Tối 26/2, Tổng Thư ký Liên đoàn bóng đá châu Âu UEFA Gianni Infantino, người Thụy Sĩ gốc Italy, đã được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) sau hai vòng bỏ phiếu gay cấn tại trụ sở của FIFA ở Zurich, Thụy Sỹ, với sự tham dự của đại diện 207 thành viên FIFA.
Cuộc bỏ phiếu vòng hai được tiến hành giữa 4 ứng cử viên là ông Gianni Infantino, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Á Sheikh Salman Bin Ebrahim Al Khalifa, Hoàng tử Jordan Ali Bin Al Hussein (cựu Phó Chủ tịch FIFA) và cựu quan chức FIFA Jerome Champagne, người Pháp.
Theo kết quả kiểm phiếu vòng hai, Tổng Thư ký Liên đoàn bóng đá châu Âu UEFA Gianni Infantino (45 tuổi) giành được 115 trên tổng số 207 phiếu bầu, qua đó đánh bại đối thủ gần nhất là ông Al Khalifa, người giành được 85 phiếu.
Trong khi đó, Hoàng tử Al Hussein giành được 4 phiếu, còn ông Champagne không giành được phiếu nào.
Với kết quả này, ông Infantino sẽ giữ chức Chủ tịch FIFA thay ông Sepp Blatter, với sứ mệnh tái thiết cơ quan quản lý bóng đá thế giới đã bị hoen ố hình ảnh bởi bê bối.
Trước đó, FFIA đã tiến hành bỏ phiếu bầu Chủ tịch, nhưng vòng bỏ phiếu đầu tiên đã kết thúc mà không ứng cử viên nào giành được chiến thắng.
Theo kết quả kiểm phiếu vòng một, ông Gianni Infantino dẫn đầu các ứng cử viên với 88 phiếu bầu, chỉ hơn 3 phiếu so với người đứng thứ hai là ông Al Khalifa.
Hai ứng cử viên còn lại là Hoàng tử Hussein và ông Champagne lần lượt giành được 27 và 7 phiếu bầu. Ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu, doanh nhân Tokyo Sexwale, người Nam Phi đã tuyên bố rút lui.
Trước đó cùng ngày, FIFA cũng đã bỏ phiếu thông qua các biện pháp cải cách lớn trong liên đoàn nhằm chấm dứt các bê bối tham nhũng.
Với 179 phiếu ủng hộ, gói cải cách này sẽ hạn chế quyền lực của những quan chức cấp cao nhằm ngăn chặn khả năng tái diễn tình trạng đỡ đầu và lãng phí đã có tiền lệ trong suốt 18 năm nhiệm kỳ của cựu Chủ tịch Sepp Blatter.
Theo các biện pháp cải cách đã được soạn thảo từ tháng 6/2015 này, trách nhiệm của Chủ tịch FIFA đã được thay đổi thành một chủ tịch của một hội đồng, được quyền đưa ra các chỉ đạo chiến lược song có ít quyền kiểm soát hơn.
Ủy ban quản trị của FIFA trở thành trung tâm điều hành và được đổi tên thành Hội đồng FIFA hoạt động như một ban chỉ đạo.
Tổng thư ký FIFA, trước là nhân vật số 2 của tổ chức này, sẽ trở thành Tổng giám đốc điều hành (CEO) của FIFA.
Các biện pháp này cũng nhằm cải thiện sự minh bạch về tài chính của tổ chức có thu nhập nhiều tỷ USD này.
Từ năm ngoái, FIFA chìm trong các cáo buộc liên quan đến các hành vi tham nhũng. Tháng 5/2015, tổng cộng 7 quan chức FIFA, trong đó có Phó Chủ tịch Jeffrey Webb, bị bắt giữ tại một khách sạn ở Zurich do bị nghi ngờ tham gia đường dây hối lộ, tham nhũng và rửa tiền từ những năm 1990 tới nay với tổng số tiền lên tới trên 100 triệu USD.
Hàng loạt quan chức sau đó cũng bị bắt với cáo buộc tương tự.
Ngoài ra, FIFA cũng chịu một vụ điều tra riêng rẽ khác từ Thụy Sĩ liên quan đến những khuất tất xung quanh việc tổ chức này trao quyền đăng cai World Cup 2018 cho Nga và World Cup 2022 cho Qatar.
Vì những tai tiếng này, ngày 2/6 năm ngoái, ông Sepp Blatter đã buộc phải từ chức Chủ tịch FIFA chỉ sau 4 ngày tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 5 liên tiếp.
Tại cuộc họp Đại hội đồng bất thường diễn ra ở Zurich ngày 20/7, các quan chức FIFA đã ấn định thời điểm bầu chủ tịch mới vào ngày 26/2/2016.
FIFA hiện cũng phải đối mặt với khả năng nguồn thu nhập chính bị sụt giảm với mức thâm hụt trong năm 2015 lên tới 100 triệu USD.
Nguồn thu nhập chính của FIFA hiện đến từ hoạt động tổ chức Vòng chung kết World Cup diễn ra 4 năm một lần.
Thu nhập của FIFA trong chu kỳ 4 năm này đang ở mức khoảng 5,7 tỷ USD. Tuy nhiên, tổng thu nhập ước tính trong giai đoạn 2015-2018 của FIFA chỉ đạt khoảng 5 tỷ USD./.
Ý kiến ()