Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 24/11/2024 20:09 (GMT +7)
Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ
Thứ 2, 15/07/2024 | 11:54:36 [GMT +7] A A
VOV.VN - Sáng 15/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ (Ban Chỉ đạo) chủ trì phiên họp thứ tám của Ban Chỉ đạo. Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu trụ sở Chính phủ tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phiên họp tập trung đánh giá kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2024; thảo luận phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính những tháng cuối năm 2024 và những giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính thời gian tới.
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước đã xác định cải cách hành chính là một trong 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược; xây dựng nền hành chính theo hướng dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân.
Quan điểm là cải cách hành chính phải luôn lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, làm trung tâm; phải được triển khai đồng bộ với cải cách lập pháp, cải cách tư pháp và đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo Thủ tướng, thời gian qua, công tác cải cách hành chính đã được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, tổ chức thực hiện quyết liệt và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư và thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng thẳng thắn, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cần thừa nhận cải cách hành chính là quá trình liên tục và còn gặp nhiều rào cản, bất cập cần kịp thời khắc phục để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đáp ứng mong đợi của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Trong đó thủ tục hành chính còn rườm rà, có nơi thực hiện chưa nghiêm, gây phiền hà, bức xúc; bộ máy tổ chức còn nhiều tầng nấc, hoạt động chưa thực sự hiệu quả; tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm vẫn diễn ra.
“Những tồn tại, hạn chế đó cần sớm khắc phục để mau chóng khơi thông và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phục hồi, phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay”, Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng yêu cầu các đại biểu dự Phiên họp tập trung đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong cải cách hành chính, nhất là những nhiệm vụ đã đề ra trong Phiên họp lần thứ 7; xác định nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và thảo luận, thống nhất những nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới để khắc phục, khơi thông những điểm nghẽn, ách tắc và nâng cao hiệu quả của công tác này, với phương châm phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả”.
Theo Ban Chỉ đạo, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyệt liệt của Chính phủ, Thủ tướng cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp; việc rà soát, xử lý vướng mắc, bất cập về cải cách hành chính đã được tích cực triển khai thực hiện, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Nhiều chỉ số của Việt Nam được thăng hạng, trong đó xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc, xếp thứ 106 trong bộ chỉ số tự do kinh doanh thế giới, tăng 4 bậc so với năm 2022; xếp thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 02 bậc so với năm 2022.
Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được quan tâm. Chính phủ, Thủ tướng đã dành thời gian lắng nghe, tiếp xúc với người dân, cộng đồng doanh nghiệp để chỉ đạo nghiên cứu, xử lý những phản ánh kiến nghị về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính.
Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và hoàn thiện quy định về vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, cải cách chính sách tiền lương tiếp tục có chuyển biến rõ nét, đạt được những kết quả tích cực. Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, từng bước có những kết quả cụ thể.
Vũ Khuyên/VOV
Ý kiến ()