Chủ Nhật, 24/11/2024 00:31 (GMT +7)

Trung Quốc nỗ lực trong cuộc đua vắc-xin COVID-19

Thứ 5, 28/05/2020 | 09:46:00 [GMT +7] A  A

Chính phủ Trung Quốc đang tăng cường hỗ trợ các nhà phát triển vắc-xin nội địa, trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang chạy đua tìm kiếm phương cách trị bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thị sát tiến trình phát triển vắc xin tại Viện Hàn lâm Khoa học Quân y ở Bắc Kinh. Ảnh: Getty Images

Quy mô và tốc độ trong nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin phòng virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) tại Trung Quốc đang gây áp lực lớn lên Mỹ – nơi chính quyền Tổng thống Donald Trump mới đây đã phát động chương trình đầy tham vọng có tên gọi “Operation Warp Speed” nhằm đẩy nhanh việc phát triển, điều chế vắc-xin. Nếu Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên sản xuất thành công vắc-xin ngừa COVID-19, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ sở hữu quyền lực địa chính trị to lớn.

5 mẫu vắc-xin COVID-19 do các công ty Trung Quốc phát triển đang được thử nghiệm lâm sàng trên người, nhiều hơn bất kỳ nước nào. Bắc Kinh đã huy động các cơ sở y tế, các viện nghiên cứu, chuyên gia quản lý ngành dược cùng hợp tác với các công ty trong nước.

Nỗ lực của Trung Quốc đã được ghi nhận vào ngày 22/5, với việc cho công bố một công trình nghiên cứu giai đoạn đầu trên tạp chí y khoa “The Lancet”. Theo đó, một mẫu vắc-xin thử nghiệm do hãng CanSino Biologics (Trung Quốc) điều chế được chứng minh là an toàn và tạo ra phản ứng miễn dịch.

Trước đó, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình nhà nước CCTV hồi tháng 4, ông Gao Fu – Giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc cho biết, nước này có thể sẽ có được vắc-xin dùng cho trường hợp khẩn cấp vào tháng 9 và việc thương mại hóa rộng rãi sẽ được thực hiện vào đầu năm 2021.

Hiện còn quá sớm để dự báo về sự thành công của loại vắc-xin này. Nhưng việc sớm cho công bố kết quả trên một tạp chí y học quốc tế cho thấy nỗ lực thực sự của Trung Quốc. Nước này cũng đang theo đuổi một số vắc-xin tiềm tàng khác sử dụng nhiều công nghệ truyền thống hơn, dễ sản xuất hàng loạt hơn.

Trung Quốc đang đối mặt cạnh tranh gay gắt từ Anh, Mỹ và hiện rất khó để đoán định sản phẩm vắc-xin thử nghiệm nào sẽ có hiệu quả và cán đích đầu tiên. Nhưng quốc gia nào có được vắc-xin thành công sớm nhất đồng nghĩa với việc họ sẽ có trong tay “một vũ khí quan trọng” trong bối cảnh các nước tìm cách mở cửa trở lại, khôi phục kinh tế vốn bị tàn phá bởi dịch bệnh.

Ông Tập Cận Bình đang tìm cách khôi phục lại hình ảnh, uy tín của Trung Quốc sau những chỉ trích toàn cầu đối với việc Bắc Kinh xử lý đại dịch bùng phát ở Vũ hán. Ông cam kết một khi được chứng nhận sử dụng, vắc-xin do Trung Quốc sản xuất sẽ là mặt hàng đối với toàn cầu, các nước đang phát triển đều có thể tiếp cận.

Trên phạm vi toàn cầu, dữ liệu từ một loạt các công ty dược cho thấy để có thể tuyên bố chiến thắng trong cuộc đua tìm kiếm vắc-xin, còn rất nhiều việc phải làm. Tại Mỹ, công ty dược Moderna đã công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, cho thấy vắc-xin có thể sinh ra kháng thể trên một số người tình nguyện. Tuy nhiên, cổ phiếu của Moderna sau đó mất giá, do xuất hiện lo ngại số liệu hiện tại chưa đủ để kết luận về thành công của mẫu vắc-xin.

Ở Anh, tập đoàn dược AstraZeneca đã nhận được tài trợ hơn 1 tỉ USD để thử nghiệm, điều chế loại vắc-xin do nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford chuyển giao. Đổi lại, AstraZeneca có trách nhiệm cung cấp cho Mỹ 300 triệu liều vắc-xin, dự kiến sẽ được hãng này cho ra thị trường vào tháng 9 tới.

Tuy nhiên, theo William Haseltine, cựu chuyên gia khoa học tại Đại học Havard, kết quả thử nghiệm trên động vật đối với mẫu vắc-xin do Đại học Oxford nghiên cứu còn yếu hơn so với mẫu vắc-xin do hãng Sinovac (Trung Quốc) phát triển. Giáo sư Adrian Hill, Giám đốc Viện Jenner thuộc Đại học Oxford, cũng thừa nhận triển vọng thành công của loại vắc-xin này đã giảm từ 80% xuống còn 50%.

Việc nghiên cứu vắc-xin của CanSino thực hiện tại Vũ Hán, có sự cộng tác của chuyên gia Chen Wei, một nhà nghiên cứu quân sự tên tuổi. Trước đó, CanSino cũng từng hợp tác với ông Chen trong điều chế vắc-xin ngừa virus Ebola, được chứng nhận sử dụng cho trường hợp khẩn cấp vào năm 2017.

Ôn Wei Chen nhìn nhận, kết quả được công bố trên tạp chí “The Lancet” đánh dấu một cột mốc quan trọng, nhưng cần xem xét ở góc độ thận trọng hơn. Những thách thức trong việc phát triển vắc-xin COVID-19 là chưa có tiền lệ và khả năng kích hoạt các phản ứng miễn dịch này không nhất thiết chỉ ra rằng vắc-xin sẽ bảo vệ con người khỏi COVID-19.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Bloomberg)
https://baotintuc.vn/the-gioi/trung-quoc-no-luc-trong-cuoc-dua-vacxin-covid19-20200527160407655.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu