Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 26/11/2024 16:52 (GMT +7)
Thủy triều đỏ, khắc tinh của ngư dân
Thứ 6, 29/04/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Từ hàng ngàn năm nay, đối với ngư dân trên khắp thế giới, thủy triều đỏ luôn đồng nghĩa với thảm họa lớn đe dọa tới việc mưu sinh và thậm chí là tính mạng của họ.
Thủy triều đỏ tại bang California, Mỹ. |
Thủy triều đỏ là gì?
Thủy triều đỏ là hiện tượng tự nhiên hình thành bởi sự tập trung với số lượng lớn loài tảo sản sinh ra chất độc gây hại tới thần kinh các sinh vật biển khiến chúng bị liệt và không thể hô hấp. Điều này dẫn đến cái chết hàng loạt của cá.
Hiện tượng này thường khiến nước chuyển màu đỏ hoặc màu xanh có thể quan sát được bằng mắt thường do vậy cái tên thủy triều đỏ ra đời. Tuy nhiên trên thực tế hiện tượng không gắn liền với thủy triều do vậy các nhà khoa học thường dùng cách gọi là “tảo nở hoa”.
Thủy triều đỏ không phải hiện tượng do tác động của con người. Khi nhiệt độ, độ mặn và chất dinh dưỡng trong nước biển đạt nồng độ nhất định thì việc tảo tập trung tăng mạnh sẽ diễn ra.
Hiện vẫn chưa có sự thống nhất về tổ hợp nhân tố nào dẫn đến thủy triều đỏ nhưng các nhà khoa học cho rằng nó có sự xuất hiện của nhiệt độ cao kết hợp với thiếu gió và mùa mưa. Vẫn chưa có biện pháp để con người can thiệp giải quyết thủy triều đỏ.
Thủy triều đỏ xảy ra trên khắp thế giới và nhiều báo cáo cho thấy tần suất xuất hiện đang ngày càng gia tăng. Theo cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) Trái Đất ấm dần lên có thể là một trong những tác nhân khiến việc trước đây thủy triều đỏ thường xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 7 tới tháng 10 nhưng hiện nay đã ngày càng bành trướng sang các thời điểm khác.
Có 3 loại tảo thường gây ra thủy triều đỏ, đó là Karenia brevia xuất hiện tại Vịnh Mexico, Alexandrium fundyense thường tìm thấy dọc biển Đại Tây Dương và Alexandrium catenella phổ biến tại biển Thái Bình Dương.
Một trường hợp thủy triều đỏ khiến nước có màu xanh. |
Ảnh hưởng tới con người và sinh vật biển
Thủy triều đỏ gây lo ngại không chỉ tới sức khỏe con người và hệ sinh thái mà tới cả nền kinh tế biển. Điển hình như vào năm 2012 nó đã khiến mực ống chết hàng loạt tại bang California, ngoài ra còn tình trạng cá chết hàng loạt ở nhiều nơi khác.
Chim, các loài gia súc và thậm chí là con người tiêu thụ những sinh vật nhiễm độc tố thủy triều đỏ có thể gặp nguy hiểm tới tính mạng. Ví dụ như vào tháng 3/2013 tại bang Florida (Mỹ) thủy triều đỏ đã khiến nhiều con lợn biển chết do ăn cá nhiễm độc.
Hàu, sò cùng các loài sinh vật biển có vỏ khác đều có thể “tích trữ” chất độc của thủy triều đỏ trong mô của chúng. Ngay cả khi thủy triều đỏ kết thúc, chất độc vẫn lưu trong hàu trong hàng tuần thậm chí hàng tháng.
Tiêu thụ sinh vật biển nhiễm chất độc từ thủy triều đỏ sẽ dẫn đến chứng ngộ độc liệt cơ (PSP) có thể gây liệt vĩnh viễn hoặc thậm chí tử vong, bên cạnh đó là độc tố thần kinh (ASP) làm chóng mặt, mất phương hướng.
Chất độc bắt nguồn từ thủy triều đỏ còn khiến không khí trở nên ngột ngạt khó thở đối với con người và đặc biệt nguy hiểm với bệnh nhân bị hen suyễn.
Ý kiến ()