Chiều 27/3, Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội – Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn làm việc với UBND TP.HCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 – 2016.
Vấn đề được nhiều thành viên đoàn giám sát của Quốc hội chất vấn UBND TP.HCM là công tác tinh giản biên chế của thành phố. Quá trình tinh giản biên chế còn chậm khi đến nay mới tinh giản 153 trường hợp trong khi thành phố đã sử dụng vượt biên chế 3.000 người.
Ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, hiện nay thành phố sử dụng trên 13.000 biên chế cơ quan hành chính và gần 130.000 biên chế trong các cơ quan sự nghiệp. Nguyên nhân của việc chậm tinh giản biên chế vì hiện nay quy định về điều kiện, tiêu chuẩn để tinh giản khó khăn hơn, có những trường hợp có yêu cầu được tinh giản nhưng không đúng đối tượng được quy định thì không tinh giản được. Thêm vào đó, hiện nay thành phố đang thí điểm Thanh tra ngành xây dựng do đặc thù của thành phố rất phức tạp về quản lý trật tự đô thị, xây dựng nên có sử dụng thêm biên chế để thực hiện công tác này.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, chỉ tiêu biên chế của Bộ Nội vụ giao cho thành phố là chưa phù hợp với một đô thị đặc biệt, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước của địa phương.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, tinh giản biên chế phải gắn liền với công tác cơ cấu lại đội ngũ. Muốn giải quyết bài toán tinh giản biên chế chỉ có cách chuyển đổi mạnh mẽ các đơn vị sự nghiệp sang tự chủ tài chính và đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá.
Kết luận buổi làm việc, ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội tán thành việc đẩy mạnh cơ chế tự chủ và xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp để giải quyết bài toán biên chế. Về vấn đề vượt biên chế, ông Uông Chu Lưu cho biết, thành phố cần có lộ trình cụ thể để rà soát, sắp xếp lại, thực hiện đúng chỉ tiêu về tinh giản biên chế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: “Bây giờ các đồng chí phải rà soát, sắp xếp lại 3000 biên chế vượt quy định của Trung ương giao, và phải bảo đảm từ nay đến 2021 phải giảm được 10%, và mỗi năm cắt giảm 1,5-2% “./.
Ý kiến ()