Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhìn chung kinh tế xã hội 5 tháng qua cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất có xu hướng giảm, thị trường ngoại tệ ổn định, thu hút FDI tích cực; lao động, việc làm, phúc lợi xã hội và các lĩnh vực xã hội khác được quan tâm và có kết quả nhất định; an ninh chính trị và trật tự xã hội được đảm bảo; đảm bảo trật tự an toàn giao thông có chuyển biến.
Điểm sáng rõ nét nhất của kinh tế 5 tháng qua chính là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, khi vốn thực hiện đạt 5,8 tỷ USD, vốn đăng ký gần 10,2 tỷ USD. Những tháng đầu năm cũng đã có 44.740 DN mới thành lập, vốn đăng ký là gần 350.000 tỷ đồng. Mặt bằng lãi suất cho vay vừa qua đã giảm 0,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn và điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn xuống 10%/năm đối với một số lĩnh vực ưu tiên.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế – xã hội vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Chỉ số giá tiêu dùng tăng liên tục, hết tháng 5 tăng 1,88% so với tháng 12 năm ngoái và đang có một số yếu tố có thể tác động như giá dầu thô, giá lương thực thế giới tăng. Nếu lạm phát tăng cao thì sẽ khó giảm lãi suất cho vay để kích thích sản xuất và tăng trưởng kinh tế.
Thu ngân sách đạt thấp hơn cùng kỳ ngăm ngoái, ước đạt trên 396.000 tỷ đồng, bằng hơn 39% dự toán; chi ngân sách đạt 466.000 tỷ đồng, bằng trên 36% dự toán. Trong khi đó, sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản còn gặp khó khăn do hậu quả hạn hán, mặn xâm nhập.
Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam đạt 4 triệu lượt, tăng so với cùng kỳ nhưng lại đang có xu hướng giảm. Trong khi đó, yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng là xuất khẩu, thì 5 tháng qua mới đạt gần 68 tỷ USD, tuy tăng so với cùng kỳ nhưng lại thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra.
Kết luận tại phiên họp, Thủ tướng một lần nữa khẳng định Chính phủ quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ về tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và các nhiệm vụ khác như Nghị quyết Quốc hội đề ra. Tuy còn khó khăn, nhưng nền kinh tế vẫn có nhiều điểm sáng tích cực, như ví dụ sản xuất công nghiệp tăng thấp hơn không nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ số quản trị mua hàng tăng liên tục trên 50% trong 3 tháng liên tiếp; tín dụng tăng cả ngắn hạn và dài hạn; tỷ giá, lãi suất tốt. Thủ tướng cũng công khai Chính phủ đã mua thêm thêm 8 tỷ USD, nâng tổng dự trữ ngoại tệ lên 38 tỷ USD.
Điểm sáng lớn theo người đứng đầu Chính phủ là vốn đầu tư FDI tăng trưởng quan trọng. Vốn đăng ký mới đã cấp tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu có xu hướng tăng, một số thị trường mới thực hiện FTA có xu hướng tốt.
Về các giải pháp từ nay đến cuối năm, Thủ tướng nhấn mạnh giải pháp đầu tiên là tăng cường kiểm soát lạm phát, dự báo được các kịch bản về giá dầu, dịch vụ, y tế, một số mặt hàng căn bản. Tinh thần là không được chủ quan với lạm phát. Cả năm cố gắng không để lạm phát vượt 5%, thậm chí có thể giữ ở mức 4,5%.
Vấn đề quan trọng là điều hành giá các dịch vụ mà nhà nước quyết định giá. Một loạt các mặt hàng quan trọng sẽ không tăng giá trong năm nay như giá điện, phí BOT, ổn định giá xăng dầu, không tăng giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi…
Để thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng cho rằng phải khơi thông những tiềm năng. Trong đó, trước tiên các Bộ trưởng công bố rõ lộ trình thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo tiêu chuẩn ASEAN 4, nếu bộ phận nào không thực hiện đúng phải xử lý nghiêm người đứng đầu. Đây là biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn: “Phải đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư, vốn ngân sách, vốn ODA. Chúng ta mới giải ngân 20% tổng vốn ngân sách Nhà nước là một khuyết điểm. Cho nên các Bộ, các địa phương phải xử lý ngay thủ tục để đẩy nhanh giải ngân vốn, tinh thần là hậu kiểm. Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước thực hiện dự án. Không chấp nhận tình trạng đầu tư đã có tiền mà không giải ngân được”.
“Tôi đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét thủ tục giải ngân, thanh toán, báo cáo Thủ tướng ngay trong tháng 6 này. Chúng ta còn 22 tỷ USD chưa được giải quyết các thủ tục và giải ngân. Đây là số tiền rất lớn. Muốn tăng trưởng thì phải giải ngân” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng cho biết đã quyết định thành lập tổ công tác do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đứng đầu, kiểm tra đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn từ ngân sách, vốn thực hiện các chương trình mục tiêu, vốn ODA.
Bên cạnh đó, cũng để thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu huy động nguồn lực trong dân, đô la, vàng, ngoại hối gửi về từ 10 đến 14 tỷ USD. Khuyến khích gửi ngoại tệ để huy động nguồn lực này. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các bộ ngành, đề xuất cơ chế huy động nguồn lực này trong dân, không chỉ năm nay mà những năm tiếp theo.
Đối với vấn đề hạ lãi suất, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục giảm lãi suất cho vay gắn với xử lý nợ xấu. Thực tế một số nước trong khu vực lãi suất cho vay rất thấp, trong khi doanh nghiệp Việt Nam vay lãi suất cao, là gánh nặng cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt Nam vẫn hụt hơi là do chi phí vốn, chi phí không chính thức, do thủ tục và rào cản. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo NHNN tiếp tục giải pháp giảm lãi suất gắn với giải quyết nợ xấu. Nếu cần cơ chế pháp lý, nguồn lực, công cụ thị trường, thì báo cáo Chính phủ để có hướng xử lý.
Thủ tướng cũng nêu lên yêu cầu cấp thiết hiện nay là ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, coi đây là động lực tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng. Bởi hiện nước ta trên 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu không có biện pháp hỗ trợ họ thì khó khăn. Thủ tướng giao Giao Bộ Kế hoạc và Đầu tư chủ trì xây dựng Luật này.
Thủ tướng cũng giao Bộ Nội vụ chủ trì trình sớm đề án xã hội hóa đơn vị sự nghiệp công lập. Vì tổng số biên chế phải trả lương là 2,7 triệu người, nhưng biên chế công chức hành chính chỉ khoảng hơn 500.000, còn hơn 2 triệu là các đơn vị sự nghiệp công lập. Nếu xã hội hóa được, thì tiết kiệm được ngân sách và biên chế lớn. Đó là nguồn quan trọng trả lương thỏa đáng cho công chức.
Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp gắn với với đổi mới sáng tạo, nhất là thế hệ trẻ. Thủ tướng đề nghị Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, phát động cao trào khởi nghiệp trong sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng.
Về giải pháp dài hạn trong lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc thiết kế một chương trình tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện, tạo nền nông nghiệp giá trị cao, gia tăng lớn, có sức cạnh tranh, cải thiện đời sống nhân dân, thích ứng khí hậu Việt Nam./.
Ý kiến ()