Chủ tịch nước tiến hành chuyến thăm chính thức Thụy Sỹ từ ngày 25 -29/11. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng vào đúng dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1971-2021).
Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Thụy sỹ Guy Parmelin, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng phu nhân và đoàn đại biểu câp cao Việt Nam đã tiến hành chuyến thăm chính thức Thụy Sỹ từ ngày 25 – 29/11. Đây là chuyến thăm châu Âu đầu tiên với tư cách là Chủ tịch nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng vào đúng dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1971-2021). Trong ảnh: Tổng thống Tổng thống Liên bang Thụy sỹ Guy Parmelin chủ trì lễ đón Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Lễ đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc diễn ra trọng thị tại Phủ Tổng thống Lohn Manor với sự có mặt của Đội tiêu binh danh dự và những nghi thức truyền thống của đất nước Thụy Sỹ.
Ngay sau Lễ đón chính thức, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Thụy Sỹ Guy Parmelin tiến hành hội đàm. Hai bên đã thảo luận sâu rộng, toàn diên, thực chất trên tất cả các lĩnh vực hợp tác và đạt được sự nhất trí chung về nhiều biện pháp cụ thể để thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Thụy Sỹ phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế hai nước.
Trả lời báo chí sau hội đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Thụy Sỹ Guy Parmelin đều khẳng định, hai nước nhất trí sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Việt Nam – Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA). Thụy Sỹ mong muốn ký kết một Hiệp định FTA tương tự như Việt Nam đã ký với Liên minh châu Âu, qua đó sẽ loại bỏ các rào cản lưu thông hàng hóa hai nước. Ưu tiên nữa là xây dựng được một khuôn khổ pháp luật thuận lợi, thực thi hiệu quả sở hữu trí tuệ
Nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế- thương mại giữa hai nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Thụy Sỹ Guy Parmelin cùng tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Thụy Sỹ với sự có mặt của hơn 100 doanh nghiệp hai nước. Hai nhà lãnh đạo nhất trí việc sớm ký thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu, coi đây là điều kiện tuyệt vời để khai thác tiềm năng trong hợp tác kinh tế song phương. Ảnh: TTXVN.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Thụy Sỹ, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến các doanh nghiệp hai nước ký kết và trao văn kiện hợp tác trong một số lĩnh vực như tài chính – ngân hàng, năng lượng, hàng không, logistics, giáo dục, y tế… Chủ tịch nước nhân mạnh, đây là minh chứng về tiềm năng hợp tác hai nước.
Theo đó, Hãng hàng không Vietjet và Công ty SR Technics, nhà cung cấp dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa máy bay hàng đầu thế giới ký kết thoả thuận trị giá 150 triệu USD về cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho đội tàu bay A320 và A321 sử dụng động cơ CFM56-5B của Vietjet. Vietjet và công ty Swiss-AS, nhà cung cấp giải pháp công nghệ hàng không hàng đầu thế giới của Thụy Sỹ đã ký kết hợp tác chiến lược và tăng cường vận hành hệ thống công nghệ quản lý kỹ thuật hàng không AMOS.
Tại toà nhà Quốc hội Liên bang Thuỵ Sỹ ở thủ đô Berne, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Liên bang Thụy Sỹ Andreas Aebi. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Hội đồng Quốc gia Thụy Sỹ có tiếng nói ủng hộ nước tăng cường và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, hợp tác phát triển, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, đặc biệt là việc sớm ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu EFTA (gồm 4 nước Thuỵ Sỹ, Liechtenstein, Na Uy, Iceland) cũng như việc thiết lập quan hệ Đối tác ưu tiên về Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Thụy Sỹ.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Thụy Sỹ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến thăm bang Geneva. Thống đốc Serge Dal Busco chủ trì Lễ đón Chủ tịch nước. Geneva là nơi đặt trụ sở của nhiều cơ quan, văn phòng của Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế và là một trong những trung tâm kinh tế – tài chính lớn của châu Âu. Đặc biệt, thành phố Geneva là địa danh rất gần gũi với người dân Việt Nam, bởi đây là nơi diễn ra Hội nghị Geneva năm 1954, dấu mốc lịch sử quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.
Tại Ganeva, Chủ tịch nước cũng gặp gỡ, làm việc với các tổ chức đa phương là Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO) Chủ tịch liên đoàn bóng đa quốc tế (FIFA). Trong ảnh: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến thăm trụ sở Văn phòng Liên Hợp Quốc, gặp Tổng Giám đốc Văn phòng là bà Tatiana Valoya.
Làm việc với Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghegreyesus, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò điều phối quan trọng của Tổ chức Y tế Thế giới trong lĩnh vực y tế toàn cầu, đưa ra các tiêu chuẩn, hướng dẫn y tế, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, giúp các nước giải quyết các vấn đề y tế công cộng, tăng cường năng lực ứng phó dịch bệnh. Nhân dịp này, Chủ tịch nước tuyên bố Việt Nam sẽ đóng góp tự nguyện thêm 500.000 USD cho COVAX, nâng tổng mức đóng góp tự nguyện của Việt Nam cho COVAX lên 1 triệu USD.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bà Ngozi Okonjo-Iweala, khẳng định Việt Nam duy trì chính sách nhất quán về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, ủng hộ vai trò của WTO, sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Tổng Giám đốc WTO và các thành viên khác trong tất cả các hoạt động của WTO, đóng góp hết sức mình vào công việc chung của WTO. Ảnh: TTXVN.
Tiếp Chủ tịch Liên đoàn bóng Thế giới Gianni Infantino (FIFA), Chủ tịch nước đề nghị Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thế giới giúp đỡ Việt Nam trong đào tạo bóng đá trẻ cả nam và nữ, tạo điều kiện để các đội bóng của Việt Nam có nhiều cơ hội thi đấu quốc tế hơn nữa, qua đó thúc đẩy phát triển bóng đá Việt Nam. Ảnh: TTXVN.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thụy Sỹ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm trụ sở Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) và làm việc với Tổng giám đốc WIPO, ông Daren Tang. Chủ tịch đề nghị WIPO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia và Luật Sở hữu trí tuệ, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đào tạo đội ngũ chuyên gia đủ năng lực khai thác cơ sở dữ liệu sáng chế, đóng góp vào sự phát triển các ngành kinh tế – kỹ thuật mũi nhọn của Việt Nam trong tương lai. Trong ảnh: Chủ tịch nước trao danh hiệu Đại sứ trẻ sở hữu trí tuệ của WIPO cho nhóm các nhà sáng chế trẻ của Việt Nam.
Nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương hai nước, tại cuộc tiếp ông Alec Von Granffenried, Thị trưởng Thành phố Bern, Chủ tịch nước đề nghị chính quyền thành phố Bern nghiên cứu hợp tác với 12 địa phương của Việt Nam có di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, nhất là trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cũng như quáng bá các di sản này ở Thụy Sỹ để có thêm nhiều người Thụy Sỹ và châu Âu đến du lịch ở Việt Nam.
Nhân dịp thăm chính thức Liên bang Thụy Sỹ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn cấp cao Việt Nam đã tới thăm, nói chuyện thân mật với các cán bộ nhân viên Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Geneva và các chuyên gia Việt Nam đang làm việc tại Thụy Sỹ. Như vậy, trong chuyến thăm chính thức Thụy Sỹ từ 25-29/11, Chủ tịch nước, Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự gần 30 hoạt động. Nước chủ nhà Thụy Sỹ đã dành cho Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao Việt Nam sự đón tiếp trọng thị theo nghi thức cao nhất, tình cảm nồng ấm, chân tình và đặc biệt là thể hiện mong muốn hợp tác với Việt Nam sâu rộng hơn nữa để cùng phát triển.
PV/VOV.VN (tổng hợp)
Vũ Dũng/VOV
https://vov.vn/chinh-tri/toan-canh-chuyen-tham-chinh-thuc-thuy-sy-cua-chu-tich-nuoc-nguyen-xuan-phuc-908174.vov
Ý kiến ()