Thứ Ba, 26/11/2024 13:49 (GMT +7)

TPHCM: Bố trí bệnh viện riêng điều trị người nhiễm biến thể Omicron

Thứ 3, 07/12/2021 | 08:09:00 [GMT +7] A  A

Khi phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron, ngành chức năng sẽ đưa người nhiễm chủng này vào Bệnh viện dã chiến số 12 để cách ly, điều trị. Bệnh viện này đã hoàn thành sứ mệnh trong đợt dịch vừa rồi, hiện đang trống và nằm tương đối biệt lập. Bên cạnh đó, lực lượng y bác sĩ sẽ có bộ phận tăng cường khi số lượng bệnh nhân tăng cao.

Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM thông tin tại buổi họp báo

Chiều 6-12, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải chủ trì buổi họp báo.

ch hoạt lại tổ tư vấn tâm lý tại trường học

Thông tin tại buổi họp báo, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải cho biết, UBND TPHCM vừa công bố thành phố tiếp tục duy trì cấp độ dịch thứ 2. Trong đó, quận 11 và huyện Cần Giờ tăng cấp độ dịch từ 1 lên 2; quận 4 tăng từ 2 lên cấp 3.

Theo phân loại, 8 địa phương đạt cấp 1 (quận 1, 6, 7, 8, Tân Bình, Tân Phú, huyện Bình Chánh, Củ Chi); 13 địa phương ở cấp 2 (quận 3, 5, 10, 11, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, TP Thủ Đức, huyện Cần Giờ, Hóc Môn, Nhà Bè) và quận 4 là địa phương duy nhất ở cấp độ 3.

Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, theo kết quả khảo sát phụ huynh học sinh (PHHS) thì có đến hơn 70% PHHS không đồng ý cho học sinh lớp 1 đến trường từ ngày 13-12. Để PHHS yên tâm khi đưa con đến trường, ngành GD-ĐT phối hợp với ngành y tế và các địa phương xây dựng kế hoạch đi học trở lại cho các em một cách cụ thể, chỉn chu; đồng thời vận động, tuyên truyền để PHHS yên tâm khi các em quay trở lại trường.

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT cũng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn như: Sở Y tế, Trường Đại học Y dược TPHCM, Đại học Sư phạm để có phương án nhằm đảm bảo tâm lý cho phụ huynh và học sinh khi quay lại trường.

Đặc biệt là kích hoạt lại tổ tư vấn tâm lý tại trường học để xử lý tình huống khi học sinh hay phụ huynh có vấn đề về sang chấn tâm lý; đồng thời nâng đỡ tâm lý, tinh thần đối với học sinh thuộc nhóm yếu thế; phối hợp với Sở Y tế thực hiện nhiều bước để bồi dưỡng đội ngũ, thẩm định các phương án về an toàn phòng chống dịch tại các đơn vị.

Căn cứ vào kết quả 2 tuần thí điểm, Sở GD-ĐT và Sở Y tế sẽ phối hợp, tổng hợp ý kiến của 21 quận, huyện và TP Thủ Đức trình UBND TP tính toán lộ trình mở rộng việc đi học trực tiếp từ ngày 3-1.

Không tiếp tục giải thể bệnh viện dã chiến:

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), TPHCM chưa ghi nhận ca nhiễm nào từ biến thể Omicron. Hiện ngành y tế đã và đang tập trung ngăn chặn nguy cơ từ nguồn xuất nhập cảnh chính thức như Cảng hàng không quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, Cảng hàng hải…

Đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 vào thành phố sẽ phải cách ly tập trung 7 ngày, cách ly tại nhà 7 ngày. Trường hợp người nhập cảnh dương tính SARS-CoV-2, HCDC sẽ phối hợp Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới giải trình tự gen để phân tích.

Đối với nguồn nhập cảnh không chính thức, là người không nhập cảnh tại TPHCM mà có thể từ các đường bộ ở Tây Ninh, Long An; thậm chí từ biên giới phía Bắc nhập cảnh “chui” len lỏi vào TPHCM thì ngành y tế phối hợp lực lượng công an để rà soát, kiểm soát, ngăn chặn. Trong thời gian tới, ngành y tế tiếp tục tăng cường kiểm soát dịch trong nội địa, sẵn sàng ứng phó cấp độ dịch phù hợp, tăng cường nhân lực cho trạm y tế lưu động,…

Để chủ động đối phó với biến thể mới, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Covid-19 TPHCM, Sở Y tế phối hợp Bộ Tư lệnh, Công an TP tham mưu thế trận y tế, nhận diện từ xa. Ba bộ phận này có kế hoạch tác chiến, theo chức năng nhiệm vụ chống dịch hiệu quả, làm sao khống chế, nhanh chóng ngăn chặn được biến chủng mới này.

Khi phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron, ngành chức năng sẽ đưa người nhiễm chủng này vào Bệnh viện dã chiến số 12 để cách ly, điều trị. Bệnh viện này đã hoàn thành sứ mệnh trong đợt dịch vừa rồi, hiện đang trống và tương đối biệt lập. Bên cạnh đó, lực lượng y bác sĩ sẽ có bộ phận tăng cường khi số lượng bệnh nhân tăng cao.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, TPHCM đã giải thể 8 bệnh viện dã chiến, 13 bệnh viện dã chiến còn lại sẽ không giải thể theo lộ trình từng đặt ra. Sở Y tế sẽ tái cấu trúc lại các đơn vị này để đủ điều kiện thành bệnh viện 3 tầng nhằm cứu chữa bệnh nhân kịp thời trong mọi tình huống. Sở cũng hướng dẫn các bệnh viện sẵn sàng hậu cần, phân bổ nguồn lực để đáp ứng mọi tình huống theo kịch bản.

“TPHCM hiện có 310 trạm y tế cố định và đến nay đã tăng cường thêm 382 trạm y tế lưu động. Trong đó, quân y phụ trách 168 trạm. Thành phố lập 214 trạm nhằm hỗ trợ kịp thời trạm y tế cố định cũng như địa phương trong tiếp nhận, thu dung và chăm sóc F0 đang được điều trị, cách ly y tế tại nhà”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin và cho biết, sở cũng đang duy trì cung ứng thuốc cho F0 đang điều trị tại nhà. Ngoài Molnupiravir, TPHCM được cung ứng thêm Favipiravir để đáp ứng cho các trạm y tế. Bên cạnh đó, TP cũng được hỗ trợ thêm các sản phẩm đông y để chăm sóc sức khỏe bệnh nhân Covid-19.

Theo SGGP Online

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu