Chủ Nhật, 24/11/2024 16:43 (GMT +7)

Trải nghiệm “du lịch nông nghiệp” ở trang trại dâu tây.

Thứ 5, 25/02/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Cây dâu tây hiện là một trong những nông sản được người dân thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) trồng ở các trang trại suốt nhiều năm qua. Nhờ ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để trồng dâu sạch, an toàn những chủ vườn dâu tây Đà Lạt không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng mà còn biến vườn dâu của mình trở thành những điểm “du lịch nông nghiệp” độc đáo.

Đà Lạt với khí hậu ôn hòa mát mẻ quanh năm, là nơi rất thích hợp trồng và phát triển dâu tây. Hiện nay, Đà Lạt có khoảng 350ha đất trồng dâu tây tập trung ở các phường 7, phường 9, phường 10 của thành phố Đà Lạt với bốn giống dâu tây được ưu chuộng nhất: dâu Pháp, dâu Mỹ, dâu New Zealand và dâu Nhật.

Dâu tây Đà Lạt có màu sắc căng mọng bắt mắt, thịt giòn, có vị ngọt, chua và đặc biệt là mỗi loại dâu đều có hương thơm đặc trưng, chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn một số loại cây quả khác. Dâu tây Đà Lạt rất được ưu chuộng ở các thành phố lớn như: Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ…

Có hai phương pháp trồng dâu tây ở Đà Lạt, trong đó phương pháp truyền thống trồng dâu dưới đất nhằm tận dụng khí hậu tự nhiên và áp dụng các phương pháp chăm sóc theo tiêu chuẩn sạch vẫn được nhiều hộ nông dân canh tác. Cách trồng này giúp cây dâu sinh trưởng và phát triển mạnh, tự nhiên và vẫn giữ nguyên chất lượng trái cây, tuy nhiên thời gian từ lúc bắt đầu trồng đến khi thu hoạch là khá lâu.

Đà Lạt hiện có khoảng 350ha đất trồng dâu tây, được trồng thành những trang trại lớn
với các giống dâu tây được ưa chuộng củaPháp, Mỹ, New Zealand và Nhật Bản.

Phương pháp chăm sóc theo tiêu chuẩn sạch vẫn được nhiều hộ nông dân canh tác.


Cây dâu tây đang bói quả trên những nhà vườn ở Đà Lạt.


Dâu tây hiện là một trong những nông sản thu hoạch chính của người dân thành phố Đà Lạt.

Trái dâu tây thành phẩm thu hoạch sau khoảng 4,5 đến 5 tháng trồng và chăm sóc trên các trang trại.


Du khách đến Đà Lạt trải nghiệm “du lịch nông nghiệp” độc đáo tại địa phương.


Dâu tây chín được du khách chọn mua ở Đà Lạt.


Cách trồng dâu tây theo tiêu chuẩn sạch, giúp cây cây dâu sinh trưởng
và phát triển mạnh, tự nhiên và vẫn giữ nguyên chất lượng trái cây.

 

Theo ông Trần Anh Sơn, chủ vườn dâu Khánh Ngọc (phường 7) thì mất khoảng 4 đến 5 tháng trồng và chăm sóc thì dâu mới có trái. Trong quá trình chăm bón phải tuân thủ nghiệm ngặt các biện pháp bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh thì trái dâu mới đạt tiêu chuân, đảm bảo giá trị dinh dưỡng và màu sắc, hương vị đặc trưng, không thể lẫn với các nơi khác.

Vườn dâu tây của ông Sơn rộng 1ha trồng đa phần là các giống dâu Mỹ, Pháp và Nhật. Sau 5 tháng chăm sóc, vườn dâu cho trái quanh năm. Với giá dâu tây dao động từ 80.000 đến 120.000đ tùy theo từng loại, hàng năm ông Sơn thu được lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng.

Một phương pháp trồng dâu tây mới hiện nay đang được áp dựng là phương pháp thủy canh ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất. Dâu tây được trồng trong chậu đặt trên giàn cách mặt đất khoảng 1m và đặt trong nhà màng hoặc nhà kính để thuận lợi chăm sóc và bảo vệ. Cách trồng này đòi hỏi vốn đầu tư cao và tốn nhiều công chăm sóc, tuy nhiên thời gian chăm sóc được rút ngắn và chất lượng trái dâu sẽ tốt hơn khi trồng ở đất, vì thế giá bán loại này cũng cao gấp 4 – 5 lần loại thường. Nông trại Bio Fresh (phường 10), vườn dâu Hiệp Lực (phường 8), vườn dâu Nguyễn Thành Trung (phường 9)… ứng dụng phương pháp thủy canh đang mang lại hiểu quả ban đầu rất khả quan.

Gần đây, đông đảo du khách khi đến du lịch ở Đà Lạt rất thích thú tìm đến tham quan và mua trái dâu tươi tại vườn, hình thành nên loại hình “du lịch nông nghiệp” độc đáo tại địa phương. Khi đến các vườn dâu, du khách sẽ được tham quan những luống dâu xanh rì, chụp hình bên những luống dâu xinh đẹp và chín mọng, được tự chọn hái dâu thưởng thức ngay tại vườn và mua về làm quà cho người thân.

Việc khai thác các mô hình làm nông nghiệp công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế và phát triển du lịch như trồng dâu tây đang là định hướng của tỉnh Lâm Đồng nói chung của Tp. Đà Lạt nói riêng trong thời gian tới./.


 

Bài: Sơn Nghĩa – Ảnh: Đặng Kim Phương

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu