Thứ Năm, 21/11/2024 22:34 (GMT +7)

Thủ phủ cà phê Trung Trung bộ

Thứ 3, 05/12/2017 | 16:46:00 [GMT +7] A  A
Với sự hỗ trợ từ phía dự án của Viện Mekong trong việc phát triển từ tổ chức sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm cà phê, vùng đất đầy nắng gió Quảng Trị đã hình thành một thủ phủ cà phê của vùng Trung Trung bộ Việt Nam.

Đổi thay miền sơn cước

Viện Mekong là một tổ chức liên chính phủ được thành lập bởi 6 nước thành viên của Tiểu vùng Mekong mở rộng gồm Campuchia, Trung Quốc (tỉnh Vân Nam và Khu tự trị Quảng Tây), Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Chúng tôi tới huyện miền núi Hướng Hóa nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Trị, nơi mà chỉ 30 năm về trước, được xem là rừng thiêng nước độc, cuộc sống đồng bào phụ thuộc vào thâm canh lúa và khai thác rừng nên hộ nghèo chiếm tỉ lệ cao.

Năm 1994, tỉnh có chủ trương đưa dân vào khai hoang trồng cây công nghiệp. Những bản mới, thị tứ được hình thành bên triền đồi bạt ngàn cà phê.

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Quảng Trị, hiện tại diện tích trồng cà phê chè Arbica Catimor ở huyện Hướng Hóa là khoảng 5000 ha, chiếm 1/7 diện tích cà phê chè của cả nước. Trong đó, Hướng Phùng là xã có diện tích trồng cà phê lớn nhất huyện với hơn 1.700 ha.


Xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa
có diện tích trồng cây cà phê lớn nhất tỉnh Quảng Trị với hơn 1.700 ha.
Người nông dân ở Hướng Phùng thu hoạch cà phê vụ 2017.


Do có vị trí địa lý, khí hậu phù hợp nên cây cà phê ở Hướng Hóa cho chất lượng khá tốt.


Sau khi được dự án của Viện Mekong hỗ trợ trong kỹ thuật canh tác,
chất lượng quả cà phê đã được nâng cao rõ rệt .


Cà phê thường cho thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm.


Dự án của Viện Mekong bước đầu đã giúp người trồng cà phê ở Hướng Phùng
có được sự ổn định, giá cà phê vụ 2017 cũng cao hơn.

Chúng tôi về Hướng Phùng dừng chân ở khu nhà anh Hồ La Ngàng dân tộc Vân Kiều sinh sống từ nhỏ ở thôn Sa Ry. Ngày trước thu nhập chính của gia đình là trồng lúa, anh Ngàng phải đi làm thuê cho những hộ trồng cà phê để trang trải cuộc sống nên cuộc sống rất bấp bênh. Năm 2012, khi đã tích cóp được chút vốn, anh bắt đầu trồng cà phê với diện tích 1ha. Vụ thu hoạch đầu tiên, gia đình anh đã để dư ra được 20 triệu đồng.

Ngay gần đó là gia đình ông Lê Đức Bình trồng cà phê từ năm 1999. Ông Bình cho hay, nhờ nguồn đất đỏ bazan, nhiệt độ bình quân cả năm khoảng 22 độ C nên trồng sau 24 tháng, cây cà phê sẽ bắt đầu cho thu hoạch. Trong vòng 10 năm, cây sẽ cho thu hoạch với sản lượng và chất lượng cao. Bình quân thu nhập của nhà ông Bình được khoảng 250 triệu đồng/năm.

“Trước đây, bà con thường bỏ qua một số kỹ thuật chăm sóc để thu hái sớm nên nhiều khi chất lượng cà phê không được tốt. Từ khi có Viện Mekong giúp đỡ, bà con bán cũng được giá cao nên đời sống kinh tế cũng được cải thiện”, ông Bình chia sẻ.

Đồng hành cùng nhà nông

Anh Nguyễn Nhật An- Quản lý dự án “Nâng cao năng lực hướng tới phát triển toàn diện và bình đẳng Tiểu vùng Sông Mekong” cho biết: “Hồi đầu, chúng tôi ngày nào cũng phải đi xe ròng rã cả ngày trời để đến thuyết phục bà con tham gia vào mô hình liên kết sản xuất. Năm 2014 chỉ có 1 nhóm hoạt động, đến năm 2016 đã có 15 nhóm với 409 thành viên, cung cấp 3.300 tấn quả cà phê tươi cho các doanh nghiệp thu mua chế biến”.

