Phiên họp toàn thể Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục-đào tạo và Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2011-2015 (ảnh: Nhật Bắc) |
Sáng 5/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp toàn thể Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục-đào tạo và Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2011-2015. Phiên họp tập trung thảo luận nhiều vấn đề chiến lược liên quan đến đổi mới hệ thống giáo dục quốc dân và xây dựng khung trình độ quốc gia. Tham dự phiên họp có ông Đinh Thế Huynh, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục.
Đề xuất điều chỉnh khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng đảm bảo tính thống nhất, liên thông, liên kết, đơn giản hóa các luồng di chuyển của người học trong hệ thống, tạo điều kiện cho người học có thể dễ dàng tham gia học tập suốt đời. Trong đó, bên cạnh trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất có thêm trung học kỹ thuật (3 năm) có thể liên thông lên đại học; giáo dục nghề nghiệp từ sơ cấp, trung cấp nghề liên thông lên cao đẳng và tiếp tục liên thông đại học định hướng ứng dụng. Người học đại học ứng dụng có thể chuyển đổi sang học các chương trình đại học định hướng nguyên cứu với điều kiện rằng buộc nhất định và ngược lại…
Đối với xây dựng khung trình độ quốc gia nhằm mục đích chuẩn hóa hệ thống giáo dục, góp phần thúc đẩy hợp tác về giáo dục và công nhận trình độ người lao động lẫn nhau giữa các quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Trên cơ sở xây dựng cơ bản phù hợp với khung tham chiếu trình độ ASEAN, khung trình độ quốc gia đề xuất tại phiên họp gồm 8 bậc, mỗi bậc trình độ đều có chuẩn đầu ra, khối lượng học tập tích lũy cũng như văn bằng…
Các ý kiến tại phiên họp tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến tăng cường liên thông mọi cấp học; đề xuất tái lập mô hình trường trung học kỹ thuật trong cơ cấu hệ thống giáo dục để linh hoạt phân luồng sau trung học cơ sở; vị trí, mục tiêu đào tạo cao đẳng trong cơ cấu hệ thống giáo dục; thời gian và văn bằng đào tạo ngành y theo hướng thống nhất với các ngành đào tạo khác, đồng thời chú trọng phát triển đào tạo y học cổ truyền. Các ý kiến cũng đánh giá kết quả bước đầu triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cũng như kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vừa qua…
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: giáo dục đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chính phủ đã nghiêm túc chấp hành Nghị quyết của trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, xây dựng và ban hành chương trình, kế hoạch hành động từ Chính phủ đến các bộ, ngành liên quan.
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục lấy ý kiến của các hội, tổ chức liên quan, tiếp thu trình độ giáo dục tiên tiến của các quốc gia và các tổ chức quốc tế để hoàn thiện khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng tăng cường tính liên thông, tạo cơ hội để người học có thể dễ dàng tham gia học tập suốt đời gắn với hoàn thiện khung trình độ quốc gia.
Thủ tướng nhấn mạnh: Sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, liên quan gần như tất cả mọi người dân và mọi gia đình. Chính vì vậy, hệ thống giáo dục và khung trình độ quốc gia khi xây dựng, trình phê duyệt và ban hành triển khai phải tạo được sự đồng thuận của toàn dân trên cơ sở bám sát Nghị quyết của Trung ương Đảng, đúc kết từ thực tiễn và tiếp thu hợp lý, hiệu quả với xu thế chung của thế giới…
Thủ tướng kết luận phiên họp (ảnh: Nhật Bắc)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ: Đổi mới chương trình gắn với sách giáo khoa giáo dục phổ thông là hai lĩnh vực không thể tách rời nên phải hoàn thiện đề án và kế hoạch triển khai sát với thực tế, phù hợp với thực tiễn đất nước.
Liên quan đến kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vừa qua, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe ý kiến nhân dân và các địa phương, các trường, nhất là vấn đề tuyển sinh và phát huy quyền làm chủ của các trường để có đánh giá tổng thể cả những mặt tích cực và hạn chế gắn với các biện pháp khắc phục. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất phương án tốt nhất, hiệu quả nhất tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia trong thời gian tới./.
Bài liên quan
- Góp ý ĐH Đảng XII: Không tính được đầu ra, sản phẩm giáo dục “ế ẩm”?
- Giáo dục thế hệ trẻ, người đi trước phải gương mẫu trong ‘nói và làm’
- Góp ý văn kiện Đảng: Đầu tư cho giáo dục phải xứng tầm quốc sách
- Giáo dục bây giờ, khó để tìm ra học sinh ‘không giỏi’!
- GS Việt tại Hàn: Thực trạng nền giáo dục Việt Nam chưa được làm rõ
Chú chó chơi bida như vận động viên chuyên nghiệp
Ý kiến ()