Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 28/11/2024 08:32 (GMT +7)
Tìm cách tiêu thụ đường tồn kho
Thứ 2, 29/05/2017 | 10:06:00 [GMT +7] A A
Vụ mía đường năm 2017 đang bước vào giai đoạn cuối, thế nhưng lượng đường tồn kho cao khiến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất đường lâm vào khó khăn.
Tồn hơn 700.000 tấn đường
Theo khảo sát của ngành nông nghiệp, tính tới thời điểm đầu tháng 5/2017, lượng đường đang tồn kho hơn 717.000 tấn; trong đó tại các nhà máy là 674.487 tấn, số còn lại phân bổ ở những công ty thương mại. Đây là mức tồn kho cao nhất từ trước đến nay so mức tồn kho cao nhất trước đó 3 năm, chỉ vào khoảng 700.000 tấn.
Lực lượng chức năng kiểm tra tại kho hàng của cơ sở kinh doanh Thành Phát, số 55A đường Kinh C (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) phát hiện các bao tải đường được ngụy trang rác thải bên trên, phủ bạt che kín để tránh bị lộ khi vận chuyển.
Nguyên nhân được cho là do nhu cầu giảm nhiều sau Tết Nguyên đán. Trong khi đó lượng đường xuất khẩu vẫn bế tắc khi khó khăn trong cạnh tranh về giá với những sản phẩm cùng loại từ các nước trong khu vực, như Thái Lan… Việc tiêu thụ đường của các nhà máy rất chậm còn do tình trạng đường lậu đang hoành hoành khắp cả nước và gian lận thương mại chưa được kiểm soát chặt chẽ.
“Biên độ giá đường giữa trong và ngoài nước đang ngày càng giãn ra đã tạo một mức chênh lệch lớn khiến đường ngoại xâm nhập sâu vào nội địa. Đến nay đã có 17 nhà máy kết thúc vụ ép 2016 – 2017, nhưng lượng đường sản xuất ra vẫn đang cao hơn nhiều so với khả năng tiêu thụ. Tháng 5 này, dự kiến sẽ có thêm khoảng 150.000 tấn đường bổ sung vào nguồn cung đường vốn đang thừa mứa ngoài thị trường sẽ góp phần làm cho tình hình tiêu thụ đã khó lại càng nan giải hơn”, ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), cho biết.
Theo tính toán của các nhà máy đường, nhu cầu tiêu thụ đường của Việt Nam hiện trung bình khoảng 1,5 triệu tấn/năm, nhưng sản xuất của các nhà máy chỉ đáp ứng khoảng 1,2 – 1,3 triệu tấn. Bù vào khoảng thiếu hụt trên là lượng đường được thẩm lậu qua biên giới, cao điểm lên đến 400.000 tấn, với giá thấp hơn nhiều.
“Giá bán buôn đường kính trắng trong nước dao động từ 15.600 – 16.400 đồng/kg, còn giá đường nhập lậu từ Thái Lan chỉ từ 14.000 – 15.000 đồng/kg. Đường lậu được tiêu thụ khá phổ biến trên thị trường và với mức giá đường lậu như hiện nay, các doanh nghiệp trong nước khó có thể đẩy mạnh tiêu thụ nếu như không có các đối tác truyền thống. Trước đây nhiều doanh nghiệp còn có đầu ra là xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, nhưng với giá thành cao như trên, ngành đường khó cạnh tranh được với những nước trong khu vực. Quay về với sân nhà cũng bị thua về giá, vì thế đường đã khó tiêu thụ lại càng khó hơn trong việc giải phóng đầu ra”, ông Hải cho hay.
Nan giải bài toán hạ giá thành
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, cho biết muốn cạnh tranh được với giá đường trong khu vực, các nhà máy đường phải nhanh chóng tái cơ cấu, đưa quản trị và điều hành chuyên nghiệp vào lĩnh vực mía đường.
Đơn cử tại Tập đoàn Thành Thành Công, doanh nghiệp đang mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất như: Dùng máy móc cày xới đất đúng quy chuẩn để bộ rễ cây mía bám sâu giúp chống chịu lại được khô hạn; nghiên cứu thời điểm nào để cây mía ngậm chất dinh dưỡng của phân bón tốt nhất, loại phân bón nào, phù hợp thổ nhưỡng nào… Bên cạnh sản phẩm đường ăn các loại, doanh nghiệp còn tận dụng những phế phẩm như bã mía, rỉ mật để đa dạng hóa sản phẩm nhằm tăng doanh thu.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ Thái Lan khi họ nhờ vào chính sách và định hướng phát triển của chính phủ thông qua Luật Mía đường đã giúp quốc gia này phát triển bền vững được ngành mía đường. Về lâu dài, các doanh nghiệp mía đường cần xây dựng chuỗi giá trị cho ngành đường từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ theo hướng quản lý và điều tiết hợp lý. Song song đó, các nhà máy đường cũng cần chủ động xây dựng kế hoạch thu mua nguyên liệu phù hợp năng lực sản xuất, cũng như điều chỉnh giá bán hợp lý để không tạo ra sự chênh lệch quá lớn giữa giá đường sản xuất trong nước và giá đường nhập khẩu.
Trong bối cảnh lượng đường tồn kho tăng cao, tiêu thụ gặp khó, việc nhập khẩu 89.500 tấn đường theo cam kết WTO dù không đáng kể nhưng cũng sẽ là một áp lực lớn cho doanh nghiệp. Trước mắt, để hỗ trợ các nhà máy đường đẩy mạnh tiêu thụ, giảm lượng đường tồn kho đang quá cao hiện nay, VSSA vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương xem xét cho phép lùi tổ chức đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường vào thời điểm cuối năm.
“Để hỗ trợ ngành đường phát triển, điều quan trọng nhất hiện nay là các cơ quan quản lý phải có biện pháp siết chặt buôn lậu và kiểm soát các hoạt động gian lận thương mại. Ngoài ra, giải pháp cần kíp lúc này là tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động người tiêu dùng và doanh nghiệp chế biến các sản phẩm có đường đẩy mạnh mãi lực tiêu thụ hoặc ưu tiên sử dụng đường trong nước góp phần giảm lượng đường tồn kho”, ông Hải nói thêm.
Lê Nghĩa/Báo Tin Tức
Ý kiến ()