Thứ Bảy, 30/11/2024 19:32 (GMT +7)

Tinh thần sẵn sàng trong cuộc chiến trường kỳ chống COVID-19

Thứ 5, 17/09/2020 | 16:00:00 [GMT +7] A  A

Thế giới đã ghi nhận ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thứ 30 triệu vào ngày 17/9, tức sau khoảng 9 tháng phát hiện những trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên.

Số ca tử vong do COVID-19 cũng lên tới hơn 945.000 trường hợp. Tại nhiều quốc gia, dịch bệnh không những chưa được kiềm chế, mà còn có xu hướng tái bùng phát trên diện rộng, khi mà chính phủ các nước quyết định mở cửa trở lại nền kinh tế. Theo phân tích của hãng tin Reuters, tình trạng lây lan COVID-19 vẫn gia tăng tại gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện Santa Casa de Misericordia ở Porto Alegre, Brazil, ngày 13/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Số bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 chạm con số 25 triệu người ngày 30/8. Như vậy, chỉ trong 18 ngày, danh sách bệnh nhân mắc COVID-19 đã tăng thêm 5 triệu người, ngắn hơn 2 ngày so với giai đoạn từ mức 20 triệu ca lên 25 triệu ca. Điều đó cho thấy tốc độ lây lan virus SARS-CoV-2 chẳng những không chậm lại mà còn nhanh hơn.

Ngày 13/9 vừa qua là ngày thế giới ghi nhận số ca mắc cao nhất từ trước tới nay, 307.930 trường hợp cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ. Trước đó, ngày ghi nhận dữ liệu dịch tễ này cao nhất là 17/4, khi thế giới có thêm 306.857 ca nhiễm mới. Quốc gia “đóng góp” chủ yếu vào con số ca trên là Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới. Số liệu thống kê cho thấy hiện cứ 6 ca mắc bệnh COVID-19 trên thế giới thì có 1 ca ở Ấn Độ.

Trong những ngày qua, Ấn Độ liên tục có số ca mắc mới COVID-19 ở mức cao nhất thế giới, trung bình 93.334 ca mỗi ngày – cao gấp đôi tổng số ca mắc mới mỗi ngày trung bình tại Mỹ và Brazil, 2 quốc gia còn lại trong số 3 quốc gia chịu tác động nghiêm trọng nhất. Số bệnh nhân COVID-19 ở quốc gia Nam Á này đã tăng lên gần 5,116 triệu, trong đó hơn 83.000 người đã tử vong. Biểu đồ dịch bệnh tại Ấn Độ không có dấu hiệu đạt đỉnh trong suốt thời gian qua và vẫn tiếp tục diễn biến theo xu hướng tăng dần.

Diễn biến dịch bệnh cũng khá phức tạp tại Đông Nam Á. Trong khi một số nước như Việt Nam, Thái Lan đã kiểm soát tương đối hiệu quả đợt bùng phát mới, thì Philippines và Indonesia vẫn chật vật đối phó với tình trạng gia tăng số ca nhiễm mới ở mức trên 3.500 ca mỗi ngày. Philippines đang là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất khu vực (272.934 người). Như vậy, số ca nhiễm bệnh tại Philippines đã tăng cao gấp 2 lần chỉ trong vòng 35 ngày trở lại đây. Trong khi đó, Indonesia cũng ghi nhận gần 229.000 ca nhiễm và hơn 9.100 trường hợp tử vong do COVID-19, là quốc gia có số ca tử vong cao nhất ở Đông Nam Á.

Làn sóng dịch mới đã quay lại nhiều nước châu Âu khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ. Tây Ban Nha ghi nhận 11.193 ca mắc mới trong ngày 16/9, Pháp cũng xác định gần 10.000 ca nhiễm mới. Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge cảnh báo khu vực này sẽ chứng kiến sự gia tăng nhanh số ca tử vong theo ngày trong tháng 10 và tháng 11 tới, khi nhiều nước hiện đang ghi nhận số ca nhiễm mới tăng mạnh trở lại. Ông Hans Kluge cũng khuyến cáo những ý kiến chủ quan cho rằng vaccine có thể chấm dứt đại dịch, đồng thời kêu gọi người dân học cách sống chung với virus SARS-CoV-2.

Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Yogyakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Theo dự báo của WHO, thế giới vẫn phải “sống chung với COVID-19” ít nhất cho đến hết năm 2021. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo dù thế giới đã dành 18.000 tỷ USD cho các biện pháp kích cầu, nền kinh tế toàn cầu vẫn thiệt hại khoảng 12.000 tỷ USD hoặc có thể hơn vào năm 2021. Đây là mức thiệt hại tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nặng nề nhất từng ghi nhận từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Điều đó khiến nhiều nước lựa chọn giải pháp linh hoạt giữa phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và phục hồi kinh tế, trong đó có việc mở cửa trở lại nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh, nới lỏng các hạn chế đi lại, nối lại một số chuyến bay quốc tế…

Trên thực tế, cộng đồng quốc tế đang chủ động tìm cách thích ứng với tình hình mới, duy trì các hoạt động cần thiết. Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 vừa khai mạc dưới hình thức trực tuyến. Bất chấp dịch COVID-19, trong hơn 7 tháng qua, ĐHĐ LHQ đã thông qua hơn 70 nghị quyết và quyết định quan trọng, trong đó có nghị quyết “Ứng phó toàn diện và phối hợp với đại dịch COVID-19″. Trong nửa đầu tháng 9 này, dưới sự chủ trì của Việt Nam, nước Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020, lần lượt Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 41 (AIPA 41), tiếp đó là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM53) và các hội nghị liên quan đã lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến và đạt được kết quả tốt đẹp.

Trung Quốc đã dỡ bỏ một số hạn chế về các chuyến bay nội địa và khu vực, trong khi Saudi Arabia cũng dỡ bỏ một phần quy định đình chỉ các chuyến bay quốc tế, sau 6 tháng áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại. Nội các Thái Lan đã thông qua đề xuất cấp thị thực nhập cảnh dài ngày cho người nước ngoài đến nước này với điều kiện họ thực hiện cách ly 14 ngày và có thời gian lưu trú ít nhất 90 ngày và có thể được gia hạn hai lần với tổng thời gian 9 tháng. Nam Phi sẽ mở cửa các đường bay quốc tế đi và đến quốc gia này từ ngày 20/9 cho các chuyến đi với mục đích du lịch và công cán, song vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế đối với các du khách đến từ các vùng có nguy cơ cao.

Hàn Quốc bắt đầu nới lỏng quy định giãn cách xã hội và hạn chế đối với các cơ sở kinh doanh ở khu vực thủ đô Seoul. Chính phủ Singapore đang thử nghiệm áp dụng cách tiếp cận mới trong các biện pháp phòng dịch, theo đó sẽ tiến hành cách ly một cách hạn chế thay vì kiểm soát gắt gao trên diện rộng như trước. Cụ thể, thay vì đóng cửa hoàn toàn các khu nhà cho lao động nhập cư (vốn chiếm tới 95% trong tổng số hơn 57.000 ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Singapore), nước này cho phép công nhân đi làm, song sẽ tiến hành xét nghiệm thường xuyên, theo dõi chặt chẽ, thực hiện giãn cách hơn và khẩn trương cách ly những trường hợp tiếp xúc gần với người bị nghi nhiễm.

Các nước châu Âu đã mở cửa biên giới với bên ngoài từ đầu tháng 7 vừa qua. Các hạn chế chỉ được đặt ra đối với một số trường hợp ngoại lệ đến từ khu vực có tình hình dịch bệnh phức tạp, như tiến hành xét nghiệm trực tiếp tại sân bay và cách ly bắt buộc. Các hình thức xét nghiệm cũng được đa dạng hóa, từ xét nghiệm PCR đến xét nghiệm kháng thể, xét nghiệm nhanh tại sân bay. Việc truy dấu tiếp xúc cũng được đẩy mạnh, trong đó Anh vừa khởi động ứng dụng quét mã QR để kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Kiểm tra thân nhiệt nhằm phòng ngừa dịch COVID-19 tại Florence, Italy. Ảnh: THX/TTXVN

Vấn đề đảm bảo phòng dịch tại các trường học được chú trọng đặc biệt trong bối cảnh trẻ em tại nhiều quốc gia bắt đầu đi học trở lại. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ dù trẻ em và thanh thiếu niên vẫn có nguy cơ mắc COVID-19 (với chưa đến 10% số trường hợp được báo cáo và 0,2% số ca tử vong là người dưới 20 tuổi), song ông cho rằng nếu kết hợp đúng đắn các biện pháp phòng ngừa, trẻ em có thể an toàn khi trở lại trường học.

Ngày 14/9, Italy bắt đầu mở cửa lại các trường học trên cả nước sau 6 tháng đóng cửa, trong bối cảnh số ca nhiễm mới mỗi ngày ở nước này mức hơn 1.000 ca. Điều đó buộc nhà chức trách phải áp dụng quy định đeo khẩu trang trên lớp, kiểm tra nhiệt độ khi đến trường, học sinh được bố trí ngồi cách nhau 1 mét… Chính phủ Pakistan thậm chí còn cảnh báo sẽ ra lệnh đóng cửa trở lại đối với bất cứ trường học nào vi phạm các quy định phòng lây nhiễm COVID-19.

Chính phủ các nước như Mỹ, Hy Lạp… cũng yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng, đặc biệt là tại những nơi không thể đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1,5m như quảng trường, bến xe buýt, mua sắm tại các cửa hàng, đồng thời giới hạn số người tập trung tại một địa điểm trong cùng một thời điểm. Các phòng hòa nhạc hay rạp chiếu phim cũng đã được nối lại hoạt động, song không được vượt quá 50-60% sức chứa của địa điểm. Khán giả bắt buộc phải ngồi tại chỗ, không được hút thuốc hoặc uống rượu và luôn đeo khẩu trang. Chính phủ Thụy Điển cũng đã quyết định dỡ bỏ lệnh cấm đến thăm người thân, bạn bè tại các viện dưỡng lão, song yêu cầu phải đảm bảo an toàn dịch tễ.

Kết quả một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew của Mỹ thực hiện đối với hơn 14.000 người trưởng thành, sống tại 14 quốc gia tiên tiến ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ và châu Đại dương, cho thấy có tới 73% số người được hỏi tin tưởng vào các biện pháp ứng phó của chính phủ.

Bên cạnh đó, cuộc chiến chống dịch COVID-19 trên toàn cầu cũng được thúc đẩy nhờ những tín hiệu đáng mừng trong nghiên cứu phương pháp điều trị và bào chế vaccine. Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Y khoa Pittsburgh (Mỹ) thông báo đã tìm thấy kháng thể có thể “vô hiệu hóa hoàn toàn” virus SARS-CoV-2, với kỳ vọng loại thuốc được bào chế từ kháng thể này sẽ sớm được sử dụng như một liệu pháp phòng chống SARS-CoV-2 trong bối cảnh chưa có vaccine hiệu quả và an toàn để tiêm chủng đại trà.

Trong khi đó, vaccine Sputnik V của Nga, vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được đăng ký, đã đạt kết quả thử nghiệm khả quan. Trung Quốc cũng lần đầu tiên cho ra mắt các loại vaccine phòng COVID-19 trong bối cảnh nước này đã cơ bản khống chế được dịch bệnh. Hãng dược phẩm liên doanh Anh – Thụy Điển AstraZeneca cũng đã nối lại công tác thử nghiệm vaccine sau khi các cuộc thử nghiệm tạm thời bị hoãn do những tác dụng phụ nghiêm trọng đối với một tình nguyện viên tham gia thử nghiệm.

Tuy nhiên, diễn biến lây lan của virus SARS-CoV-2 buộc các nước luôn phải cảnh giác và chủ động, kịp thời đưa ra biện pháp ứng phó. Thái Lan vừa tạm đóng các cửa khẩu ở biên giới giữa nước này với Myanmar nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Trung Quốc cũng đã phong tỏa một thành phố giáp biên giới Myanmar sau khi phát hiện một số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại đây. Israel tái áp đặt phong tỏa toàn quốc trong 3 tuần, kể từ 14h ngày 18/9, nhằm ngăn chặn đà lây lan đại dịch COVID-19. Jordan từ ngày 17/9 quyết định đóng cửa hầu hết trường học, nhà hàng, quán cafe và nhà thờ Hồi giáo trong hai tuần do số ca nhiễm gia tăng.

Vaccine ngừa bệnh COVID-19 của Nga do Viện khoa học nghiên cứu về dịch tễ học và vi trùng học Gamaleya phát triển, tại Moskva ngày 6/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, tính đến sáng 17/9, Việt Nam đã có 15 ngày liên tục không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng; các địa phương có ca nhiễm trong đợt lây nhiễm bùng phát hồi cuối tháng 7 tới nay đã cơ bản trở lại trạng thái bình thường. Về cơ bản, dịch bệnh đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, việc triển khai thực hiện mục tiêu kép đạt kết quả bước đầu tích cực, một số hạn chế đã được nới lỏng từng bước. Tuy nhiên, Chính phủ xác định nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực và có thể xuất hiện các ca nhiễm mới trong cộng đồng, nhất là khi Việt Nam mở cửa trở lại trong thời gian tới. Bởi vậy, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội tiếp tục là nhiệm vụ kép trong thời gian tới.

Con số hơn 30 triệu người nhiễm và gần 1 triệu người tử vong do COVID-19 cho thấy cuộc chiến chống dịch COVID-19 trên thế giới vẫn còn dài. Điều đó đòi hỏi các chính phủ và mỗi người dân đều phải trong trạng thái sẵn sàng để có thể chủ động, linh hoạt trước mọi diễn biến phức tạp của đại dịch, bởi như nhận định của Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge, trong cuộc chiến trường kỳ chống COVID-19, việc chấm dứt đại dịch phụ thuộc vào chính con người.

Thanh Phương (TTXVN)
https://baotintuc.vn/the-gioi/tinh-than-san-sang-trong-cuoc-chien-truong-ky-chong-covid19-20200917113737144.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu