Thứ Hai, 25/11/2024 00:59 (GMT +7)

Trưng bày chuyên đề ‘Quốc hiệu và kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử’

Thứ 5, 20/06/2019 | 16:07:00 [GMT +7] A  A

Trưng bày chuyên đề “Quốc hiệu và kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử” đã chính thức khai mạc sáng 20/6 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Hà Nội.

Các đại biểu tham quan trưng bày “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử”. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Sự kiện do Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước – Bộ Nội vụ, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng tỉnh Ninh Bình, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ phối hợp tổ chức

Thông qua trưng bày, Ban Tổ chức mong muốn giới thiệu đến công chúng cả nước và bạn bè quốc tế các tư liệu lịch sử, bằng chứng vật chất thể hiện khát vọng và ý chí độc lập, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc của các bậc tiền nhân nước Việt.

Đến tham quan trưng bày, công chúng có cơ hội thưởng lãm hơn 100 hiện vật đặc sắc, đa dạng về kiểu dáng, kích thước, chất liệu, chứa đựng những giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cao, có niên đại từ thời văn hóa Đông Sơn đến ngày nay. Các hiện vật, dấu tích kiến trúc là kết quả nghiên cứu khai quật, nghiên cứu khảo cổ học về các kinh đô cổ của Việt Nam. Ngoài ra còn có các tư liệu mộc bản triều Nguyễn, đặc biệt, có hai hiện vật là trống đồng Cảnh Thịnh và ấn “Đại Nam Thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ” – là 2 trong số 20 bảo vật quốc gia hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Các đại biểu tham quan trưng bày “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử”. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Trưng bày “Quốc hiệu và kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử” giới thiệu tới công chúng 3 nội dung chính. Phần 1 là về quốc hiệu Văn Lang, Âu Lạc và thời kỳ dựng nước đầu tiên. Phần 2 nói về thời kỳ quân chủ phong kiến độc lập; phần 3 là từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay.

Theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Quốc hiệu là tên chính thức được dùng trong quan hệ ngoại giao, pháp lý, thương mại…, biểu thị tính chính thống của một vương triều hay chính phủ của mỗi quốc gia. Bên cạnh đó, quốc hiệu cũng thể hiện quốc thể, chủ quyền lãnh thổ, thể chế chính trị của một dân tộc trên trường quốc tế. Cùng với quốc hiệu, kinh đô (thủ đô) cũng luôn được các nhà nước đặc biệt coi trọng.

Trải qua hàng ngàn năm, đất nước Việt Nam đã mang nhiều quốc hiệu ứng với từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Việc đặt quốc hiệu của các triều đại phong kiến thể hiện lòng tự tôn dân tộc với các danh xưng như: Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Ngu (đất nước bình yên), Đại Nam, Việt Nam… Việc lựa chọn vùng đất để đặt kinh đô cũng đặc biệt được coi trọng với vai trò là trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế và văn hoá của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử nhất định. Kế thừa truyền thống dân tộc, sau khi thực hiện thành công Cách mạng tháng Tám và đấu tranh thống nhất đất nước, Việt Nam đã lấy quốc hiệu là nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và đặt thủ đô tại Hà Nội – Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Trưng bày chuyên đề “Quốc hiệu và kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử” mở cửa phục vụ công chúng đến hết tháng 10/2019 tại số 1, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Thanh Giang (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu