Chủ Nhật, 24/11/2024 15:23 (GMT +7)

Tìm lời giải cho bài toán thừa – thiếu giáo viên

Thứ 2, 18/09/2017 | 11:31:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Vấn đề thừa – thiếu giáo viên cục bộ đang trở thành bài toán nan giải mà ngành giáo dục chưa tìm ra lời giải…

Bước vào năm học mới 2017-2018, nhiều địa phương phải đối mặt với tình trạng thiếu hàng nghìn giáo viên. Vấn đề “thừa – thiếu giáo viên” cục bộ đang trở thành bài toán nan giải mà ngành giáo dục chưa tìm ra lời giải…

Vì sao chỗ thừa, chỗ thiếu?

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước hiện có 1,1 triệu giáo viên từ bậc mầm non đến phổ thông. Tính đến tháng 1/2017, cả nước thừa 26.750 giáo viên công lập các cấp (nhiều nhất là cấp THCS dư tới hơn 21.000 giáo viên), nhưng lại thiếu hơn 45.000 giáo viên, trong đó cấp mầm non thiếu trầm trọng nhất, hơn 32.000 giáo viên.

Có thể nói cùng với sự gia tăng tỷ lệ trẻ em ở độ tuổi đến trường và sự phát triển nhanh các khu dân cư, khu đô thị lớn ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt là các thành phố lớn đã dẫn tới việc thiếu giáo viên bậc mầm non. Đáng ngại, mỗi năm có trên 1.000 giáo viên ra khỏi hệ thống mầm non, ở nhiều trường học/cơ sở giáo dục mầm non giáo viên phải làm việc trên 12 giờ đồng hồ nhưng vẫn chưa hết việc…

Theo lãnh đạo Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT), nguyên nhân là do các địa phương thiếu quy hoạch tổng thể về phát triển trường lớp mầm non, chưa có giải pháp triệt để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trong bối cảnh trẻ đến lớp ngày càng tăng; chưa chủ động trong quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng giáo viên…

Tuy nhiên, PGS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT lại cho rằng: “Số liệu thống kê thừa hay thiếu giáo viên mà Bộ đưa ra vẫn mang nặng cảm tính. Trước mắt, ngành giáo dục phải xác định những tiêu chí chất lượng dạy và học để từ đó tính lại bài toán thừa – thiếu giáo viên. Ví dụ, ở bậc tiểu học, nếu học 1 buổi/ngày, hay 2 buổi/ngày, quy mô một lớp có bao nhiêu học sinh… thì tính toán xem cần bao nhiêu giáo viên. Hiện nay, các trường đang thực hiện đổi mới chương trình – sách giáo khoa mới thì việc tính toán, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên là vô cùng quan trọng. Dựa vào những cơ sở đó, Bộ mới tính chính xác cần bao nhiều biên chế giáo viên ở từng bậc học”.

Cũng theo một số chuyên gia giáo dục, hiện nay, việc quy hoạch tính toán để phát triển nguồn nhân lực của ngành giáo dục chưa có tầm nhìn dài hơi. Các trường sư phạm cũng thiếu nhanh nhạy, thiếu chủ động trong đào tạo nên đưa ra những “sản phẩm” không đáp ứng được nhu cầu của xã hội, gây lãng phí. Cùng với đó là công tác hướng nghiệp ở phổ thông chưa tốt nên đã dẫn đến hàng vạn giáo viên thất nghiệp…

Nên để địa phương tự quy hoạch nhân lực theo nhu cầu

Xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu đổi mới, đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng đang trở thành yêu cầu cấp thiết hiện nay. Là một trong những tỉnh “nổi cộm” với bất cập thừa – thiếu giáo viên, bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa cho rằng, từ năm 2011 – 2016, chỉ tiêu biên chế của tỉnh “đóng băng”. Hiện tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo quyết liệt, giao các địa phương khảo sát thống kê số giáo viên dôi dư ở bậc THCS và hướng sắp tới sẽ là chuyển xuống dạy ở bậc mầm non, tiểu học một cách có phân loại. Bà Hằng khẳng định, các giáo viên sẽ được đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng sư phạm đặc thù của ngành tiểu học/mầm non, đáp ứng yêu cầu bậc học.

Còn theo Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh thiếu khoảng 1.000 giáo viên và 1.400 nhân viên bậc mầm non. Sở đã phối hợp với Sở Nội vụ để trình UBND tỉnh Đắk Lắk xin chủ trương của Bộ Nội vụ trong vấn đề giao chỉ tiêu biên chế đối, trong đó có viên chức mầm non để đảm bảo cơ sở mầm non đủ giáo viên, đủ nhân viên. Riêng với các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, Sở tích cực tham mưu với tỉnh ưu tiên bố trí giáo viên những vùng này để đảm bảo giáo dục có điều kiện vươn lên với các vùng khác trên địa bàn.

PGS. Trần Xuân Nhĩ nêu giải pháp, Bộ GD-ĐT cần quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của ngành một cách dài hơi hơn dựa trên những nghiên cứu khoa học. Trước mắt để đối phó với việc thiếu giáo viên bậc mầm non, ngoài việc đào tạo dài hơi thì có thể đào tạo theo kiểu kèm cặp như một số nước vẫn làm. Ví dụ, giáo viên giỏi sẽ kèm một người phụ trợ để dạy họ những kỹ năng cần thiết nhất trong việc chăm sóc trẻ và từng bước bồi dưỡng tiêu chuẩn hóa họ.

Một vấn đề nữa là chế độ đãi ngộ giáo viên mầm non. Công việc chịu nhiều áp lực nhưng lương thấp khiến nhiều giáo viên đã bỏ nghề. Vì thế, để giải quyết bài toán thừa – thiếu giáo viên thì cần có những giải pháp đồng bộ. Còn TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ giáo dục Đại học đề xuất, Bộ cần phân cấp triệt để cho địa phương để tự quy hoạch nhân lực theo nhu cầu và có trách nhiệm hơn trong việc đào tạo và sử dụng “sản phẩm” nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo…

Để giải quyết tình trạng thiếu nghiêm trọng giáo viên của bậc mầm non, lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non trong năm học 2017 – 2018 là quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp và giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Sẽ rà soát, đề xuất các giải pháp khắc phục những bất cập về chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục mầm non để thu hút hơn nữa giáo viên mầm non…./

Hoàng Dũng/Báo Tiếng nói Việt Nam

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu