Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:22 (GMT +7)
Trà hoa vàng – cây trồng giá trị kinh tế cao
Thứ 5, 21/01/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Vào ngày 17/1 tới đây, huyện vùng cao Ba Chẽ (Quảng Ninh) sẽ tổ chức Lễ hội trà hoa vàng lần đầu tiên nhằm quảng bá tiềm năng thế mạnh, các sản phẩm thương hiệu, những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn nói chung và tôn vinh cây trà hoa vàng nói riêng.
Thương lái thu mua với giá cao
Là cây mọc tự nhiên trong vùng rừng cao Ba Chẽ từ rất lâu nhưng gần đây trà hoa vàng mới được nhiều người biết đến khi giá bán của nó tại hội chợ “Mỗi xã phường một sản phẩm” (OCOP) cao ngất ngưởng, lên tới 15 triệu đồng/kg khô.
Theo tờ Camellia International Journal – Tạp chí chuyên nghiên cứu về trà hoa vàng của thế giới, các hợp chất của trà hoa vàng có khả năng kiềm chế sự sinh trưởng của các khối u đến 33,8%; giúp giảm đến 35% hàm lượng cholesterol trong máu (mỡ máu) . Ngoài ra, loại trà này còn có khả năng làm giảm triệu chứng xơ vữa động mạch do máu nhiễm mỡ, điều hòa huyết áp và chữa các bệnh về tim mạch, tiểu đường, u bướu…
Đồi trà hoa vàng sắp thu hoạch của người dân Ba Chẽ. |
Bí thư Huyện ủy Ba Chẽ, bà Đỗ Thị Lan cho biết, để tìm hiểu thực tế và có cơ sở khoa học, huyện đã trực tiếp mời Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Ơn ở Trường Đại học Dược Hà Nội nghiên cứu về loại thảo dược này. Kết luận cho thấy, hoa và lá cây trà bao hàm hơn 400 thành phần hoá học, không có độc và tác dụng phụ, trong đó phải kể tới Saponin, các hợp chất phenolic, amio acid, axit folic, protein, vitamin B1, B2, C, E, axit béo… cùng rất nhiều các thành phần dinh dưỡng tự nhiên; trà hoa vàng có vài chục loại axitamin, rất nhiều các nguyên tố vi lượng Ge, Se, Mo, Zn, V… có tác dụng bảo vệ sức khỏe, nâng cao sức đề kháng, ngăn ngừa bệnh tật…
Do bán cho các thương lái người Trung Quốc được giá cao, những năm gần đây bà con Ba Chẽ đã đưa trà hoa vàng vào trồng đại trà. Đi đầu trong phong trào trồng, sản xuất, chế biến dược liệu này là gia đình anh Nịnh Văn Trắng ở xã Đạp Thanh. Anh Trắng cho biết năm 2009, anh và một số hộ dân bắt đầu trồng trà hoa vàng. Đến nay, gia đình anh đã có 4 ha trà hoa vàng; trong đó có khoảng 4.000 m2 cho thu hoạch với sản lượng khoảng 1 tạ hoa tươi, 20 kg hoa khô/năm.
Cũng theo anh Trắng, cây trà hoa vàng phải trồng 3 năm mới cho thu hoạch lá, 4 năm mới cho thu hoạch hoa. Giá lá tươi vào khoảng 300.000 đồng/kg, hoa tươi có giá khoảng 1,3 – 1,8 triệu đồng/kg, hoa khô giá khoảng 15 triệu đồng/kg. Hiện diện tích trà hoa vàng ở Ba Chẽ chưa nhiều nên sản lượng cả huyện chỉ vào khoảng từ 8 tạ đến 1 tấn hoa tươi và khoảng 1 tạ hoa khô.
Quy hoạch vùng trồng dược liệu
Thấy hiệu quả của cây dược liệu mới, chính quyền huyện Ba Chẽ cũng nhanh chóng xây dựng quy hoạch vùng trồng dược liệu trên 3.000 ha; trong đó trồng cây trà hoa vàng 500 ha. Hiện tổng diện tích toàn huyện đã trồng khoảng 100 ha trà hoa vàng, đã cho thu hoạch diện tích trên 10 ha. Tuy nhiên, vẫn còn đó những mối lo cho cây dược liệu quý vừa được khám phá này bởi chưa có công trình khoa học nào đánh giá tổng thể giá trị, công dụng thực tế của cây trà hoa vàng. Thêm vào đó, thị trường tiêu thụ chủ yếu vẫn là phía Trung Quốc nên giá của trà hoa vàng hoàn toàn do phía thương nhân Trung Quốc định ra khoảng 2/3 sản lượng trà hoa vàng được tiêu thụ bởi các thương nhân người Trung Quốc.
Gần đây, người tiêu dùng trong nước cũng đã tìm đến với sản phẩm trà hoa vàng. Một phần khá lớn được tiêu thụ qua các hội chợ OCOP do tỉnh Quảng Ninh tổ chức. Tuy nhiên, đa phần người tiêu dùng trong nước mua trà hoa vàng đều do hiếu kỳ bởi thực sự chưa có bất kỳ thông tin chính thống nào về công dụng của loại trà này.
Hiện người dân Ba Chẽ đang mong chờ các nhà khoa học sớm vào cuộc để tìm được giá trị đích thực của cây trà hoa vàng, giúp địa phương có định hướng đúng đắn trong quy hoạch phát triển cây dược liệu này để tránh những rủi ro không đáng có cho người dân vùng cao đang nỗ lực tìm cách thoát nghèo…
Ý kiến ()