Chủ Nhật, 24/11/2024 09:40 (GMT +7)

Trung Quốc tăng cường tính ứng dụng của công nghệ robot trong đời thực

Thứ 6, 23/08/2019 | 09:10:00 [GMT +7] A  A

Một robot chuyên tuần tra an ninh, một chú chó robot có thể thực hiện các nhiệm vụ trong môi trường phức tạp và khắc nghiệt, hay các một hệ thống tìm kiếm thông minh là những điểm nổi bật tại Triển lãm Robot Thế giới 2019 diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 20 – 25/8.

Tất cả những robot này do Học viện Công nghệ Thiết bị phóng Trung Quốc (CALT), một trong những nhà chế tạo tên lửa đẩy chủ chốt của nước này, phát triển. Những robot này cũng đều có một đặc điểm chung là hưởng lợi từ sự phát triển của ngành công nghệ không gian vũ trụ của Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đạt được những bước đột phá trong công nghệ vũ trụ và đã đẩy mạnh nỗ lực phát triển những công nghệ robot quan trọng. Wang Yanbo, một nhà quản lý dự án thuộc CALT, cho biết học viện này đang nỗ lực tận dụng công nghệ vũ trụ tiên tiến để phát triển nhiều sản phẩm có thể tạo ra sự khác biệt cho cuộc sống hằng ngày của người dân. Dựa trên các cánh tay robot được sử dụng trong các sứ mệnh không gian, CALT đã phát triển một số cánh tay robot có khả năng phối hợp để phục vụ trong ngành công nghiệp. Nhà quản lý Wang Yanbo cho biết những cánh tay robot có thể nhanh chóng học hỏi từ những hướng dẫn của người vận hành và lấy đồ vật với độ chính xác 0,1 mm.

Bên cạnh những robot được sử dụng trên dây chuyền lắp ráp, robot tuần tra do CALT phát triển đã được được vào hoạt động tại một số khu phố ở Bắc Kinh và các khu công nghiệp ở Trùng Khánh. Được trang bị camera 360 độ, robot tuần tra có thể di chuyển linh hoạt trên mặt đất và tự động tránh chướng ngại vật trong khu vực nhất định. Khi phát hiện các tình huống nguy hiểm như nguy cơ hỏa hoạn hay hành vi bất thường nào đó, robot tuần tra sẽ phát ra âm thanh báo động và thông báo cho hệ thống điều khiển.

Trong khi đó, những chú robot mô phỏng hình dáng những chú chó hay rắn là những robot được phát triển nhằm tham gia hỗ trợ công tác cứu hộ cứu nạn tại những khu vực thảm họa khó có thể tiếp cận. Các nhà nghiên cứu cho biết đã thiết kế các bộ phận cơ học có thể hoạt động trong môi trường không gian khắc nghiệt, có nhiệt độ cực thấp và lượng phóng xạ lớn, từ đó mang lại nguồn cảm hứng cho việc thiết kế những chú robot có thể hoạt động trong những môi trường khắc nghiệt.

Lấy cảm hứng từ hệ thống theo dõi được sử dụng để định vị và thu thập các mảnh vỡ tên lửa, các nhà nghiên cứu từ CALT cũng đã thiết kế một hệ thống tìm kiếm thông minh có thể được sử dụng trong các tình huống như cứu trợ thảm họa và kiểm tra thiết bị. Hệ thống này là sự kết hợp giữa một máy bay không người lái có nhiệm vụ tìm kiếm với phần mềm xử lý có thể sử dụng các thuật toán tiên tiến như thuật toán thị giác máy tính và thuật toán tái tạo mô hình 3D. Nó có thể hướng dẫn máy bay không người lái theo dõi các vật thể có đường kính dưới 1m ở độ cao 800m.

Ngoài ra, dựa trên một hệ thống điều khiển tên lửa phức tạp có khả năng xử lý dữ liệu, CALT cũng đã phát triển một nền tảng đám mây có thể đóng vai trò là “tổng giám đốc” quản lý một nhóm robot. Nền tảng đám mây này tập hợp dữ liệu vận hành của nhiều robot và phân tích dữ liệu theo thời gian thực, cho phép người dùng quản lý và giám sát các robot, cũng như nhanh chóng phát hiện sự cố thông qua một ứng dụng.

Trong tương lai, nền tảng đám mây sẽ được trang bị mô-đun viễn thông 5G. Các nhà nghiên cứu thuộc CALT cho biết với lợi thế tốc độ cao và độ trễ thấp, mạng 5G sẽ cho phép người dùng quản lý robot hiệu quả cao hơn.

Phương Oanh (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu