Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 21/11/2024 22:23 (GMT +7)
Tín dụng chính sách góp phần xây dựng nông thôn mới
Thứ 4, 06/01/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh tỉnh Nam Định đã triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân, góp phần giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Thúc đẩy phát triển kinh tế
Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh tỉnh Nam Định Trần Duy Hưng cho biết, chi nhánh đang triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi xây dựng nông thôn mới như: cho vay sản xuất kinh doanh; làm đường giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, trạm điện, chợ nông thôn; xây dựng nhà ở; cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường, xuất khẩu lao động.
Với phương châm ưu tiên vốn cho các địa phương xây dựng nông thôn mới, năm 2015, tất cả 96 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã được hưởng thụ chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam với số vốn trên 980 tỷ đồng.
Gia đình bà Chu Thị Tin đã đầu tư xây dựng khu chuồng khép kín nuôi lợn sinh sản, lợn thịt. |
Từ nguồn vốn trên đã có hơn 1.300 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho gần 1.500 lao động. Các địa phương đã xây dựng được gần 32.000 công trình nước sạch vệ sinh môi trường, đường giao thông, kênh mương thủy lợi phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Để giúp các địa phương trong tỉnh nhanh chóng hoàn thành các tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động, vệ sinh môi trường… Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh tỉnh Nam Định phối hợp với các xã, thị trấn thực hiện rà soát hộ nghèo theo tiêu chí mới để chuyển nguồn vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng; nâng cao chất lượng các chương trình tín dụng giúp người dân phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, hiện đã có hơn 100 xã, thị trấn đạt tiêu chí nông thôn mới, chiếm hơn 40% tổng số xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2015 tăng trên 3%; sản lượng lương thực bình quân hàng năm đạt trên 900.000 tấn. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tại các vùng nông thôn ngày càng nâng cao. Trong kết quả nổi bật của phong trào xây dựng nông thôn mới ở Nam Định, nhất là trên lĩnh vực phát triển kinh tế, an sinh xã hội có phần đóng góp không nhỏ của các chương trình tín dụng chính sách.
Mang niềm vui cho người dân
Về thị trấn Quỹ Nhất, huyện Nghĩa Hưng trong những ngày này, dọc hai bên các tuyến đường được treo cờ hoa rực rỡ chào đón năm mới và các sự kiện trọng đại của đất nước. Quỹ Nhất giờ đây đã thực sự “thay da, đổi thịt” với các công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng, nâng cấp khang trang, những ngôi nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều…
Đi trên con đường được trải thảm bê tông phẳng lỳ ở trung tâm thị trấn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Quỹ Nhất Trần Văn Chuyền vui mừng chia sẻ, được sự hỗ trợ của Nhà nước cùng với nhân dân đóng góp và nguồn vốn hơn 9,8 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, thị trấn đã đầu tư hơn 30 km đường giao thông nông thôn, gần 2.500 công trình kênh mương thủy lợi, nâng cấp, mở rộng chợ, trường học, nhà văn hóa thôn, xóm, tạo điều kiện cho gần 450 hộ nghèo, cận nghèo vay phát triển kinh tế…
Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, thị trấn Quỹ Nhất đã hoàn thành các tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015 (trước 1 năm so với kế hoạch). Bình quân thu nhập đầu người năm 2015 đạt trên 35 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,93%; 90% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; 100% hộ dân được dùng điện và sử dụng nước sạch. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, không những thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ khá giả với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Gia đình bà Chu Thị Tin ở khu 5, thị trấn Quỹ Nhất được vay 30 triệu đồng theo chính sách dành cho hộ cận nghèo, cùng với số tiền mượn của anh em họ hàng, gia đình bà đã xây dựng khu chuồng trại khép kín có công trình xử lý chất thải hạn chế ô nhiễm môi trường nuôi 50 con lợn sinh sản, lợn thịt. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật đàn lợn phát triển tốt, sau khi xuất bán lứa lợn đầu tiên bà Tin đã thu lời 40 triệu đồng.
Cũng được vay 30 triệu đồng theo diện hộ cận nghèo, bà Phạm Thị Liên ở khu 2, thị trấn Quỹ Nhất đã đầu tư làm nhà kính để trồng hoa cao cấp theo quy trình kỹ thuật công nghệ hiện đại. Mô hình này đã hạn chế tác động của yếu tố thời tiết giúp hoa phát triển tốt đáp ứng yêu cầu của thị trường. Ước tính mỗi năm vườn hoa mang lại cho gia đình bà Liên nguồn thu hàng trăm triệu đồng.
Bà Vũ Thị Chén, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Quỹ Nhất khẳng định, các chương trình tín dụng ưu đãi thực sự đã giúp các hộ dân địa phương thoát nghèo, đồng thời khuyến khích nhân dân phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh môi trường, nâng cao mức sống..
Ý kiến ()