Thứ Hai, 25/11/2024 00:53 (GMT +7)

Trải nghiệm Xuân yêu thương

Thứ 7, 30/01/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Không có bục giảng, không phấn trắng bảng đen, không thầy cô, không sách vở mà chỉ có các anh chị cán bộ đoàn trẻ trung dẫn dắt các em tham gia vào các trò chơi, gợi mở suy nghĩ của các em về giá trị văn hóa của ngày Tết cổ truyền và tình cảm thiêng liêng của bậc sinh thành được tổ chức tại trung tâm sinh hoạt thanh thiếu nhi tỉnh Long An , nơi có hơn 40 em học sinh trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Cần Đước đang cuốn hút vào những cung bậc cảm xúc trong chương trình học làm người hiếu thảo với chủ đề “Xuân yêu thương”.

Trước khi bước vào tâm điểm của việc học làm người hiếu thảo, 40 em học sinh của trung tâm phải trải qua thử thách nấu 1 bữa ăn truyền thống ngày Tết với hương vị đặc trưng của miền Nam là thịt kho tàu, dưa giá chua ngọt và khổ qua hầm. Điều thú vị và ý nghĩa hơn cả là các anh chị cán bộ đoàn ở đây không biết cố tình hay ngụ ý đã để cho các em nấu cơm bằng bếp củi. Làn khói bếp quen thuộc, cay cay, gợi nhớ về mẹ, về những bữa cơm gia đình đầm ấm mà mỗi ngày em đều được thưởng thức nhưng lại chưa một lần cảm ơn mẹ về điều đó. Tự nấu và tự thưởng thức để cảm nhận thành quả lao động ngọt ngào do chính mình tạo ra, có ý nghĩa nhắc nhớ các em hơn cả những lời diễn thuyết đơn thuần.

Các b¡n sinh viên ang làm thiÇp và cây mai t¿t t¡i ngày hÙi ¢nh: N.HÙNG

Tự tay trang trí, làm thiệp tết. Ảnh minh họa

Mâm cỗ thôi chưa đủ, nói đến Tết sẽ là thiếu nếu không nhắc đến những cành mai vàng khoe sắc trong cái nắng phương Nam ấm áp và món bánh Tét truyền thống. Mùa xuân dường như đến sớm hơn, khi các em học sinh hòa mình vào không khí Tết cổ truyền với việc tự tay trang trí những nhành hoa mai và làm thiệp Tết cùng những câu chúc ý nghĩa, đong đầy tình yêu thương về sự đoàn viên của gia đình trong 3 ngày Xuân. Và những đòn bánh Tét tuy còn vụn về nhưng quan trọng là nét đẹp văn hóa mà các em cảm thụ được khi tự mình học từ cách gói bánh đến cách buộc dây sao cho bánh vừa tròn vừa đều.

Đêm….không gian được khuấy động bởi phần thi táo quân – phần thi giúp các em tìm hiểu về sự tích và phong tục đưa táo quân về trời đêm 23 âm lịch. Giá trị văn hóa ngày Tết cổ truyền của người dân Nam Bộ đang hội tụ về đây với đầy đủ hương, sắc với không khí ấm cúng, vui tươi và nôn nao.

Một ngày “Học làm người hiếu thảo” được đẩy lên cao trào của niềm xúc cảm khi các em học sinh chưa ngoan, thường xuyên vi phạm nội quy trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Cần Đước lắng nghe những câu chuyện kể chất chứa nhiều ý nghĩa giá trị, bài học làm người mà trong đó chữ hiếu là đạo làm đầu. Xâu chuỗi các câu chuyện kể về những người con chưa ngoan, thậm chí là đối đãi tệ bạc với ba mẹ, nhưng vượt lên trên tất cả những nỗi cơ cực, nỗi đau về tinh thần là sự hy sinh thầm lặng mà không mong đền đáp của những bậc sinh thành… Đó như “tiếng chuông” đánh thức trong tâm hồn của các em – vốn từ lâu đã ngủ quên trong bóng đêm của sự “thờ ơ, ích kỷ”…..Và khi các em thấu hiểu thì cảm xúc trào dâng thành những tiếng nấc nghẹn ngào……. để rồi vỡ òa thành những giọt nước mắt! Giọt nước mắt hạnh phúc vì được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Giọt nước mắt hối hận vì những lầm lỗi đã khiến cho đấng sinh thành phải đau lòng…!

Trước thực trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống, tội phạm và bạo lực trong một bộ phận học sinh, thanh thiếu niên vẫn xảy ra, đang gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội thì việc trang bị nhiều hơn cho học sinh những kỹ năng sống và dạy như thế nào để thu hút, để tác động sâu sắc đến nhận thức, thái độ, hành vi của học sinh, thanh thiếu nhi là công việc không chỉ riêng của đoàn thanh niên mà cần có tiếng nói chung giữa gia đình, nhà trường và xã hội./.

Duy Huệ – Đức Cảnh

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu