Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 29/11/2024 20:21 (GMT +7)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với nông dân miền Trung – Tây Nguyên
Thứ 3, 29/09/2020 | 13:12:00 [GMT +7] A A
Chiều 28/9, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi đối thoại với nông dân khu vực miền Trung – Tây Nguyên để giải đáp và hoàn thiện chính sách nhằm tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn miền Trung – Tây Nguyên cất cánh. Đây là lần thứ 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đối thoại với nông dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Với chủ đề: “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”, Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp tổ chức.
Tham dự hội nghị có khoảng hơn 400 đại biểu, gồm: Lãnh đạo các bộ, ngành liên quan; Hội Nông dân các tỉnh, thành phố; các chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và hơn 300 nông dân xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho hơn 14 triệu hộ nông dân của cả nước.
Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 4/2018 tại tỉnh Hải Dương với sự tham dự của 800 đại biểu, nông dân có chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc; khơi dòng động lực; tiếp đà 30 năm đổi mới”. Hội nghị đối thoại lần thứ 2 diễn ra vào tháng 12/2019 ở thành phố Cần Thơ với sự tham dự của 600 đại biểu, nông dân. Dự kiến sau Hội nghị đối thoại lần thứ 3 này, nhiều chính sách lớn để phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, nhất là khu vực miền Trung- Tây Nguyên sẽ được Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành tập trung triển khai, xây dựng để cụ thể hóa vào thực tiễn đời sống.
Một tầng lớp nông dân mới đã xuất hiện
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với nông dân. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Phát biểu tại buổi đối thoại, với mong muốn được nghe tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của bà con nông dân khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vị thế đặc biệt quan trọng; là trụ đỡ của nền kinh tế qua mọi thời kỳ phát triển của đất nước từ kháng chiến, xây dựng đất nước và ngay cả cuộc chiến phòng, chống COVID-19. Nông nghiệp cũng giải quyết số lượng việc làm rất lớn; đồng thời đóng góp tích cực vào xuất khẩu.
Thủ tướng cho biết, năm 2020, xuất khẩu từ nông nghiệp có thể đạt 42 tỷ USD, đưa Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực này. Thủ tướng cũng đề cập đến thành tựu trong xây dựng nông thôn mới và vui mừng cho biết, một tầng lớp nông dân mới với tư duy mới, năng lực sản xuất cao đã xuất hiện; đời sống người nông dân ngày càng đảm bảo; số hộ thiếu đói giảm 75%.
Đảng, Nhà nước vẫn trăn trở về những khó khăn của nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Thủ tướng nói và chỉ rõ những vấn đề cần quan tâm cải thiện trong thời gian tới như thị trường, công nghiệp chế biến; vốn cho sản xuất nông nghiệp còn khó khăn và những vấn đề như phân bón, thuốc trừ sâu…
Đại biểu nông dân dự hội nghị đặt câu hỏi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Là người đầu tiên đặt câu hỏi, nông dân Đỗ Quý Toán, ở thôn Tân Lập, xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk quan tâm đến những giải pháp của Chính phủ nhằm tận dụng cơ hội xuất khẩu cà phê theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu với thuế suất 0%. Ông Toán cũng mong muốn được biết giải pháp của Chính phủ nhằm định hướng giúp nông dân xác định cây trồng chủ lực của Tây Nguyên trong bối cảnh giá cà phê xuống rất thấp?
Trả lời các câu hỏi này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cà phê là sản phẩm chủ lực chiến lược của Việt Nam, cà phê Việt Nam có chất lượng rất tốt, được thế giới đánh giá cao. Cà phê Tây Nguyên là thương hiệu quý, vì vậy, cần tiếp tục duy trì và quy hoạch vùng trồng phù hợp.
Cùng với đó là không được tiếp tục phá rừng rừng tự nhiên trồng cà phê; nâng cao quy hoạch chất lượng trồng cà phê, thâm canh có chất lượng đối với cây cà phê. Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục mở rộng ổn định thị trường, cấp vốn để để tái canh cà phê, nâng cao chất lượng tái canh. Thủ tướng cũng đề cập đến yêu cầu đẩy mạnh chế biến sâu bởi, hiện nay, tỷ lệ chế biến sâu mới đạt 12%, đi đôi với quy hoạch vùng trồng phù hợp.
Đại biểu nông dân dự hội nghị đặt câu hỏi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Nông dân Trần Thị Hoàng Anh, Hợp tác xã mật ong Phương Di, xã Ia Der, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai quan tâm đến những giải pháp của Chính phủ nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng phân bón giả.
Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo “phải điều tra, truy tố nghiêm khắc nhất theo pháp luật hình sự những tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón giả”. Song song với đó là tăng cường quản lý để giám sát từ khâu sản xuất, sử dụng dụng phân bón cùng các vật tư khác.
Các nông dân: Võ Tuấn Tú, thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định và Lê Minh Quyền, ở phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đặt câu hỏi về những giải pháp của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho những người làm nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản trong bối cảnh giá cả giảm, khó tiêu thụ.
Tham gia trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện, Bộ đang xây dựng chiến lược nuôi biển với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 23 triệu tấn. Ngoài nuôi xa, sẽ tập trung nuôi gần với những loài như rong, tảo, rong sụn… Cụ thể, đối với nuôi tôm hùm, phải sản xuất được con giống; giảm đánh bắt tự nhiên.
Thông tin thêm về vấn đề này, Thủ tướng đề cập đến yêu cầu an toàn đối với người làm nghề thủy sản, nhất là trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng mong muốn người nuôi trồng thủy sản nỗ lực cố gắng gỡ thẻ vàng của EU trong khai thác, đánh bắt; không được đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài.
Nông dân Phạm Lê Mạnh, ở xã Ea Riêng, huyện M’drắk, tỉnh Đắk Lắk băn khoăn về việc Tây Nguyên có tới 2 triệu ha đất canh tác nông nghiệp với một loạt nông sản chủ lực, nhưng lại có rất ít nhà máy chế biến nông sản? Về vấn đề này, Thủ tướng nêu rõ, dư địa về phát triển chế biến nông sản của Việt Nam còn rất lớn. Nhà nước sẽ tạo mọi cơ chế, chính sách để kêu gọi các doanh nghiệp tìm kiếm thị trưởng để đầu tư vào chế biến nông sản nhưng muốn phát triển được chế biến nông sản thì không thể sản xuất nhỏ lẻ, manh mún mà chúng ta phải sản xuất có quy hoạch.
Các đại biểu tham dự đối thoại. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Nông dân Nguyễn Sỹ Thanh, ở tổ dân phố Tân Tiến, phường Quang Thành, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đề nghị trả lời về chương trình tín dụng ưu đãi đối với nông dân do đang gặp khó khăn về giá cả, dịch bệnh trong chăn nuôi, trồng trọt? Ông Thanh cũng băn khoăn trước thực trạng tại khu vực Tây Nguyên có ít điểm ATM và khi sử dụng thì chịu nhiều loại phí. Điều này ảnh hưởng đến việc thực thi chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt.
Tham gia trả lời câu hỏi này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai chương trình tái canh cà phê, quy mô dự án dành nguồn vốn lên tới 12.000 tỷ đồng, dành riêng tái canh cà phê cho 5 tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn, mất tới 5-7 năm do những vướng mắc cả về chính sách, tâm lý ngại thay đổi của nông dân.
Về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại nông thôn, đầu năm 2020, Chính phủ đã ban hành chính sách phát triển tài chính toàn diện, trong đó có thanh toán không dùng tiền mặt. Cách đây 1 tháng, đã triển khai dịch vụ Mobile Banking. Đây là những phương thức rất thuận lợi cho người dân. Bởi không cần ATM hay phòng giao dịch ngân hàng… người dân vẫn có thể thanh toán nếu có sử dụng điện thoại thông minh…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian trưng bày nông sản tại hội nghị
. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Đối thoại là một kênh thông tin quan trọng giúp Chính phủ hoàn thiện chính sách
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh buổi đối thoại là một kênh thông tin quan trọng để giúp Chính phủ hoàn thiện chính sách về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Quan điểm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Đảng, Nhà nước ta là phát triển một cách mạnh mẽ, toàn diện. Có được bức tranh tam nông như ngày hôm nay là có sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt có sự đóng góp rất lớn của hơn 10,2 triệu hộ nông dân Việt Nam.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoanh nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, các nhà khoa học luôn phối hợp chung vai sát cánh cùng nông dân, thực hiện tốt mối liên kết 6 nhà. Đặc biệt là nông nghiệp năm nay còn tăng trưởng cao hơn năm ngoái, đạt 2,6% trong khi năm ngoái là 2,1%; không chỉ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn đóng góp nhiều sản phẩm cho xuất khẩu.
Đặc biệt, năm nay dịch bệnh phức tạp nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời để khắc phục và tổ chức khôi phục sản xuất. Hay như năm 2019 – 2020, hạn mặn lớn như thế, xâm nhập sâu vào vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nhưng thiệt hại chỉ trên 2% so với năm trước, đó là do chúng ta chủ động thực hiện dự báo và có các giải pháp hiệu quả.
“Thách thức càng lớn, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với tam nông ngày càng mạnh mẽ, cũng như quyết tâm của người nông dân càng cao”, Thủ tướng nói và nêu rõ, cả nước còn 65% dân số sống ở vùng nông thôn. Nhiệm vụ phát triển nông thôn văn minh, hiện đại, đời sống bà con ấm no hạnh phúc chính là quan điểm chủ đạo của Đảng và Nhà nước; tiến trình đô thị hoá, xây dựng nông thôn mới phải theo hướng phát triển bền vững, hài hoà theo nền kinh tế thị trường.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho các nông dân tham gia đối thoại.
Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Thủ tướng khẳng định, khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường, cũng chính là khát vọng của những người nông dân Việt Nam. Mục tiêu của chúng ta trong giai đoạn tới là thúc đẩy, giúp nông dân tăng thu nhập. Hiện nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam dù đứng đầu thế giới, như cà phê, hồ tiêu, cao su, gạo, chè…, nhưng vẫn xuất thô nhiều, hàm lượng chế biến thấp. Đây là điểm yếu, nhưng cũng là cơ hội để chúng ta phát triển, đẩy mạnh chế biến các mặt hàng nông sản chủ lực.
“Nông nghiệp là mỏ vàng, nhưng nếu không biết khai thác thì mỏ vàng cũng bị cạn kiệt”, Thủ tướng nói và chỉ đạo cần gắn với phát triển đa dạng sinh thái, tài nguyên đất, tài nguyên rừng, đặc biệt là bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh đến quan điểm xuyên suốt trong chiến lược tái cơ cấu nông nghiệp chính là thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiện đại, cách mạng 4.0, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc áp dụng robot, máy bay không người lái, Big data, internet vạn vật…
*Ngay sau hội nghị đối thoại với nông dân miền Trung – Tây Nguyên, chiều tối 28/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đắk Lắk – địa phương nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, giữ được tốc độ tăng trưởng tốt trong bối cảnh khó khăn từ dịch bệnh COVID-19.
Theo báo cáo của địa phương, GRDP 9 tháng đầu năm 2020 của Đắk Lắk ước đạt 39.494 tỷ đồng, tăng khoảng 8,67% so với năm 2019. Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung triển khai thực hiện, phấn đấu đến hết năm 2020 có 61/152 xã đạt chuẩn, tăng 9 xã so với năm ngoái. Tổng thu ngân sách tại địa phương đạt 5.632 tỷ đồng, đạt 88,9% dự toán trung ương giao, tăng 14,02% so với cùng kỳ.
Về giải ngân vốn đầu tư công, số vốn theo kế hoạch năm 2019 kéo dài sang năm 2020 đạt 46,45% (dự kiến đến hết 30/9 đạt trên 60%). Số vốn theo kế hoạch năm 2020 đã đạt giải ngân 45,98% (dự kiến đến hết ngày 30/9 đạt trên 60%, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019).
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Đắk Lắk đã có sự cố gắng lớn, nhiều mặt, liên tục nên đã đạt được nhiều thành tựu trong bối cảnh khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19. Tăng trưởng đạt khá tốt và đang phấn đấu ở mức cao hơn (10,3%) đến hết năm 2020. Thu hút đầu tư được chú trọng cả đầu tư trong và ngoài nước với nhiều nhà đầu tư đăng ký các dự án mới; quốc phòng, an ninh được đảm bảo.
Về công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025 sắp tới, Thủ tướng đề nghị cần làm tốt công tác chuẩn bị nội dung, hoàn thiện các dự thảo văn kiện với quyết tâm chính trị cao nhất; phát huy dân chủ; nghiên cứu kỹ tình hình, đặc thù của địa phương; đoàn kết, quyết tâm; tìm ra hướng phát triển phù hợp nhất cho chính quyền và nhân dân trên địa bàn.
Gợi ý các giải pháp phát triển cho Đắk Lắk, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021 để nâng cao quy mô, chất lượng nền kinh tế; đảm bảo an ninh trật tự; đấu tranh hiệu quả, làm thất bại các âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. Cùng với đó là làm tốt công tác quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, phát huy thế mạnh của địa phương trung tâm vùng Tây Nguyên.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành liên quan nghiên cứu việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối Đắk Lắk với các vùng kinh tế lớn của đất nước; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Bên cạnh đó là phối hợp hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; mở rộng khu vực đô thị và tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới; góp phần cải thiện hơn nữa đời sống của bà con nhân dân trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng đã chứng kiến Lễ trao 100 căn nhà của ngành Ngân hàng cho người nghèo tỉnh Đắk Lắk.
https://baotintuc.vn/chinh-tri/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-doi-thoai-voi-nong-dan-mien-trung-tay-nguyen-20200928194527221.htm
Ý kiến ()