4
6
Khoa học và Công nghệ/
/khoa-hoc-va-cong-nghe
29485
29485
Thủ tướng khảo sát công nghệ điện-rác “made in Việt Nam” ở Hà Nam
thu-tuong-khao-sat-cong-nghe-dien-rac-made-in-viet-nam-o-ha-nam
news
Long An| 30°C / 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 22:45 (GMT +7)

Thủ tướng khảo sát công nghệ điện-rác “made in Việt Nam” ở Hà Nam

Thứ 7, 18/03/2017 | 18:43:00 [GMT +7] A  A

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thị sát, tìm hiểu về công nghệ điện rác Việt Nam. (Ảnh:Thống Nhất/TTXVN)

Sáng 18/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo một số bộ, ngành đã tới khảo sát mô hình công nghệ điện từ rác (WTE) – một sáng chế hoàn toàn “made in Việt Nam” đang được ứng dụng thành công tại Khu Công nghiệp Đồng Văn 2, tỉnh Hà Nam.

Đơn vị phát minh, theo đuổi công nghệ này là Công ty Trách nhiệm hữu hạn thủy lực máy (HMC).

Về nguyên lý của sáng chế này, nguồn rác thải sẽ được chuyển vào làm nhiên liệu qua phương pháp khí hóa thiếu ôxy để tạo ra khí tổng hợp (syngas) làm nhiên liệu chạy máy phát điện.

Theo đơn vị nghiên cứu, đây là một phát minh có tính đột phá vượt trội và độc đáo trên thế giới.

Kỹ sư Nguyễn Gia Long, Giám đốc HMC – tác giả của mô hình điện rác WTE cho biết điểm độc đáo của công nghệ này là khả năng xử lý rác hỗn tạp, không phân loại đặc thù, đầu nguồn, không cần chôn lấp; không xả thải ra môi trường và tạo ra nguồn năng lượng xanh điện năng qua máy phát điện…

Mô hình sản xuất điện này có quy trình công nghệ tách riêng biệt rác thành loại rác hữu cơ và rác xơ, trong suốt quá trình, chuyển hóa, xử lý không còn rác thứ cấp. Sản phẩm rất phù hợp với xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo trên thế giới và trong nước hiện nay.

Ngoài ra, một số tính năng vượt trội khác của công nghệ điện rác WTE còn là: tỷ lệ tự động hóa trên dây chuyền phân loại rác cao nên sử dụng ít lao động, giảm số lao động bị phơi nhiễm độc hại, hiệu suất phát điện cao, điện tiêu thụ cho dây chuyền thấp, phần điện thương phẩm còn lại có thể giúp cải thiện hiệu quả, chi phí đầu tư.

Việc vận hành và bảo dưỡng công nghệ này phù hợp với khả năng chi trả của nền kinh tế Việt Nam, nhờ đó có tính thương mại hóa rất khả thi.

Vừa qua, công nghệ WTE đã được tiến hành khảo nghiệm thành công từ 21/9/2016 đến nay dưới sự phối hợp của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng ​Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam, thu được kết quả rất tốt.

Trong đợt khảo nghiệm này, Nhà máy đã xử lý sạch 208 tấn rác thải rắn không phân loại; phát điện thắp sáng cho toàn bộ hệ thống chiếu sáng của Khu Công nghiệp Đồng Văn, Hà Nam, ổn định liên tục trong 10 ngày.

Trung tâm Quan trắc môi trường thuộc Tổng cục Môi trường đã tiến hành đo kiểm bằng thiết bị tiên tiên nhất của Hoa Kỳ và cho kết quả chất lượng khí thải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn Việt Nam, đồng thời là tiêu chuẩn khí thải của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tại buổi làm việc, kỹ sư Nguyễn Gia Long bày tỏ mong muốn Chính phủ có biện pháp hỗ trợ, bảo đảm quyền sáng chế cho công nghệ WTE, sớm đưa vào ứng dụng rộng rãi và đồng thời tạo hàng rào pháp lý cần thiết để bảo vệ công nghệ này trên thế giới.

Ông Long cũng đề nghị Chính phủ có cơ chế chính sách ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp và địa phương có nhu cầu sử dụng WTE để chuyển hóa chất thải rắn thành điện năng; chỉ đạo Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ việc đấu nối hệ thống này lên lưới điện quốc gia.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, xử lý rác thải là một vấn đề khá bức xúc ở Việt Nam với trung bình 23 triệu tấn chất thải rắn/ngày được xử lý tại hơn 500 bãi chôn lấp, nhưng chỉ có 26 bãi chôn lấp trong số đó có khả năng phân loại, tái tạo rác.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng công nghệ WTE của HMC cần tiếp tục được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng hơn về các tiêu chuẩn môi trường, đặc biệt là tiêu chuẩn sau thu gom nước thải để xử lý các thành phần kèm theo.

