: công nghiệp phần mềm, điện tử tin học, công nghiệp dược phẩm; cơ khí chính xác, điện và điện tử, công nghệ phần mềm, bưu chính viễn thông…; trong đó nổi bật là dự án đầu tư ngành công nghệ bán dẫn của Tập đoàn Intel vào Khu công nghệ cao thành phố.

Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2001, qua gần 20 năm hoạt động Khu Công nghệ cao và Công viên phần mềm Quang Trung đã thu hút khá nhiều dự án công nghệ thông tin, công nghệ cao theo đúng định hướng phát triển của thành phố, với sự có mặt của các công ty lớn nhất thế giới như: Intel, BP, Samsung, Toshiba, Mercedes, Isuzu, Nidec…

Qua đó, các doanh nghiệp FDI cũng chuyển giao những công nghệ sản xuất tiên tiến, góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ; cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao giá trị sản phẩm của thành phố trên thị trường quốc tế.

Theo nhận định của UBND TP Hồ Chí Minh, sự xuất hiện của các công ty kinh doanh sản xuất quy mô đa quốc gia còn tạo cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp phụ trợ trong nước như: sản xuất linh kiện điện tử, bán dẫn, sản xuất…, góp phần giúp thành phố phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn có giá trị gia tăng cao.

Song song đó, nhóm ngành thương mại dịch vụ luôn là một trong những ngành thu hút vốn FDI hàng đầu ở thành phố như: siêu thị, trung tâm thương mại; các dự án giáo dục – đào tạo và y tế chất lượng cao; tư vấn, dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị mới, khu giải trí, dịch vụ vận tải, giao nhận hàng hóa…

Nhìn chung, nguồn vốn FDI giúp việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP Hồ Chí Minh phù hợp với nền kinh tế tri thức năng động của Thế kỷ 21. Theo ông Nguyễn Thành Phong, với các lợi thế cạnh tranh, thành phố vẫn đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp, dịch vụ; dòng vốn FDI tăng trưởng tốt qua các năm thể hiện khả năng thu hút, hấp thụ nguồn vốn của nền kinh tế thành phố.

Kết quả này là sự tổng hòa các yếu tố lợi thế như: nguồn nhân lực dồi dào, có kỹ năng lao động; cơ sở hạ tầng phát triển và ngày càng hoàn thiện; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh đối thoại chính sách với các nhà đầu tư nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Thu hút vốn có chọn lọc

Với vai trò là đầu tàu của nền kinh tế Việt Nam, trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP Hồ Chí Minh đang không ngừng phấn đấu hướng đến một cơ cấu kinh tế năng động, giá trị gia tăng cao và ít ô nhiễm môi trường.

TP Hồ Chí Minh xác định đến năm 2020, kinh tế có vốn FDI phải trở thành một thành phần quan trọng, giúp nền kinh tế thành phố phát triển hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu, thúc đẩy năng lực cạnh tranh, đưa thành phố giữ vững vai trò trung tâm tài chính, công nghiệp, dịch vụ, thương mại của cả nước và trở thành một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của khu vực và trên thế giới.

Để thực hiện mục tiêu thu hút có chọn lọc nguồn vốn FDI, nhưng vẫn bảo đảm tăng trưởng nguồn vốn này, TP Hồ Chí Minh sẽ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thành phố ưu tiên các doanh nghiệp có năng lực đổi mới sáng tạo và năng lực quản trị tiên tiến; khuyến khích đầu tư phát triển các ngành nghề sản xuất kinh doanh, tạo động lực trực tiếp cho tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế như: công nghệ cao, lĩnh vực thâm dụng khoa học công nghệ…

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết, để đẩy nhanh tốc độ phát triển, đuổi kịp các thành phố tiên tiến trên thế giới, thành phố cần “đi tắt, đón đầu”, tiếp nhận công nghệ hiện đại qua các kênh đầu tư từ các quốc gia đã phát triển.

Việc thu hút vốn đầu tư FDI cần tạo bước đột phá để tận dụng triệt để lợi thế của thành phố như: nguồn nhân lực dồi dào, đa dạng; dẫn đầu về phát triển công nghệ; cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh; quyết liệt cải cách thủ tục hành chính; các kênh hỗ trợ doanh nghiệp phong phú…; đồng thời nâng cao tính cạnh tranh, tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư tại thành phố.

Trên cơ sở đó, TP Hồ Chí Minh đã công bố 255 dự án mời gọi đầu tư; trong đó có 245 dự án xã hội hóa; xác định những định hướng nghiên cứu, phát triển trọng tâm trong giai đoạn tới. Thành phố tiếp tục mời gọi đầu tư định hướng vào 9 nhóm ngành dịch vụ (tài chính – ngân hàng – bảo hiểm; thương mại; du lịch; vận tải, cảng và kho bãi; bưu chính, viễn thông, thông tin và truyền thông; kinh doanh tài sản bất động sản; tư vấn; khoa học công nghệ, y tế; giáo dục và đào tạo) và 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí; điện tử – công nghệ thông tin; hóa chất – nhựa – cao su; chế biến tinh lương thực thực phẩm), chuyển dịch cơ cấu kinh tế lĩnh vực nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị; phát triển đô thị thông minh…

Mặt khác, thành phố ưu tiên thu hút các Tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài có quy mô lớn, trình độ khoa học công nghệ cao đầu tư vào sản xuất năng lượng – vật liệu xanh, các dự án có cam kết sử dụng năng lượng, vật liệu có hàm lượng các bon thấp.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố luôn khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực góp phần đào tạo lao động có chất lượng cao và dự án chuyển giao các công nghệ mới, công nghệ nguồn và dự án xây dựng các trung tâm nghiên cứu – phát triển (R&D); đầu tư phát triển hạ tầng (hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội).

Hình thành liên kết giữa các loại hình doanh nghiệp có vốn FDI và đầu tư trong nước, từ đó tạo ra các chuỗi giá trị và nâng cao giá trị thành phẩm sau cùng phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Với việc phát huy kết quả đạt được, đề ra các định hướng trong thu hút nguồn vốn FDI rõ ràng, TP Hồ Chí Minh cùng với các bộ, ngành Trung ương xây dựng các chính sách và các bước chuẩn bị về đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và môi trường đầu tư nhằm đảm bảo khả năng hấp thụ nguồn vốn đầu tư nước ngoài ngày càng hiệu quả, góp phần tích cực thực hiện quá trình tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Qua đó, thực hiện có hiệu quả tinh thần và mục tiêu được đề ra tại Nghị quyết số 50 – NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Theo Anh Tuấn (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu