Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 23/11/2024 10:17 (GMT +7)
Về thăm thương binh nặng ở xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa
Thứ 5, 25/07/2024 | 10:45:53 [GMT +7] A A
Chiến tranh đã qua đi, đất nước hòa bình, nhưng những đau thương mất mát mà chiến tranh để lại thì không gì bù đắp được đối với những những thương binh và thân nhân các anh hùng liệt sĩ. Chính sự quan tâm, thăm hỏi động viên cùng những chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các gia đình chính sách không chỉ góp phần xoa dịu nổi đau, mà còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.
Các cô chú thương binh nặng, thương tật trên 81% sống tập trung ở Ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa vẫn nhớ như in những năm tháng tham gia kháng chiến, đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, mong muốn thống nhất đất nước vì cuộc sống hòa bình, độc lập dân tộc.
Ông Phạm Văn Liền - Ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa nói: “Qua 12 năm tham gia kháng chiến, trận đánh gay go nhất là trận Đức Lập 2, trận đó pháo sáng bắn hai, ba chục trái, chúng tôi vừa bắn vừa né, lúc đó anh em hi sinh và bị thương vài chục người”
Trước đây khu vực này có 17 cô chú thương binh sinh sống gần nhau, chủ yếu thương binh hạng 1/4 nhưng vì lí do sức khỏe, có 6 cô chú đã mất hiện nay còn 11 cô chú thương binh.
Vào những ngày lễ tết trong năm, đặc biệt là trong những ngày tháng 7 này, tại nhà chú Phạm Văn Liền luôn nhộn nhịp. Bởi đây là nơi các cô, chú thương binh thường tụ họp, ôn lại kỷ niệm xưa, một thời là những người hùng trong sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc.
“Trở về địa phương khi cơ thể không còn lành lặn, ở đây chúng tôi được địa phương, tỉnh, huyện rất quan tâm, đặc biệt vào dịp lễ, tết, nhất là kỷ niệm ngày thương binh, liệt sĩ , chúng tôi tập trung về nhà anh Liền rất là vui vẻ”, ông Hồ Ngọc Châu - Ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa chia sẻ.
Theo bà Mai Thị Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, thời gian qua, địa phương đặc biệt quan tâm về vật chất, tinh thần để làm sao các cô chú có cuộc sống thật thoải mái. Hàng năm, không chỉ có sự quan tâm của địa phương mà ở tỉnh, huyện, ban ngành, doanh nghiệp cũng dành nhiều tình cảm quan tâm đến các cô chú và trao tặng nhiều phần quà nhằm động viên tinh thần cho các cô chú sống vui, sống khỏe.
Trải qua các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, trên địa bàn huyện Thủ Thừa hiện có gần 1.300 liệt sĩ và trên 3 ngàn đối tượng chính sách, có 263 Mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, hiện còn sống 4 Mẹ. Phát huy truyền thống tốt đẹp uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, hàng năm huyện Thủ Thừa duy trì tổ chức nhiều hoạt động thăm, tặng quà nhằm tri ân công lao to lớn của thương binh và gia đình liệt sĩ.
Trở về với cuộc sống thời bình, tuy trên người mang nhiều thương tật nhưng những người lính năm ấy vẫn luôn lạc quan, yêu đời, vượt qua khó khăn xây dựng gia đình hạnh phúc. Những chiến công vẻ vang đó vẫn luôn là những kỷ niệm để các cô chú cùng nhau nhớ lại và xem đây là niềm tự hào khi đã từng chiến đấu hết mình vì sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc, xứng danh bộ đội cụ Hồ.
Mộng Đào – Trung Hiếu
Ý kiến ()