Nếu giải pháp này thỏa mãn các tiêu chí, tiêu chuẩn về môi trường thì khi được ứng dụng rộng rãi sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang lại nguồn lợi kinh tế và môi trường lớn cho đất nước.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương tinh thần dám nghĩ, dám làm và lòng quyết tâm, hành trình miệt mài 16 năm của kỹ sư Nguyễn Gia Long và đội ngũ nghiên cứu HMC trong việc sáng chế, thử nghiệm công nghệ điện rác WTE.

Thủ tướng cũng đánh giá cao các bộ, ngành liên quan và ​Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam đã tích cực ủng hộ, hỗ trợ cho sản phẩm công nghệ WTE – một sáng chế rất có giá trị của các nhà khoa học, đội ngũ kỹ sư Việt Nam, rất xứng đáng được tuyên dương, khuyến khích.

Nhấn mạnh đến khó khăn trong việc xử lý chất thải rắn, bảo vệ môi trường trên địa bàn cả nước, Thủ tướng cho rằng, công nghệ WTE không chỉ giải quyết được bài toán môi trường trong xử lý chất thải mà còn đáp ứng mong đợi của nhân dân trong việc tạo ra nguồn năng lượng, sản xuất điện.

Đề nghị các bộ, ngành tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ quá trình hoàn thiện công nghệ đặc biệt này, bởi đây là kết quả tốt của việc đưa lý thuyết vào cuộc sống, Thủ tướng cũng đề nghị cần tránh tình trạng Nhà nước phải bỏ ra hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng để nghiên cứu nhưng các đề tài, đề án đó vẫn chỉ để trong hộc bàn, chưa đưa vào sản xuất được.

Thủ tướng cũng lưu ý không tạo ra hình thức độc quyền trong nghiên cứu các quy trình công nghệ mà để người dân và đất nước có quyền so sánh, lựa chọn những sản phẩm khoa học công nghệ trên cơ sở các tiêu chí sạch, rẻ, tính cạnh tranh cao để sử dụng vì mục đích chung đem lại lợi ích cho đất nước và xã hội, nhất là vấn đề xử lý chất thải rắn – một bài toán chưa có lời giải ở Việt Nam.

Thủ tướng đặt lại vấn đề làm sao sử dụng tiền thuế của dân hiệu quả nhất, tránh để tình trạng Nhà nước tốn kém quá nhiều tiền nhưng việc chôn lấp bãi rác vẫn gây ra bức xúc cho nhân dân ở nhiều nơi trong cả nước.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và tỉnh Hà Nam tiếp tục tạo điều kiện để HMC sớm hoàn thiện quy trình công nghệ, từ đó triển khai ứng dụng thương mại rộng rãi, tham gia vào quá trình xử lý rác thải của đất nước.

Thủ tướng gợi ý tỉnh Hà Nam xem xét có thể giao cho HMC xử lý thử nghiệm một phần rác thải của tỉnh trong ​một tháng, tính theo giá hiện hành.

Quá trình đó, các bộ liên quan, tỉnh Hà Nam có thể cử cán bộ theo dõi thường xuyên tại nhà máy để theo dõi, đánh giá; so sánh chi phí xử lý giữa chôn lấp và tạo năng lượng từ rác để có đánh giá chi tiết hiệu quả kinh tế của công nghệ này.

Thủ tướng giao cho Bộ khoa học và Công nghệ tiếp tục hướng dẫn công ty hoàn thành quy trình công nhận, công bố tiêu chuẩn công nghệ điện rác theo đúng quy định; chú ý đến việc bảo vệ bản quyền vì đây là một sản phẩm khoa học công nghệ mới trên thế giới.

Bộ Công Thương và EVN thẩm định cụ thể về mặt kỹ thuật, khả năng kết nối, sự ổn định, chất lượng và lượng điện năng từ công nghệ WTE để đánh giá khả năng đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Nếu khả thi về kỹ thuật thì hướng dẫn công ty lập thủ tục đấu nối vào lưới điện quốc gia theo quy định và đưa vào danh mục hàng trong nước sản xuất được.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá hiệu quả kinh tế-xã hội; đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn, sản xuất điện năng sao cho phù hợp, hiệu quả trên tinh thần bảo vệ sản xuất trong nước.

Thủ tướng cũng bày tỏ hy vọng kỹ sư Nguyễn Gia Long cùng đội ngũ cán bộ HMC tập trung dành thời gian hoàn thiện quy trình công nghệ, phấn đấu nâng cao công suất trên mức 0,5MW như hiện nay; xây dựng, hoàn tất hồ sơ, thủ tục để sớm ứng dụng thương mại rộng rãi công nghệ độc đáo này phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước./.

Quang Vũ-Thanh Tuấn (TTXVN/Vietnam )

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu