Chủ Nhật, 24/11/2024 17:55 (GMT +7)

Tổng rà soát thực trạng cơ sở vật chất trường học trên cả nước

Thứ 3, 02/01/2018 | 09:53:00 [GMT +7] A  A

Rà soạt thực trạng, nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học được xem là bước chuẩn bị quan trọng trước khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục – Đào tạo.

Vấn đề cơ sở vật chất là một trong những mối băn khoăn lớn của nhiều chuyên gia giáo dục khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Lê Sen/TTXVN

Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) đề nghị các tỉnh, thành tổ chức rà soát và đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đến từng cơ sở giáo dục theo các cấp học nhằm chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Trên cơ sở rà soát thực trạng, các địa phương sẽ tự xây dựng báo cáo xác định nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư của các giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025.

Đáng chú ý, công tác rà soạt thực trạng, nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học lần này sẽ được tiến hành rất chi tiết bao gồm từ các thông tin chung như số học sinh, số lớp, số giáo viên cho tới nhu cầu về phòng học, công trình hệ thống nước sạch, sân chơi… Các thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cũng sẽ được thống kê một cách cụ thể theo từng khối lớp, theo tình trạng sử dụng của các thiết bị hiện có.

Với công tác dồn ghép điểm trường lẻ của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, Bộ cũng đề nghị các địa phương báo cáo về thực trạng các điểm trường lẻ, những chủ trương của tỉnh về việc dồn ghép các điểm trường lẻ, các kết quả đạt được.

Công tác rà soát kể trên sẽ được các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn tất trước ngày 15/3/2018.

Để thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới, bên cạnh đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thì vấn đề cơ sở vật chất là một trong những mối băn khoăn lớn của nhiều chuyên gia giáo dục.

Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình sách giáo khoa mới, chương trình này được soạn theo yêu cầu của Nghị quyết 88 của Quốc hội là phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam nên không đòi hỏi thiết bị gì đắt tiền. Tuy nhiên, chương trình vẫn đòi hỏi các địa phương phải bảo đảm sĩ số trong mỗi lớp phải đúng quy định của Bộ hiện nay là tối đa chỉ 35 học sinh/lớp ở tiểu học và 45 học sinh/lớp ở trung học cơ sở, trung học phổ thông. Tuy nhiên, trên thực tế, đây chỉ là con số “mơ ước” của các trường công, nhất là ở các thành phố lớn.

Trước đó, chia sẻ trước những quan tâm về vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đối với quá trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, ông Phạm Hùng Anh – Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (Bộ GD-ĐT) cho hay, việc các địa phương khảo sát thiết bị dạy học ở tất cả các trường trên phạm vi toàn quốc và nhận diện được những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của từng cấp, từng địa phương.

“Trên cơ sở đó, chúng tôi đã xác định được những trọng tâm ưu tiên đầu tư, trong đó có bổ sung thiết bị dạy học cho các địa phương trong thời gian tới theo lộ trình đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Nội dung này đã được thể hiện trong đề án Đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục phổ thông mà Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ”, ông Hùng Anh thông tin.

Cũng theo ông Hùng Anh, việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa tới đây tập trung chủ yếu là đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách thức tổ chức dạy học. Đối với các môn học có nhiều thiết bị dạy học, xét về mặt khoa học thì các thiết bị này cơ bản không thay đổi mà thay đổi ở đây sẽ là sắp xếp và tổ chức lại việc khai thác và sử dụng thiết bị cho phù hợp với các môn học.

Việc mua sắm bổ sung cũng sẽ tính đến việc trang bị các thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin để phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ hiện nay.

Lê Sơn/Báo Tin tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu