Thứ Ba, 26/11/2024 06:44 (GMT +7)

Tôn vinh 71 nghệ nhân ưu tú đờn ca tài tử Nam Bộ

Thứ 4, 12/04/2017 | 10:39:00 [GMT +7] A  A

Tối 11/4, tại Trung tâm Văn hoá – Điện ảnh tỉnh Bình Dương đã diễn ra buổi họp mặt, giao lưu nghệ nhân ưu tú Đờn ca tài tử Nam Bộ của 21 tỉnh, thành phố.

Tham dự chương trình có đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành trong tỉnh Bình Dương và gần 100 các nghệ nhân Đờn ca tài tử các tỉnh. Buổi họp mặt nằm trong khuôn khổ Chương trình Festival Đờn ca tài tử lần thứ II – Bình Dương năm 2017.

Tại buổi họp mặt, 71 nghệ nhân ưu tú Đờn ca tài tử của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã được tôn vinh.

Nghệ nhân trình diễn các nhạc cụ đờn ca tài tử tại Lễ khai mạc Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ 2, ngày 8/4 tại Bình Dương. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Phát biểu tại buổi giao lưu, họp mặt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Đặng Minh Hưng cho biết, đêm nay các nhà nghiên cứu, soạn giả, tài tử ca, tài tử đờn cùng đông đảo bà con yêu quý nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ hội tụ về đây để cùng tôn vinh tên tuổi các bậc tiền bối và những người có công đóng góp cho việc hình thành và phát triển bộ môn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Đây còn là dịp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn, về công tác quản lý của nghệ nhân, những người quản lý loại hình nghệ thuật này; thưởng thức và cùng hoà điệu lời ca tiếng nhạc với các trích đoạn cải lương và ca vọng cổ của các soạn giả trong không khí ấm áp thân tình của những tấm lòng tri ân, tri kỷ giữa các tỉnh, thành phố.

Tiến sĩ Văn hóa học Mai Mỹ Duyên, Phó trưởng Khoa sau Đại học Trường Đại học Văn hóa cho biết: Âm nhạc tài tử mang khát vọng, lí tưởng, tâm hồn, mục đích sống của người dân phương Nam. Những người con đất Việt trong hành trình mở cõi đã sáng tạo nên đờn ca tài tử và rồi nhờ những bài ca đó mà giúp họ trụ lại, sinh tồn và phát triển trên vùng đất mới còn nhiều hoang sơ, khắc nghiệt.

Sức sống của nhạc Đờn ca tài tử là việc tạo lời nhạc cho bản nhạc, và mọi sự phong phú đều nằm ở đó. Nghệ thuật Đờn ca tài tử từ trước tới nay cũng có nhiều sự thay đổi, từ trước năm 1945 thì những bản nhạc thường nói về chiến tranh, ca ngợi nghĩa khí, anh hùng. Còn từ sau năm 1945 thì những ca từ đã mềm mại hơn nói về sư đổi mới, tình yêu nam nữ, dựng xây quê hương đất nước.

Nghê nhân ưu tú Lê Khắc Tùng, đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Dù cho ngôn từ có nhiều thay đổi, nhưng thời nay những người trẻ cũng vẫn quan tâm đến loại hình nghệ thuật truyền thống Đờn ca tài tử. Chính vì vậy, chúng ta cần phải có những khuyến khích đến lớp trẻ hiểu hơn về bộ môn nghệ thuật này.

Huyền Trang (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu