Thứ Tư, 27/11/2024 17:39 (GMT +7)

Trên 1.150 doanh nghiệp tham gia triển lãm quốc tế công nghiệp dệt may 2017

Thứ 4, 29/03/2017 | 08:40:00 [GMT +7] A  A

Nhằm giúp các doanh nghiệp dệt may có thêm thông tin và cơ hội tiếp cận công nghệ sản xuất mới nhất, Triển lãm Quốc tế công nghiệp dệt may – thiết bị, nguyên phụ liệu 2017 (Saigon Tex 2017) sẽ được tổ chức từ ngày 5-8/4 để giới thiệu các loại thiết bị sợi, dệt, nhuộm; dây chuyền may thêu tự động, máy đo và cắt vải tự động; phần mềm thiết kế, nguyên phụ liệu, vải, sợi… của các công ty hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực thiết bị và nguyên phụ liệu dệt may.

Triển lãm Saigon Tex có quy mô quốc tế lớn và thu hút trên 1.150 doanh nghiệp ở 23 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Ảnh: CTV

Ngoài ra, triển lãm Saigon Tex 2017 còn giúp doanh nghiệp định hướng đầu tư thêm nguồn nguyên phụ liệu và chủ động đáp ứng nhu cầu của khách mua hàng trong và ngoài nước, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, góp phần vào việc phát triển ngành dệt may Việt Nam hội nhập hiệu quả hơn với quốc tế.

Theo Ban tổ chức triển lãm, Saigon Tex 2017 là sự kiện quốc tế thường niên và có quy mô lớn. Vì thế, triển lãm lần này đã thu hút trên 1.150 doanh nghiệp đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia. Cụ thể như Bỉ, Canada, Trung Quốc, Cộng hòa Séc, Pháp, Đức, Hồng Kông, Ấn Độ, Indo, Italy, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, Hà Lan, Singapore, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Đài Loan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh Quốc, Mỹ và Việt Nam.

Điểm nhấn của triển lãm Saigon Tex 2017 có nhiều doanh nghiệp sản xuất – thương mại máy móc thiệt bị dệt và may nổi tiếng trong nước và quốc tế tham gia, như ACIMIT (Hiệp hội các nhà sản xuất máy dệt Ý), Hiệp hội các nhà sản xuất máy dệt tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), KOSMIA (Hiệp hội các nhà sản xuất máy may Hàn Quốc)… Với những thương hiệu nổi tiếng – máy móc và thiết bị cho ngành may mặc có thương hiệu Brother, Jamesheal, Mitsubishi, Nakata, Vim, Brotex…

Điểm nổi bật công nghệ tự động hóa trong ngành may mặc có: Hệ thống tự động xả vải và phân tích mẫu vải (Anh Quốc), hệ thống CAD, máy trải vải, băng truyền, máy đính nhãn, máy cắt vải tự động (Ý), máy lập trình may rập tự động (Trung Quốc), thiết bị chuyên dùng đồng bộ kỹ thuật cao – máy may công nghiệp chất lượng cao của Đức hay Nhật Bản, máy ủi ép dập (Ý)…

Với thương hiệu nổi tiếng về ngành công nghiệp sợi, dệt và nhuộm, có Rieter, Uster, Savio, Sussen, Itema, Toyota, Sanmit, Airlin, Then, Goller… Về vải và nguyên phụ liệu, có những thương hiệu đạt tiêu chuẩn cao về chất lượng vải như BCI (Better Cotton Inititative), EZZY Fabric, Global Organic Standard, ISO9001…

Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thể dễ dàng tìm thấy trong Saigon Tex 2017 nhiều khái niệm mới về vải, như: sợi tẩy trắng, vật liệu tơ sợi nguồn gốc thực vật, tơ nhân tạo, sợi đay gai, sợi acrylic, sợi viscose, sợi spandex, sợi cao su, sơi BCI, len, polyester, organic, lycra blend, CVC, keo dựng, keo vải, keo giấy, logo in chuyển nhiệt, vải in hoa , vải dệt thả sợi màu, vải dệt kim, vải denim, ren, nỉ, vải không dệt, vải cho nhà bếp, vải T/C, vải đồ lót, vải định dạng cho may mặc, lông mink, lông thỏ Otter, cổ áo lông cừu, ruy băng, dây khóa kéo, băng nhám, băng lông, nút làm từ vỏ ngọc trai, từ Corozo, từ kim loại…

Ông Saurav Ujjain, cố vấn cấp cao của Threadsol Việt Nam – một trong những doanh nghiệp tham gia triển lãm Saigon Tex 2017 cho biết, ngoài tham gia trưng bày, ThreadSol sẽ trình bày các tầm nhìn chiến lược của mình cho ngành may mặc Việt Nam. Cụ thể, những thách thức mà các nhà sản xuất thường phải đối mặt trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ và sự gia tăng lương bổng như hiện nay có thể được cân bằng bởi những cơ hội tiềm ẩn trong việc tiết kiệm nguyên vật liệu.

Tầm nhìn tương lai của ThreadSol là đưa ra một sản phẩm công nghệ đột phá có khả năng thúc đẩy ngành sản xuất may mặc bằng cách đánh mạnh vào chi phí vật liệu. Điều này nhằm để tách biệt các nhà sản xuất ra khỏi môi trường cạnh tranh thái quá trong việc tăng trưởng lợi nhuận và thay vào đó tập trung hơn vào dịch vụ khách hàng.

“Đây là thời điểm mà các doanh nghiệp sản xuất may mặc Việt Nam phải nhận ra tầm ảnh hưởng của giá thành vật tư lên lợi nhuận. Bằng cách áp dụng các công nghê tiên tiến, tự động hóa dây chuyền sản xuất, doanh nghiệp mới có cơ hội trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt”, ông Manasij Ganguli, CEO của ThreadSol cho hay.

Bàn thêm về vấn đề này, ông Saurav Ujjain cho biết: “Chúng tôi nhận thấy Việt Nam đang có mục tiêu đạt được 40 triệu đô xuất khẩu ngành may mặc trong vòng 5 năm tới. Đây là một điểm rất quan trọng khi chi phí vật liệu cần phải giảm xuống để giúp cải thiện lợi nhuận, nhất là khi các thương hiệu đang liên tục gây sức ép cho các nhà sản xuất để có mức giá thấp hơn. Theo đó, Threadsol đưa ra giải pháp IntelloBuy và IntelloCut nhằm giảm chi phí sản xuất vải cho doanh nghiệp”.

“Với các giải pháp của ThreadSol, chúng tôi giúp tiết kiệm lên tới 10% chi phí nguyên vật liệu để đảm bảo lợi nhuận của các nhà sản xuất sẽ tăng tưởng từ 50 đến 60%”, ông Saurav Ujjain cho hay.

Hải Yên/Báo Tin Tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu