Theo Bộ Tài chính, thuế BVMT là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường nên chi phí thuế BVMT sẽ được chuyển vào giá thành sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế BVMT và người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thuế BVMT. Với việc giảm thuế BVMT đối với nhiên liệu bay sẽ góp phần trực tiếp giảm giá nhiên liệu bay. Đây là nguyên liệu đầu vào không thể thiếu để vận hành các chuyến bay. Từ đó, góp phần giúp doanh nghiệp hàng không duy trì hoạt động, tăng doanh thu, bù đắp chi phí, tổn thất do dịch Covid-19 cho ngành hàng không.
“Việc giảm mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không, qua đó gián tiếp thúc đẩy một số ngành nghề khác như thương mại, du lịch, dịch vụ… là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn sau dịch”, tờ trình của Bộ Tài chính nêu rõ.
Đối với ngân sách nhà nước, việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đồng nghĩa mức thu thuế giá trị gia tăng đối với nhiên liệu bay cũng giảm tương ứng 10% so với mức giảm thuế bảo vệ môi trường (90 đồng/lít), khiến số thu thuế bảo vệ môi trường giảm khoảng 72 – 80 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên, việc giảm thuế BVMT sẽ góp phần giúp doanh nghiệp vận tải hàng không giảm bớt gánh nặng tài chính, duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường, việc hạn chế nhập cảnh được dự báo vẫn phải kéo dài thời gian thực hiện.
Đối với xã hội, việc giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần giảm chi phí bay, gián tiếp tạo nguồn tài chính cho doanh nghiệp, góp phần duy trì, phát triển doanh nghiệp, gia tăng nhu cầu sử dụng lao động, hạn chế tình trạng cắt giảm lao động.
Trước đó, ngày 17/6/2020, Bộ Tài chính có Công văn số 7313/BTC-CST gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Ngày 23/6/2020, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo thẩm định số 131/BCTĐ-BTP về dự án Nghị quyết. Ngày 25/6/2020, Bộ Tài chính đã nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để hoàn thiện và trình Chính phủ.
Theo báo cáo của Vietnam Airlines, tính đến hết quý II/2020, số chuyến bay toàn mạng giảm 32.700 chuyến bay, giảm 88,2% so với kế hoạch; số lượng khách vận chuyển giảm khoảng 5,67 triệu khách, giảm 89,3% so với kế hoạch. Dự kiến trong năm 2020, doanh thu Vietnam Airlines giảm 49.300 tỷ đồng và mức lỗ lên đến gần 16.000 tỷ đồng, dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 17.000 tỷ đồng trong năm 2020.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, dự báo thị trường vận chuyển năm 2020, nếu dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6/2020, có tính đến hủy toàn bộ các chuyến bay đi, đến Hàn Quốc, tổng thị trường chỉ đạt 61,2 triệu khách, giảm 22,6% so 2019, trong đó, các hãng Việt Nam vận chuyển được 10,4 triệu khách quốc tế (giảm 41,2%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5 %), tổng vận chuyển chỉ đạt 45,7 triệu khách (giảm 17% so cùng kỳ).
Sự ngưng trệ của ngành hàng không cũng mang lại những tác động tiêu cực đến sự phát triển của các ngành kinh tế mũi nhọn, bao gồm thương mại, dịch vụ, du lịch… bởi vai trò quan trọng của ngành hàng không trong việc cung ứng các dịch vụ trung gian liên quan đến vận chuyển, trung chuyển hành khách và hàng hoá.
“Nghị quyết nhằm góp phần hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải hàng không trước bối cảnh dịch Covid-19; giảm chi phí cho ngành hàng không nhằm kích thích nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không. Đồng thời, đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 trên cơ sở phù hợp với bối cảnh NSNN trong giai đoạn hiện nay và phù hợp với bối cảnh chung của nhiều nước trên thế giới trong việc đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch Covid-19”, đại diện Bộ Tài chính cho hay./.
Ý kiến ()