Để giúp người dân phát triển bền vững mô hình trồng cà phê, Viện Mekong phối hợp với các đơn vị chức năng của tỉnh Quảng Trị tổ chức tập huấn về phương thức hoạt động tổ nhóm, kỹ thuật trồng canh tác nên hiện tượng cà phê ngâm nước và trộn đất đá đã hạn chế được nhiều. Đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ của Viện Mekong trong việc tổ chức đối thoại với doanh nghiệp thu mua, nên sau khi mô hình liên kết bán trực tiếp đến nhà máy thì người dân bán cà phê được giá cao hơn từ 300 – 500 đồng/kg so với bán cho thương lái.

Ông Watcharas Leelawath- Giám đốc Viện Mekong và ông Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị trong buổi làm việc bàn về tình hình thực hiện dự án hỗ trợ sản xuất cà phê.
Dự án “Nâng cao Năng lực hướng tới Phát triển Toàn diện và Bình đẳng Tiểu vùng Sông Mekong” của Viện Mekong đã giúp người nông dân Hướng Phùng giảm thiểu được những rủi ro, nâng cao thu nhập từ trồng cây cà phê.


Nhân viên dự án của Viện Mekong thuyết phục người trồng cà phê tham gia vào mô hình liên kết sản xuất giữa các hộ. Từ việc các hộ cá thể trực tiếp giao dịch, giờ sẽ có đại diện của các mô hình liên kết thay mặt bà con làm việc với các bên liên quan trong quá trình tiêu thụ.


Những mô hinh nhóm liên kiết sản xuất cà phê ở Hướng Phùng là chỗ dựa cho những hộ thành viên. Nhóm hoạt động có những tiêu chí rõ ràng, minh bạch luôn tạo niềm tin cho người trồng cà phê ở nơi này.


Ông Watcharas Leelawath- Giám đốc Viện Mekong gặp gỡ lãnh đạo Công ty Cổ phần Bình Điền bàn về việc hỗ trợ phân bón cho người trồng cà phê ở Hướng Hóa.


Không chỉ dừng lại ở việc tổ chức nhóm liên kết sản xuất giữa các hộ cá thể trồng cà phê, dự án của Viện Mekong còn trực tiếp đối thoại với các doanh nghiệp liên quan, xây dựng được mô hình 4 bên gồm: người nông dân, ngân hàng, công ty cung cấp phân bón, doanh nghiệp thu mua cà phê để tạo sự gắn kết chặt chẽ trong chuỗi sản xuất.

Ông Đinh Văn Tiến- Trưởng chi nhánh Doanh nghiệp cà phê Minh Tiến tại tỉnh Quảng Trị cho biết: “Chúng tôi thu mua từ các nhóm trồng cà phê được 20 tấn/ngày, với giá dao động trả cho bà con từ 6.000- 8.000 đồng/kg, tùy thuộc vào độ chín của quả cà phê”.

Nhằm tránh cho người nông dân tránh được rủi ro về biến động thị trường phân bón, Viện Mekong còn giúp cho nhóm sản xuất cà phê có thể làm thủ tục vay vốn ở ngân hàng với lãi suất từ 0.54%-0,58%/năm. Hiện tại, đã có 9 nhóm tham gia mô hình vay vốn từ Chi nhánh ngân hàng Agribank huyện Hướng Hóa, để mua phân bón của Công ty Cổ phần Bình Điền, với số lượng tính đến tháng 8/2017 là 422 tấn, giúp tiết kiệm được 1.400.000 đồng/tấn so với việc mua tại đại lý.

Tiến sĩ Watcharas Leelawath – Giám đốc Viện Mekong cho biết, dự án đã đạt những thành công ban đầu trong việc hỗ trợ tăng thu nhập và nhận thức cho người trồng cà phê. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và tăng trưởng toàn diện trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây./.

Với sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác Phát triển Thụy Sỹ (SDC) và sự đồng thuận của Chính phủ các quốc gia và Chính quyền địa phương các tỉnh dọc theo tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây, Viện Mekong đã triển khai Dự án “Nâng cao năng lực hướng tới phát triển toàn diện và bình đẳng Tiểu vùng Sông Mekong” từ năm 2013 trên địa bàn của các tỉnh Quảng Trị (Việt Nam), Savannakhet, Khammouane (Lào), Nakhon Phanom, Tak (Thái Lan) và bang Kayin (Myanmar). Dự án bắt đầu triển khai giai đoạn 1 ở tỉnh Quảng Trị từ tháng 3/2013 đến 7/2017 và giai đoạn 2 từ tháng 8/2017 đến 7/2019.
Bài: Ngân Hà – Ảnh: Việt Cường, TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu